Chỉ cần lướt một vòng quanh các trang web, các blog, chat, forum, hoặc tình cờ nghe một vài em dùng tiếng lóng nói với nhau nhiều phụ huynh muốn té xỉu: "Tụi nó nói tiếng gì lạ quá!"
Dầu muốn hay không, tiếng lóng là một thực tế đầy sinh động có trong hầu hết mọi ngôn ngữ.
Trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Les misérables (Những người khốn khổ) in năm 1861, đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802 -1885), để cả phần thứ tư chương VII bàn về tiếng lóng.
Những Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Tôi kéo xe của Tam Lang, Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Số đỏ, làm đĩ, Lục xì… của Vũ Trọng Phụng cũng chứa biết bao nhiêu tiếng lóng một thời mà nay không dùng nữa hoặc đã trở thành ngôn ngữ bình thường.
Khởi đầu của ngôn ngữ chat thời @ là hình thức tốc ký viết tắt giúp tiết kiệm con chữ. Viết tắt theo cách thay chữ bằng số, bằng hình, thay nguyên âm bằng phụ âm...vừa lạ mắt vừa nhanh: ntn (như thế nào); s1(someone, một ai đó); m/f? (male or female, nam hay nữ?)
Giới trẻ chat là phải vui. Nói vần vè mới vui: “Cẩn thận không tao tát một phát mày văng như cái đĩahát, vỡ tan tác cho mày hết khoác lác rồi đừng có trách tao ác”. Thay từ ngữ bằng những từ có âm na ná "bít" (biết), "pó tai" (bó tay)… Ngày trước tuy chưa có internet nhưng học sinh đã dùng tiếng Tây bồi cho vui: éclair fourmi là “sáng kiến”. Nay thì vẫn theo mẫu tiếng Việt mà chat tiếng Anh bồi: No star where (không sao đâu), No four go (vô tư đi), sugar sugar ajinomoto ajinomoto (đường đường chính chính)...
Muốn chat mau lẹ và vui thì cần tới những hý tượng. Ngày 19.9.1982, trong lúc đang tranh luận về sự hạn chế của việc diễn tả cảm xúc khi chat, Scott E. Fahlman, giáo sư trường đại học Carnegie Mellon, đã gõ lên màn hình 3 ký tự :-) nhìn ngang ta thấy gương mặt cười, rồi ba ký tự khác :-( nhìn ngang lại thấy một gương mặt buồn, rồi ba ký tự khác nữa ;-) ở đây lại thấy một người nháy mắt. Từ đó hình thành các hý tượng. Và cáctừ điển hý tượng (Smileys Dictionary) ra đời.
Giới trẻ có những bí mật không muốn người lớn biết. Các em dùng mã thay cho ngôn ngữ bình thường khi chat. Chẳng hạn, mã thay thế là một kiểu viết tắt. Tên ông TYFN trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng có ý nghĩa là ‘tôi yêu phụ nữ’. Nhưng có nhiều tên tắt khiến người khác đọc ‘hiểu chết liền’. Trong một truyện trinh thám trước 1945 Phạm Cao Củng cho một thám tử đưa ra dòng mã TTCCĐ. Mãi cuối truyện mới biết đó làthử tài cậu Cả đấy. Thời nay, đó là Gato à? (ghen ăn tức ở à?), là cơ sở Balogio (bán lợn giống)…
Giới trẻ muốn khẳng định mình. Họ phát triển thứ ngôn ngữ riêng giúp mình khác biệt những người dùng tiếng Việt chuẩn chính thống. Ai không sử dụng loại ngôn ngữ này, sẽ bị coi là "lạc hậu", kém "sành điệu", thậm chí là… ‘ngố’.
Tiếng lóng dùng chung cho cả một nhóm người thì có quy tắc. Nhà ngôn ngữ học P. Guiraud nêu kiểu tiếng lóng loucherbem ở Pháp những năm đầu thế kỷ trước. Do chữ boucher (anh hàng thịt) mà thànhloucherbem. Cách viết này vừa chỉ khóa mã vừa chỉ cách giải, kiểu ‘kiển tố vừa đố vừa giảng’: Để tạo ra tiếng lóng của một từ, hãy chuyển phụ âm đầu xuống cuối rồi đặt tất cả vào trong cặp l – em. Với câu ‘Ba đang vào đấy’ sẽ nói thành ‘labem langđem làovem lấyđem’. Trước cách mạng tháng 8 -1945, học sinh Hà Nội cũng dùng tiếng lóng này hoặc tiếng lóng largonji. Do từ jargon (biệt ngữ) mà thành largonji. Tiếng Việt có thanh điệu nên dấu thanh có thể chuyển xuống vần cuối. Câu ‘Ba đang vào đấy’ cũng nói thành ‘labem langđem laovèm lâyđém’ hoặc ‘labi langđi laovì lâyđí’. Tôi kể chuyện này muốn lưu ý rằng, ngoài đặc điểm vui nhộn và giữ bí mật, tiếng lóng cho một nhóm người thì có quy tắc. Nữ sinh Nhật chính là những người tiên phong dùng tiếng lóng qua tin nhắn điện thoại. Theo kết quả điều tra của Mimi Ito, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về đời sống giới trẻ và công nghệ, nữ sinh xứ Mặt trời mọc đã sáng tạo ra hệ tiếng lóng Gal Go của Nhật dùng cho việc chat trên mạng và nhắn tin di động. Còn như thứ tiếng lóng chỉ cho hai người thì chỉ có quy ước giữa hai người, quy ước càng tùy tiện, càng kỳ cục thì càng giữ được bí mật nhưng dễ trở thành những tiếng lóng quái dị và chính người dùng nó sẽ nhanh chóng lãng quên.
Những điều đáng báo động
Ngôn ngữ chat là thứ ngôn ngữ vui mắt lạ tai nhưng lệch chuẩn. Vui thì tốt, nhưng lệch chuẩn thường gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Nhà văn có thể dùng những từ ngữ có kết hợp bất ngờ, lạ lẫm, lệch chuẩn nhưng chấp nhận được khiến chúng trở thành những lối nói hay. Nhưng tiếng lóng khi chat thì không. Nếu dùng lệch chuẩn lâu ngày thì mưa dầm thấm lâu, dùng mãi thành “ghiền”, thành quen tai và quen tay. Thói quen xấu sẽ thành cố tật. Một khi đã “nhập” vào người thì nó sẽ bộc lộ ra trong những giao tiếp nghiêm chỉnh. Ai có thói quen dùng tiếng Việt tùy tiện, bất chấp đúng sai sẽ mất đi khả năng dùng tiếng Việt trong sáng và cũng không còn khả năng viết được những câu văn mạch lạc, có hồn, giầu hình ảnh, lời ít ý nhiều. Sau này dù có thiện chí muốn sửa chữa, muốn nâng cao năng lực tiếng Việt của mình cũng hết sức khó khăn. Thực tế có cán bộ cao cấp khi giải trình trước Quốc hội đã dùng ngôn ngữ anh chị đường phố “Tôi đồng ý xử nghiêm. […] Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là chặt chém ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm.” (báo, 13.6.2010)
Có một quy luật số đông: nhiều người dùng sai, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến người khác, lâu dần cả xã hội sẽ cùng sai. Lúc đó cái sai của ngày hôm qua sẽ thành cái đúng, một cái đúng không mong muốn.
Xin đừng quá lo
Vì nhiều lẽ, chúng ta không nên quá lo lắng trước loại ngôn ngữ chat hổ lốn của giới trẻ hiện nay. Tiếng lóng mau đến nhưng cũng mau đi. Qua tuổi teen thanh niên có bao nhiêu nhu cầu khác nên ham thích với tiếng lóng sẽ giảm dần. Quan trọng nhất là mỗi người đều muốn khẳng định mình, nhưng hầu hết các môi trường học tập và làm việc lại không cho tiếng lóng tồn tại. Bước chân vào đại học, sự mặn mà dành cho tiếng lóng của sinh viên tất yếu suy giảm. Thường ngày họ phải dùng máy tính nhiều hơn để làm các bài kiểm tra, soạn thảo bài viết, gửi bài qua e-mail cho giáo viên… Nếu không muốn những điều mình trình bày bị loại bỏ hoặc bị đánh giá thấp thì chẳng ai dại chèn tiếng lóng vào.
Bước vào đời, nếu muốn thành công bắt đầu từ cái đơn xin việc thì không được viết tiếng lóng. Khi có những việc làm không dùng cơ bắp, người ta sẽ nhận ra là cần nói và viết mọi thứ thật hoàn chỉnh để cải thiện khả năng thành công của mình. Trong giao tiếp với sếp, với khách hàng, nếu muốn tồn tại hay thăng tiến trong nghề nghiệp tất cũng không dám dùng tiếng lóng.
Để giữ cho tiếng Việt trong sáng, hãy dùng công cụ quyền lực: Sự nghiêm khắc ngôn từ ở tất cả các bộ môn ngay từ trường trung học và những đòi hỏi của nghề nghiệp sẽ là những liều thuốc chủ động làm teo dần đi thứ tiếng lóng quá kỳ cục gây vẩn đục tiếng Việt.
Giá như nhà nước đưa diễn đạt chuẩn mực tiếng Việt thành một tiêu chí quan trọng trong thi tuyển công chức và đề bạt cán bộ thì chắc chắn sẽ có tác động tích cực ngay tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
GS.TS. Nguyễn Đức Dân
Nguồn: Báo SGGP thứ bảy.