Đặt vấn đề
Trong quá trình hội nhập và công bố quốc tế để nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo đại học, cũng như khẳng định thứ bậc của trường đại học trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới, các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam cũng như thế giới đều phải nỗ lực hết mình để đạt được thêm nữa những thành tựu. Trong bối cảnh đó, các ngành khoa học xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là ngữ văn cũng đang trên đường phấn đấu để xứng đáng với truyền thống học thuật của ông cha và quan trọng hơn là để đưa đội ngũ tri thức ngữ văn ra với thế giới, khẳng định tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. Danh mục tạp chí WoS/Scopus và xuất bản sách tại các nhà xuất bản uy tín trên thế giới là hai trong số những chuẩn đánh giá quan trọng trình độ khoa học của một cá nhân hay một quốc gia trong thời hội nhập.
Nội dung nghiên cứu
Việt Nam là đất nước có truyền thống ngữ văn lâu đời. Thời phong kiến, nhờ học chữ Hán và tài thơ phú mà nhân sĩ thành danh, đỗ đạt, trở thành các bậc chức sắc công tâm của chính quyền. Kể từ khi Thiên Chúa giáo được truyền bá vào Việt Nam, nền quốc ngữ chữ Hán đã chuyển sang chữ La tinh, bút sắt đảm nhận việc ghi nhận sự hoạch định khả năng và đường hướng tư duy của con người. Cấu trúc quyền lực văn hóa cũng thay đổi. Bên cạnh các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn, người Việt dần làm quen với các ngành khoa học tự nhiên. Tuy tiếp cận với khoa học tự nhiên muộn, nhưng thành tựu mà người Việt đạt đến quả đáng khích lệ. Đỉnh cao là Ngô Bảo Châu với giải thưởng Field của Toán học. Trong khi đó, với bề dày truyền thống ngữ văn của dân tộc, cho đến nay Việt Nam chưa có một nhà nghiên cứu hay sáng tác văn học nào có tầm cỡ quốc tế. Đấy là thực trạng đáng buồn. Và đáng buồn hơn là phần đông trong giới học thuật khoa học xã hội Việt Nam đương đại lại không có ý thức hội nhập, công bố bài quốc tế.
1. Thế hệ Pháp học
Kể từ đầu thế kỉ 20 đến nay, ta có thể chia ngành ngữ văn Việt Nam ra làm ba thời kì, ứng với ba làn sóng ảnh hưởng hoặc tiếp biến văn minh từ phương Tây đến Việt Nam. Trước tiên là thế hệ của những nhà Pháp học (1900-1960). Kể từ cuối thế kỉ 19, văn minh Pháp đã tác động mạnh đến Việt Nam. Người Pháp đã dày công đào tạo ra lớp tri thức bản địa để phục vụ trong bộ máy công quyền. Hãy khoan nói đến lợi ích của người Pháp, nhờ chính sách khai minh quý giá này mà không ít nhân tài Việt đã được phát hiện và đào tạo đúng chuẩn châu Âu, trở thành đầu mối cho sự phát triển ngành nghiên cứu ngữ văn của nước nhà. Giai đoạn này, ta có thể kể Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Trần Trọng Kim (1883-1953), Phạm Duy Khiêm (1908-1974), Cao Xuân Huy (1900-1983), Đặng Thai Mai (1902-1984), Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997), Trần Văn Giàu (1911-2010), Trương Tửu (1913-1999), Huỳnh Lý (1914-1993), Trương Chính (1916-2004), Trần Đức Thảo (1917-1993),… Đây là những bậc thầy, học Tây và lãnh sứ mạng khai sáng cho dân tộc. Không ít người trong số họ nổi tiếng ở Pháp như trường hợp Trần Đức Thảo hay Nguyễn Mạnh Tường... Thế hệ này quy tụ những anh tài, có tinh thần nhân văn, dân tộc và lòng tự trọng khoa học rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, do tiếng Pháp không phải là ngôn ngữ phổ biến và giao lưu quốc tế không thuận lợi như bây giờ, nên tầm ảnh hưởng quốc tế của các nhà Tây học thời kì đầu của Việt Nam vẫn chưa được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi.
Thế hệ sau của những bậc thầy này, được thừa hưởng thành tựu từ những người đi trước đã thực sự tạo nên một diện mạo mới trong nghiên cứu và dạy học ngữ văn ở Việt Nam. Tuy khoảng cách tuổi tác có ít nhiều cách xa những tôi tạm xếp họ vào chung nhóm. Lớn tuổi phải kể đến Bùi Văn Nguyên (1918 - 2003), Lê Trí Viễn (1919-2012), Hoàng Trinh (1920-2011), Hoàng Tuệ (1922-1999), Đỗ Đức Hiểu (1924-2003), Đinh Gia Khánh (1924-2003), Phan Ngọc (1925-2020), Nguyễn Tài Cẩn (1926–2011), Trần Đình Hượu (1927-1995), Phan Trọng Luận (1927-2013), Nguyễn Đức Nam (1928-1988), Nguyễn Đình Chú (1929-), Nguyễn Văn Hạnh (1931-), Cao Xuân Hạo (1930-2007), Nguyễn Đăng Mạnh (1930-2018), Đặng Thị Hạnh (1930-), Lê Hồng Sâm (1930-), Nguyễn Lai (1930-2019)… kế tiếp là Bùi Duy Tân (1931-2009), Nguyễn Kim Đính (1931-), Đặng Thanh Lê (1932-2016), Đỗ Hữu Châu (1932-2005), Phan Cự Đệ (1933-2007), Lưu Đức Trung (1933-2017), Đặng Anh Đào (1934-), Nguyễn Hải Hà (1934-), Chu Xuân Diên (1934-), Hà Minh Đức (1935-), Phùng Văn Tửu (1935-), Phương Lựu (1936-), Phong Lê (1938-),… Thế hệ những nhà nghiên cứu trên được xem là khổng lồ ở hai tư cách, khối lượng công trình khoa học của từng người và khả năng đặt nền móng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu cho các thế hệ sau. Các khuynh hướng nghiên cứu như Xã hội học, Giải thích học, Tự sự học, Thi pháp học, Kí hiệu học, Phong cách học, Việt ngữ học, Từ vựng học, Ngữ âm học, Ngữ dụng học, Văn học so sánh, Ngôn ngữ học so sánh… đều được đặt ra và phần nào được giải quyết phù hợp với tinh thần khoa học của thời đại.
Ở đội ngũ những nhà khoa học bậc thầy này, có thể thấy, nhiệm vụ của họ là vận dụng lí thuyết văn học, ngôn ngữ học nước ngoài vào nghiên cứu thực tiễn Việt Nam, xây dựng nên một nền học thuật ngữ văn lớn mạnh. Đây là thế hệ sở hữu những bộ óc trác tuyệt, có người may mắn được học trường Tây, có người được ra nước ngoài tu nghiệp, nhưng cũng có người chỉ được học trong nước, nhưng nhờ ý thức tự lực và kiên trì theo đuổi niềm đam mê ngữ văn bất tận mà họ đã để lại cho đời những công trình bất hủ. Có thể kể: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” (Phan Ngọc), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (Trần Đình Hượu), Âm vị học & Tuyến tính (Phonologie et linéarité, Cao Xuân Hạo), Nhà văn Việt Nam hiện đại (Phan Cự Đệ), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại (Đặng Anh Đào), Thi pháp học (Đỗ Đức Hiểu), Văn học Phương Tây (Phùng Văn Tửu,…), Văn học Nga (Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Hải Hà,…), Văn học Ấn Độ (Lưu Đức Trung), Ngữ dụng học (Đỗ Hữu Châu)… Đây có thể xem là thời trăm hoa đua nở của ngành nghiên cứu ngữ văn ở Việt Nam. Ảnh hưởng bởi tinh thần tự do học thuật của Pháp, nên ta có thể thấy tính đa phong cách và phóng khoáng trong nghiên cứu của những học giả này.
2. Thế hệ Nga học
Thế hệ tiếp theo tôi gọi là Nga học (1960-1990), tính cả những người đi học ở Đông Âu, còn có thể gọi là “Liên Xô - Đông Âu học”. Thế hệ này hình thành khi Nga và các nước Đông Âu tài trợ kinh tế để đưa sinh viên, học viên Việt Nam sang học tập nghiên cứu. Thuộc nhóm này còn có những người Pháp học thế hệ sau như Đào Duy Hiệp, Nguyễn Văn Dân,… và cả một số người học ở Trung Quốc như Nguyễn Quang Hồng… Có thể nói, đây là thời kì có tính chuyên sâu hơn của nghiên cứu ngữ văn Việt. Sự học giai đoạn này kế thừa và phát huy được phổ rộng về các ngành nghiên cứu ngữ văn như thời Pháp học. Song vì những lí do lịch sử nhất định mà sự phổ biến ngữ văn Việt Nam ra quốc tế, dưới tầm ảnh hưởng của thời Liên Xô – Đông Âu lại khá hạn hẹp. Mặt khác, việc tiếp thu tinh hoa ngữ văn của nhân loại để truyền bá vào trong nước cũng không quá phong phú. Cụ thể là các nhà nghiên cứu gạo cội như Trần Đình Sử, Phạm Vĩnh Cư,… loay hoay chỉ với Bakhtin, sau có thêm Lotman. Ngoài ra, Freud cũng rất được chú trọng. Với Freud thì không có gì đáng bàn (tầm vóc Freud lớn hơn Bakhtin và Lotman nhiều), nhưng với Bakhtin thì do các nhà nghiên cứu không chú ý đến các quan điểm phương Tây về Bakhtin và không bao quát được các lí thuyết của phương Tây trong mối quan hệ với lí thuyết đối thoại của Nhóm Bakhtin, nên việc giới thiệu Bakhtin ở Việt Nam bị thiên lệch, cứ ngợi ca một chiều và đôi lúc ngợi ca cái mà thế giới không đánh giá cao. Về Bakhtin, có mấy chuyện đáng bàn: Không một nhà nghiên cứu Việt Nam nào truy nguyên nguồn gốc “tính đối thoại” của Bakhtin, không ai hoài nghi cái tên Bakhtin trong mối quan hệ với Voloshinov và Medvedev cho đến khi Ngô Tự Lập (1962-) lên tiếng (Lập, 2021), và đặc biệt là không ai phản biện liệu Nhóm Bakhtin có điểm nào sai và vì sao sai… cho đến khi Lê Huy Bắc (1968-) đề cập đến trong cuốn Kí hiệu và liên kí hiệu (Bắc, 2019).
Nhưng điều đó không có nghĩa là người Việt thiếu vắng nhân tài ở thời Nga học. Có thể kể: Trần Đình Sử (1940-), Nguyễn Quang Hồng (1940-), Mã Giang Lân (1941-), Nguyễn Đăng Na (1942-2014), Nguyễn Quang Ninh (1944-), Lê Ngọc Trà (1945-), Lê Chí Quế (1945-), La Khắc Hòa (1947-), Nguyễn Minh Thuyết (1948-), Lộc Phương Thủy (1949-), Nguyễn Văn Dân (1950-), Nguyễn Đức Ninh (1950-), Trần Ngọc Thêm (1951-), Phan Trọng Thưởng (1951-), Trần Nho Thìn (1951-), Lã Nhâm Thìn (1952-), Nguyễn Xuân Kính (1952-), Trần Đăng Suyền (1953-), Bửu Nam (1953-), Trương Đăng Dung (1954-), Huỳnh Như Phương (1955-), Bùi Mạnh Nhị (1955-), Trần Ngọc Vương (1956-), Nguyễn Hồng Cổn (1956-), Đỗ Ngọc Thống (1956-), Lê Quang Hưng (1956-), Nguyễn Thành Thi (1957-), Đinh Trí Dũng (1959-)... Đây là thế hệ mặc dù chịu tác động nhiều từ quan điểm ngữ văn Liên Xô - Đông Âu, nhưng hầu hết đều thành danh vì đã nỗ lực vượt qua những giới hạn học thuật đó. Nhược điểm mà thế hệ Nga học này vấp phải là hoàn toàn khách quan, do họ bị ném vào một môi trường ngôn ngữ hẹp. Tiếng Nga và các ngôn ngữ Đông Âu hoàn toàn yếu thế so với phần còn lại của tiếng Anh trên thế giới trong sự tiếp nhận học thuật. Nên cũng như thế hệ trước, họ hầu như không có công bố quốc tế. Dẫu sao thì đóng góp của thế hệ Nga học này là đã củng cố thêm các hướng nghiên cứu mà thế hệ trước đặt ra và chưa xử lí hết. Tôi tạm xếp dựa trên thành tựu cụ thể của các nhà khoa học: Thi pháp học có Trần Đình Sử (Sử, 2020), Nguyễn Xuân Kính, Phan Huy Dũng (1961-), Chu Văn Sơn (1962-2019), Nguyễn Đăng Điệp (1962-); Xã hội học văn học có Lộc Phương Thủy; Văn hóa học có Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Thêm, Phan Thu Hiền (1963-); Tự sự học có Đào Duy Hiệp (1953-), Đoàn Đức Phương (1954-), Trần Khánh Thành (1957), Ngô Văn Giá (1959-); Kí hiệu học có La Khắc Hòa (Lã Nguyên) (Nguyên, 2018), Hoàng Dũng (1957-); Phê bình cấu trúc có Nguyễn Văn Dân, Trịnh Bá Đĩnh (1958-); Hậu hiện đại có Phương Lựu, Trương Đăng Dung; Ngữ pháp cấu trúc có Diệp Quang Ban (1935-), Bùi Minh Toán (1945-); Ngữ âm học có Đặng Thị Lanh (1944); Việt ngữ học có Lê Quang Thiêm (1940-), Nguyễn Thiện Giáp (1944-)…Tầm ảnh hưởng của thế hệ Nga học kéo dài xuyên suốt 30 năm từ 1990 đến đầu 2010. Thế hệ này do được hưởng lợi nhiều từ thành quả Đổi mới 1986, nên tiếng nói của họ đầy hào khí và thâm hậu. Hầu hết, họ là những bậc thầy trực tiếp của thế hệ Việt học, đồng thời là những nhà khoa học có nhiều đóng góp lớn lao về chuyên ngành và gần như đã đi trọn con đường đổi mới nghiên cứu phê bình quốc nội.
3. Thế hệ Việt học
Kế tiếp hai thế hệ Pháp học và Nga học, thế hệ Việt học cũng ghi dấu ở nhiều khuynh hướng nghiên cứu (chúng tôi cũng xếp vào đây các nhà ngữ văn bảo vệ tiến sĩ ở Nga, Đức, Pháp… khoảng trên dưới 55 tuổi trở xuống), về Ngữ pháp tạo sinh có Nguyễn Văn Hiệp (1964-), Bùi Trọng Ngoãn (1960-)…; Ngôn ngữ học so sánh có Phan Thị Huyền Trang (1985), Hậu hiện đại có Lê Huy Bắc (Bắc, 2019), Phan Tuấn Anh (1985-) (Anh, 2015), Nguyễn Văn Thuấn (1982-) (Thuấn, 2018)…; Hán Nôm học có Nguyễn Tuấn Cường (1080-), Trần Trọng Dương (1980-), Nguyễn Tô Lan (1981-), Nguyễn Thị Thanh Chung (1978-)…; Văn hóa học có Dương Tuấn Anh (1975-)…; Phê bình cổ mẫu có Nguyễn Thị Kim Ngân (1984-) (Ngân, 2017); Sinh thái học văn học có Đỗ Văn Hiểu (1979-), Xã hội học văn học có Phùng Ngọc Kiên (1976-); Tự sự học có Cao Kim Lan (1973-) (Lan, 2019), Trần Thị Sâm (1973), Trần Ngọc Hiếu (1979), Kí hiệu học có Lê Huy Bắc, Đỗ Hải Phong (1967-)…; Văn học so sánh có Phạm Phương Chi (1982-)…; Tiếp nhận văn học có Hoàng Phong Tuấn (1978-) (Tuấn, 2017); Nghiên cứu giới trong văn học có Nguyễn Thị Minh (1985-)… Qua liệt kê chưa thật đầy đủ trên, chúng ta đã thấy đóng góp của thế hệ Việt học không chỉ ở phương diện kế thừa mà còn mở rộng các khuynh hướng nghiên cứu, hướng đến hội nhập quốc tế. Thành tựu lớn nhất của nghiên cứu ngữ văn Việt học chính là các công bố quốc tế.
Đầu thế kỉ 21, nhưng thực tế là bắt đầu từ 2010, Việt Nam bước vào thời kì hội nhập quốc tế sâu rộng. Các diễn đàn xếp hạng thứ bậc trường đại học và nhu cầu bài báo WoS/Scopus không còn là lĩnh vực quan tâm duy nhất của các nhà khoa học tự nhiên. Đã xuất hiện một thế hệ nghiên cứu khoa học ngữ văn mới, tôi gọi thế hệ này là Việt học (1990-nay). Cái tên đó xuất phát từ sự quan sát: hiếm có nhà nghiên cứu nào thành danh trong việc công bố quốc tế thuộc thế hệ này lại được đào tạo đại học hay tiến sĩ ở nước ngoài. Đây là thời kì phân hóa cao độ giữa những người có tư tưởng hội nhập để đưa khoa học ngữ văn Việt Nam lên tầm quốc tế với những người mải miết chuyện tiền tài, danh vọng hay tiếp tục mắc kẹt với xu thế Nga học. Thế hệ Việt học được thừa hưởng những tinh hoa mà các đấng bậc Pháp học và Nga học để lại. Tuy học trong nước, nhưng thực ra thế hệ này chịu ảnh hưởng từ Anh - Mỹ. American standard (chuẩn Mỹ) từ bên kia đại dương có sức hút mãnh liệt đối với bao trái tim đang khao khát hội nhập, đang muốn khẳng định năng lực cá nhân và quốc gia với phần còn lại của nhân loại. Với lợi thế tiếng Anh (đa phần là do tự học), những người nghiên cứu, chủ yếu dưới 45 tuổi này đều dựa trên chuẩn Mỹ và công bố công trình nghiên cứu theo chuẩn này.
Với cộng đồng Việt học, lần đầu tiên thế giới được biết nhiều hơn về nghiên cứu ngữ văn của người Việt. Có thể liệt kê ra tên của trên 10 tác giả Việt học với số lượng trên năm bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, bao gồm cả tạp chí thuộc danh mục WoS/Scopus: Nguyễn Văn Hiệp (1964-, Viện Ngôn ngữ học): 06 bài; Lê Huy Bắc (Đại học Sư phạm Hà Nội): 06 bài; Phạm Hiển (1976-, Viện Ngôn ngữ học): 06 bài; Nguyễn Tuấn Cường (1980-, Viện Hán Nôm): 21 bài; Lê Thị Bích Thủy (1981-, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): 06 bài; Nguyễn Tô Lan (1981-, Viện Hán Nôm): 10 bài; Phạm Phương Chi (1982-, Viện Văn học): 10 bài; Nguyễn Thị Kim Ngân (1984-, Đại học Sư phạm - Đại học Huế): 05 bài,… Đặc biệt nhà nghiên cứu Hán Nôm Đinh Khắc Thuân (1952-): 12 bài. Đây là giáo sư ngữ văn tuổi 70 có số bài đạt kỉ lục so với các giáo sư cùng thế hệ hiện đang nghiên cứu.
Để cụ thể hóa thành tựu công bố quốc tế, tôi khảo sát 13 trường/viện và thống kê chi tiết các công trình công bố quốc tế ngành Ngữ văn1. Theo đó, ta có 07 người học tiến sĩ nước ngoài xuất bản 14 bài WoS/Scopus (2,0 bài/1 người) và 29 người học tiến sĩ trong nước có 61 bài WoS/Scopus (2,1 bài/1 người). Bình quân số bài là gần ngang nhau nhưng, số người học tiến sĩ trong nước có bài WoS/Scopus gấp 4,1 lần (29/7) số người học tiến sĩ nước ngoài. Điều này khẳng định sự vượt trội của các nhà ngữ văn Việt học.
Cần ghi nhận, nếu trừ đi số người bảo vệ tiến sĩ nước ngoài trên 55 tuổi (Nguyễn Hồng Cổn, Vũ Thị Thanh Hương, Trịnh Khắc Mạnh), thì con số người trẻ tuổi học nước ngoài (Anh và Đức) chỉ còn 04 người có bài WoS/Scopus. Trong khi đó, nhóm học tiến sĩ ở Trung Quốc (07) và Nga (05), chiếm một số lượng lớn trong số du học sinh, nhưng số người có bài WoS/Scopus chỉ có 01 người học ở Trung quốc (Nguyễn Thị Thu Hiền). Xem bảng 1, ta sẽ thấy trong số 23 người bảo vệ tiến sĩ nước ngoài chỉ có 07 người có bài WoS/Scopus. Tỉ lệ chưa đến 1/3 người có công bố quốc tế uy tín này cho thấy sự ít ỏi về công trình học thuật của các tiến sĩ nước ngoài. Vấn đề ở đây là rào cản ngôn ngữ. Những người học ở Nga, Trung Quốc và cả Đức đều gặp hạn chế về ngôn ngữ họ theo học vì tính phổ biến quốc tế rất thấp, nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến công bố WoS/Scopus. Điều này đặt ra thách thức cho những người quản lí, cũng như việc đầu tư kinh phí đào tạo (hoặc chấp nhận đào tạo) tiến sĩ nước ngoài của nhà nước, đối với ngành ngữ văn cần chú ý đến các nước nói tiếng Anh nhiều hơn thì hiệu quả mới cao.
Theo khảo sát, hiện tại người có số lượng bài đăng tạp chí quốc tế nhiều nhất là Nguyễn Tuấn Cường (05 bài WoS/Scopus và 16 bài tạp chí khác), công trình tiêu biểu nhất: The Last Confucians of Mid-20th Century Vietnam: A Cultural History of the Vietnam Association of Traditional Studies (Những nhà Nho cuối cùng của Việt Nam giữa thế kỷ 20: Lịch sử văn hóa của Hội Nghiên cứu Truyền thống Việt Nam) đăng tạp chí hạng Q1, nhưng có lẽ người tạo được ảnh hưởng thế giới nhỉnh hơn trong số Việt học ở thời điểm này là Phạm Phương Chi với 01 chuyên luận Literature and nation-building in Vietnam – The invisibilization of the Indians (Văn học và dựng nước ở Việt Nam - Sự vô hình hóa người Ấn) in tại nhà xuất bản hàng đầu thế giới Routledge, cùng với 06 bài WoS/Scopus và 03 bài tạp chí khác. Xét về các công trình riêng lẻ gây chú ý, thì bài báo của Nguyễn Thị Kim Ngân về văn học dân gian đăng trên tạp chí chuyên ngành hàng đầu về mảng này của thế giới cũng tạo được tiếng vang lớn trong giới học thuật. Tiếp đó, bài báo chỉ ra những điểm bất cập trong lí thuyết của Nhóm Bakhtin của nhóm nghiên cứu Lê Huy Bắc và đồng sự, The Bakhtin Circle’s dialog in Vietnam (Đối thoại của Nhóm Bakhtin ở Việt Nam) (Bac et al., 2021) đăng trên tạp chí của Nature cũng tạo nên sự đón đọc rộng rãi. Chỉ sau một tháng ấn hành, bài báo đã có trên 2000 lượt truy cập. Thuật ngữ “Liên kí hiệu” (Intersignality) do Lê Huy Bắc kiến tạo in trong Haruki Murakami’s Norwegian Wood: Intersignalities to Scott Fitzgerald, Thomas Mann, J.D. Salinger, and Ken Kesey (Rừng Na Uy của Haruki Murakami: Liên kí hiệu với Scott Fitzgerald, Thomas Mann, J.D. Salinger và Ken Kesey) (Hang & Bac, 2019) được công bố trên tạp chí hạng Q2 cũng tạo được chú ý…
Còn nữa, công trình Decomposing Definiteness in Vietnamese (Phân lớp tính xác định trong tiếng Việt) của Phan Thị Huyền Trang và Lâm Quang Đông (Trang, 2021) cũng gây sự chú ý đáng kể trong giới học thuật. Trả lời phỏng vấn qua email cá nhân, Phan Thị Huyền Trang cho biết: “Bài viết này giải quyết vấn đề vẫn đang tranh cãi lâu nay trong giới Việt ngữ học trong và ngoài nước là tiếng Việt có quán từ (mạo từ) hay không. Tác giả đã so sánh giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ có loại từ khác như tiếng Quảng Đông, tiếng Quan thoại, tiếng Thái, đồng thời so sánh với các ngôn ngữ có quán từ (mạo từ) như tiếng Anh, tiếng Pháp. Kết luận của bài báo là: không có thành tố nào trong tiếng Việt đủ tư cách là quán từ thực sự, nhưng do đặc trưng phân tích tính của mình, tiếng Việt phân biệt một cách tinh tế sáu mức độ khác nhau của tính đã biết. Kết luận này có ý nghĩa ứng dụng trong việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và dịch tự động tiếng Việt”.
Để rõ thêm những đóng góp học thuật của thế hệ Việt học, chúng ta tiếp tục phân tích Bảng 1, bảng tổng hợp công bố ngữ văn quốc tế, dưới đây:
TT
|
Trường/Viện
|
Số tác giả
|
Bảo vệ tiến sĩ
|
Số bài tạp chí và sách
|
Trong nước
|
Nước ngoài
|
WoS/Scopus
|
khác
|
Tổng
|
-
|
ĐHSP HN
|
12
|
08
|
04
|
04
|
26
|
30
|
-
|
ĐHSP HN 2
|
06
|
06
|
0
|
02
|
10
|
12
|
-
|
ĐHSP-ĐH Huế
|
06
|
06
|
0
|
13
|
03
|
16
|
-
|
ĐHSP-ĐH Đà Nẵng
|
06
|
06
|
0
|
02
|
06
|
08
|
-
|
ĐHSPHCM
|
03
|
03
|
0
|
0
|
05
|
05
|
-
|
ĐH Vinh
|
04
|
04
|
0
|
0
|
04
|
04
|
-
|
ĐH Thái Nguyên
|
09
|
06
|
03
|
03
|
12
|
15
|
-
|
ĐHQGHN
|
16
|
11
|
05
|
14
|
35
|
49
|
-
|
ĐHQGHCM
|
15
|
13
|
02
|
03
|
23
|
26
|
-
|
ĐH Cần Thơ
|
02
|
02
|
0
|
0
|
02
|
02
|
-
|
HVCTQG HCM
|
01
|
01
|
0
|
03
|
03
|
06
|
-
|
Viện Hán Nôm
|
12
|
11
|
01
|
15
|
56
|
71
|
-
|
Viện Ngôn ngữ
|
03
|
02
|
01
|
08
|
11
|
19
|
-
|
Viện Văn học
|
08
|
01
|
07
|
08
|
16
|
24
|
TỔNG CỘNG
|
103
|
80
|
23
|
75
|
211
|
286
|
Nếu lấy số bình quân đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên của 13 trường (viện) có khoa (hoặc nhóm nghiên cứu) ngữ văn là 40 người/1 cơ quan, thì tổng số có khoảng 500 người đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn tại bảy trường đại học sư phạm trọng điểm, ĐH Vinh, hai đại học quốc gia và ba viện. Theo bảng 1, cứ 103 người có công bố quốc tế trên 500 nhà khoa học, thì tỉ lệ vào khoảng 1/5 quả là chưa cao. Thử hình dung nếu tất cả các giảng viên đại học và nghiên cứu viên ngữ văn tại các trường/viện trong một (hoặc hai) năm đều có một công trình đăng tạp chí nước ngoài thì con số đó sẽ lớn chừng nào và các trường đại học Việt Nam chắc chắn sẽ nằm vào các thứ hạng quốc tế cao hơn.
Trong số 13 trường/viện được khảo sát, đáng ghi nhận là không có trường/viện nào “trắng” công bố quốc tế (trừ ĐHKH-ĐH Huế). Điều này chứng tỏ ý thức hội nhập của các nhà khoa học, nhưng thống kê cũng cho thấy sự yếu kém về đầu tư hay hạn chế khoa học giữa các trường/viện. Đại học có ít công bố quốc tế ngữ văn nhất là Đại học Cần Thơ (02 bài), Đại học có công bố nhiều nhất là Đại học KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội (49 bài). Tuy nhiên, Viện Hán Nôm mới là nơi có thành tích nổi trội (71 bài). Đây là nỗ lực đáng khích lệ và nó cho thấy truyền thống đáng trân trọng của Viện. Từ giáo sư lớn tuổi đến người trẻ tuổi, hầu hết đều có bài quốc tế. Và nó còn chứng tỏ một thực tế khó chối cãi rằng nếu lãnh đạo khoa/viện nào có năng lực khoa học để công bố quốc tế thì thành viên của cơ sở đó noi gương, có nhiều công trình quốc tế. Những khoa/viện ít có công bố quốc tế đều rơi vào nơi mà các lãnh đạo trực tiếp không có công bố quốc tế, kéo theo cả khoa hoặc viện đó cũng yếu đi (nhận định này có ngoại lệ là khoa Ngữ văn, ĐHSP-ĐH Huế).
Đáng chú ý là các trường đại học sư phạm hàng đầu như ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh đều có công bố quốc tế WoS/Scopus kém xa Trường ĐHSP – ĐH Huế. Số lượng bài WoS/Scopus của ĐHSP-ĐH Huế (13 bài) chỉ kém ĐHQGHN (14 bài) và Viện Hán Nôm (15 bài), trong lúc số giảng viên của họ (khoảng 20 người) chưa bằng 1/2 cán bộ của mỗi cơ quan này. Trong khi đó, ĐHSPHN chỉ có (04 bài), ĐHSPHCM thì không có bài nào. Tín hiệu đáng mừng là các tiến sĩ trẻ của ĐHSPHCM đang có công trình sắp được đăng trên các tạp chí quốc tế.
Cũng theo bảng 1, với tổng số 286 bài/103 người, bình quân mỗi người gần ba bài là con số khá ấn tượng cho việc công bố quốc tế. Tiếc là số bài ngoài danh mục WoS/Scopus quá nhiều (211 bài). Nguyên do chủ yếu là các nhà khoa học chưa chú ý tra cứu chính xác các tạp chí trong danh mục WoS/Scopus hoặc bị các tạp chí fake lừa. Vậy nên, khi khảo sát, tôi lấy làm tiếc cho trên 10 bài đăng nhầm các tạp chí không thuộc danh mục WoS/Scopus. Vấn đề này tôi sẽ bàn kĩ trong một bài viết khác.
Những nỗ lực trên của đội ngũ Việt học cho thấy, tuy trong nước chưa có một tạp chí khoa học ngữ văn nào thuộc WoS/Scopus, nhưng công bố quốc tế trong khoảng 05 năm trở lại đây của giới nghiên cứu ngữ văn (trên 50 bài), có lẽ chẳng thua kém nhiều các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore,… những quốc gia có các tạp chí khoa học xã hội được xếp vào danh mục của WoS/Scopus và có truyền thống công bố quốc tế. Tôi tin chắc trong tương lai không xa, với sự đầu tư của các tổ chức uy tín như Quỹ Nafosted, hay mảng kinh phí nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học tại các Bộ, Ngành, Sở… hay việc quy định giảng viên đại học, người hướng dẫn và nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế thì số lượng bài báo WoS/Scopus về khoa học xã hội nói chung và ngành ngữ văn nói riêng của Việt Nam sẽ đuổi kịp và thậm chí sẽ vượt qua các nước Đông Nam Á.
Kết luận
Điểm qua đội ngũ khoa học ngữ văn Việt Nam suốt hơn một thế kỉ qua, chúng ta thấy, tùy vào từng thời điểm khác nhau mà sứ mệnh của nhà khoa học cũng khác nhau. Thế kỉ 20-21 ghi dấu những cuộc tiếp sức bền bỉ của khoa học ngữ văn, lớp sau tựa vào lớp trước, tạo nên sức mạnh nối tiếp trong cuộc chinh phục các mốc khoa học bất tận. Với thế hệ Việt học, chúng ta sẽ thấy nền giáo dục bản địa ngữ văn Việt Nam thật tuyệt vời. Đâu cứ phải đi học nước ngoài mới có công bố quốc tế? Điều phi lí dễ nhận thấy là trong lúc nhà nước bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để đào tạo quốc tế thì số học viên các khoa học xã hội đó, hoặc không về nước, hoặc về nước thì hầu như không có bài báo quốc tế WoS/Scopus. Trong khi cứ làm theo cách Quỹ Nafosted, hay thông tư 08/2017 BGDĐT về yêu cầu bài báo quốc tế WoS/Scopus ở cả người hướng dẫn lẫn người học đối với đào tạo tiến sĩ thì tôi tin chắc, chẳng mấy nữa, Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc công bố quốc tế của khu vực, chí ít là ngành ngữ văn.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế và đánh giá thứ hạng trường đại học, việc công bố quốc tế WoS/Scopus đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các trường đại học, cũng như uy tín học thuật của quốc gia. Và nó cũng sẽ tạo lực hút hấp dẫn bạn bè năm châu tìm hiểu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với tư cách là một vùng đất giàu truyền thống nhân văn lâu đời. Đội ngũ tri thức ngữ văn Việt học đã sẵn sàng bước vào cửa ngõ sáng tạo quốc tế.
Việt Nam vốn là đất nước của những điều độc đáo và khác thường. Việc các nhà Việt học ngữ văn lại nắm giữ công bố quốc tế nhiều hơn những người Nga học hay Pháp học là minh chứng nhất cho nhận định đó. Hiện tại, có thể cánh Việt học đa số chưa thực sự định hình rõ nét nghiên cứu và không ít công bố vẫn chưa thực sự hoàn hảo về phương diện khoa học, nhưng với hướng đi đúng, tôi tin chắc trong một tương lai không xa, khoa học ngữ văn Việt Nam sẽ hình thành được những nhóm nghiên cứu mạnh, đủ sức để phản biện và đóng góp tư tưởng Việt ra với cộng đồng khoa học năm châu.
Tài liệu tham khảo
Phan Tuấn Anh (2015). Gabriel Garcia Marquez và nỗi cô đơn huyền thoại. Hà Nội: Văn học.
Chi P. Pham (2021). Literature and nation-building in Vietnam – The invisibilization of the Indians. London: Routledge.
Lê Huy Bắc (2019). Kí hiệu và liên kí hiệu. Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.
Lê Huy Bắc (2019). Văn học hậu hiện đại. Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.
Bac, L.H., Hang, D.T.T. & Phuong, L.N. The Bakhtin Circle’s dialog in Vietnam. Humanit Soc Sci Commun 8, 159 (2021). https://doi.org/10.1057/s41599-021-00840-8.
Nguyễn Tuấn Cường (2020). The Last Confucians of Mid-20th Century Vietnam: A Cultural History of the Vietnam Association of Traditional Studies. Asian Studies, Vol 8. Pp. 185-211. DOI: 10.4312/as.2020.8.2.185-211.
Dao Thi Thu Hang, Le Huy Bac (2019). Haruki Murakami’s Norwegian Wood: Intersignalities to Scott Fitzgerald, Thomas Mann, J.D. Salinger, and Ken Kesey. Asia-Pacific Social Science Review. Sep. 2019, Vol. 19 Issue 3, p. 239-246. 8p.
Cao Kim Lan (2019). Ma thuật của truyện kể: Tự sự học và những diễn giải văn học Việt Nam hiên đại. Hà Nội: Khoa học xã hội.
Nguyễn Thị Kim Ngân (2017). Folklore và văn học viết: Nghiên cứu từ góc độ dịch chuyển không gian trong truyện cổ tích và truyện truyền kỳ. Hà Nội: Đại học Quốc gia Hà Nôi.
Trần Đình Sử (2020), Thi pháp học. Hà Nội: Đại học Sư phạm.
Lã Nguyên (2018), Phê bình kí hiệu học. Hà Nội: Phụ nữ.
Ngô Tự Lập (2020), Triết học ngôn ngữ Voloshinov và một số vấn đề học thuật hậu huyền thoại Bakhtin. Hà Nội: Nxb Thế giới.
Nguyễn Văn Thuấn (2018). Giáo trình lí thuyết liên văn bản. Huế: Đại học Huế.
Phan, Trang & Lam, Quang Dong (2021). “Decomposing Definiteness in Vietnamese”. Journal of the Southeast Asian Linguistics Society. JSEALS 14.1: 1-18.
Hoàng Phong Tuấn (2017). Văn học - Người đọc - Định chế. Hà Nội: Khoa học xã hội.
(UED Journal of Social Sciences, Humanities and Education, 11( 2 ), tr. 20 - 26. https://doi.org/10.47393/jshe.v11i2.1005).
1 Ghi chú: Các con số thống kê bài báo ngữ văn được thực hiện dựa trên:
1. Trang web của các trường Đại học, Viện nghiên cứu ngữ văn hoặc có khoa Ngữ văn, cập nhật đến 05/08/2021.
2. Gọi điện trực tiếp tác giả hoặc tham vấn các chuyên gia cùng Trường, Viện.
4. Con số thống kê có thể xê dịch 5%.
5. Bài WoS/Scopus và sách nếu có nhiều tác giả, chỉ tính cho 01 tác giả.
6. Chỉ thống kê công trình của các tác giả dưới 70 tuổi.
7. Không thống kê số chương sách và bài Hội thảo quốc tế, số lượng khoảng 100 bài.
8. Không thống kê các đại học địa phương; ĐHKH-ĐH Huế không được đưa vào bảng vì không có bài quốc tế.
9. Thống kê 01 trường hợp của HVCTQGHCM, tuy Học viện không có khoa Ngữ văn, nhưng có một giảng viên có nhiều công bố ngữ văn quốc tế.