GS.TS. Lê Huy Bắc sinh năm 1968 tại Quảng Trị. Ở Việt Nam, ông là người trẻ nhất ngành khoa học xã hội nhận học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư rồi giáo sư vào những thời điểm được trao, phong. Lĩnh vực nghiên cứu của ông khá rộng, tuy nhiên, nhắc đến ông là người ta nhắc đến một chuyên gia hàng đầu về văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Mĩ và các lí thuyết Hậu hiện đại, Kí hiệu học. Đến nay, ông đã xuất bản hơn 100 đầu sách và giáo trình phục vụ đào tạo đại học, sau đại học và giáo dục phổ thông. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông, xung quanh một vài vấn đề thời sự của văn chương, học thuật và giáo dục.
- Chúc mừng ông vì cuốn sách “Franz Kafka - người tẩy não nhân loại” của ông vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Ông có thể chia sẻ đôi chút về cái tên sách có vẻ… khiêu khích này?
+ Thực thì chẳng có gì là khiêu khích cả, cái nhan đề đó đơn giản là phù hợp ngẫu nhiên với Kafka. Vì đọc ông, bất cứ ai cũng có thể nhận ra rằng thế giới xung quanh ta dẫu có tươi đẹp đến mấy thì cơ bản cũng đầy rẫy sự quái gở. Có nhiều kiểu quái gở. Quái gở nhất là khi cá nhân này có hành vi, suy nghĩ quái gở lại chẳng hề nhận ra sự quái gở của bản thân mà cứ nhơn nhơn lấy đó làm gương sáng cho người khác. Chẳng hạn như một gã rất vô đạo đức lại lớn tiếng răn dạy đạo đức cho nhiều người. Một tay kẻ cướp, nhân danh đạo đức theo kiểu hắn, lại ngoác mồm đi bắt cướp, thậm chí là bắt cả người lương thiện, nếu làm trái ý hắn. Kafka lí giải đó là do nỗi sợ hãi cố hữu dung túng cho cái xấu, do tội ác đã đạt đến sức mạnh hầu như tuyệt đối để đè bẹp bất kì sự phản kháng mang tính nhân văn nào.
Nhận thức được việc các giá trị nhân văn bị lạm dụng thô bạo, Kafka ngầm đề xuất tư tưởng trả lại cho các giá trị nhân văn nội hàm và hành vi đúng nghĩa. Nhưng có lẽ khát vọng đấy cũng gần như vô vọng. Cái giỏi của Kafka là tiên tri được cả sự vô vọng. Kafka tái hiện cả sự hân hoan lẫn tuyệt vọng đó trong truyện của ông, bằng cách đề xuất cái nhìn đời theo cách thông thường. Chẳng hạn như một con khỉ báo cáo trước Viện hàn lâm về sự tiến hóa của nó thì thoạt đọc, người ta cứ ngỡ đó là sự tiến bộ, đáng ngợi ca, nhưng hóa ra, toàn văn của con khỉ đó chỉ hướng đến chuyện vì nó bị người ta buộc phải lựa chọn hoặc là bắt chước người hoặc là chết nên nó đành phải bắt chước để tồn tại.
Lấy cái sự sống chết và vật chất đói - no uy hiếp sinh mạng là cách các thế lực thù nghịch với con người đang tận dụng hữu hiệu. Hóa ra là Kafka ngầm chỉ cho chúng ta thấy rằng sự tồn tại của ta đâu có vinh quang gì, tất cả là trò hề: trò hề của kẻ bị trị, trò hề của kẻ thống trị, trò hề của đức hạnh, trò hề của kẻ cướp, trò hề của tạo hóa… Muốn thoát khỏi trò hề đó, con người cần ý thức được vai hề của chính mình và dũng cảm từ bỏ nó, cho dù phải chịu đau đớn, thậm chí cả thiệt mạng. Nhưng thử hỏi có mấy ai đủ can đảm? Và nếu có đủ can đảm thì mọi thứ ắt hẳn vẫn chỉ như trước, thay một con khỉ lếu láo bằng một con khỉ khác, thì cũng chỉ là khỉ lếu láo cả mà thôi. Đó chính là cội nguồn của tha hóa, của nô lệ và bất hạnh. Cần nhận thức sâu sắc bản chất của vấn đề.
Kafka luôn muốn người đọc không hài lòng với sự hài lòng. Ông muốn con người nhìn mọi thứ dưới cái nhìn bất mãn, bất mãn để có cuộc sống tốt đẹp hơn, còn hài lòng chỉ là con đường ngắn nhất đưa con người vào nẻo diệt vong, hoặc nếu sống thì họ chỉ là nô lệ cho kẻ khác, bị kẻ khác trục lợi ngu muội mà thôi.
- Nói gì thì nói, không thể phủ định được văn tài của Franz Kafka, không thể phủ định được trường ảnh hưởng của Franz Kafka đối với văn chương thế giới khoảng một thế kỉ nay, mặc dù nhà văn này không được trao giải Nobel. Giá trị, sức sống của một nhà văn vĩ đại đứng ngoài mọi phủ định cũng như mọi giải thưởng, phải vậy không, thưa ông?
+ Theo tôi, cả thế kỉ XX lẫn hai thập niên đầu thế kỉ XXI, chẳng nhà văn nào có thể sánh bằng Kafka. Ông là tuyệt đối duy nhất. Việc Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển không trao Nobel văn học cho Kafka chứng tỏ sự thiển cận của Viện này. Nhà văn lớn là người không chỉ kể một câu chuyện hấp dẫn, mà quan trọng hơn là có một tư tưởng trác tuyệt. Không thể đòi hỏi nhà văn là nhà tư tưởng đặc thù nhưng thiếu nó thì nhà văn đó không thể lớn. Xét ở góc độ này, Kafka là một nhà văn - nhà tư tưởng lớn. Ông đã tiên tri cho cả nhân loại về việc cái xấu, cái ác lên ngôi, sự đê hèn và xuẩn ngốc của đám đông, sự giả dối và thờ ơ trước số phận con người trở thành nét tính cách chủ đạo của nhiều giống người. Đi đâu ta cũng dễ gặp Kafka, dù đó là nơi ít ngờ nhất.
- Trước sự kiện một vài nhà văn Việt Nam được trao giải thưởng ngoài nước thời gian gần đây, dư luận trong nước phân hoá thành hai hướng mà theo tôi đều có phần cực đoan: một bên là vồ vập hoan hỉ, một bên là lạnh lùng mỉa mai. Theo ông, văn giới nói riêng và công chúng nói chung nên có thái độ đúng mực, nhân văn như thế nào khi tiếp nhận tin văn nói trên?
+ Việc giải thưởng nước ngoài gần đây trao cho các nhà thơ Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì đáng hoan nghênh thôi. Chứng tỏ những nhà thơ, nhà văn này được chú ý và ghi nhận. Tuy nhiên, liệu tác phẩm của họ có thể sống được hay không thì là chuyện khác. Tôi hoan nghênh và muốn mọi người hoan nghênh giải thưởng nước ngoài, chí ít nó cũng khách quan hơn nhiều so với một số giải thưởng được trao cho một số nhà văn ở trong nước.
- Nhìn vào những công trình, bài viết mà ông đã công bố, dễ nhận thấy ông đứng về phe… văn học thế giới, mà phải là những “ca” khó nhất. Phải khó thì mới kích thích ông hứng khởi giải phẫu à?
+ Vấn đề không phải là “khó” hay “không khó” mà nhà văn đó có lớn hay không, có đáng để giới thiệu đến độc giả trong nước hay không. Nhà văn lớn nào mà chẳng khó đối với độc giả Việt Nam. Một hiện tượng văn học lớn của thế giới, nếu giới thiệu vào Việt Nam thì không có mấy người hưởng ứng, vì đơn giản đa phần là đọc không hiểu. Điều này rất đáng báo động, cần phải có chiến lược và chính sách đầu tư của các cấp thẩm quyền và những người hoạt động văn hóa văn học. Mục đích giới thiệu văn học thế giới của tôi xuất phát từ mong muốn chấn hưng văn hóa đọc và cả sự tiếp nhận những giá trị nhân văn tốt đẹp của nước ngoài đến người đọc Việt Nam.
- Về văn học đương đại Việt Nam, ông đặc biệt “thiên vị” một số tác phẩm cụ thể, của Lê Đạt, Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Việt,… nhờ vào ánh sáng của những lí thuyết văn học hiện đại thế giới. Phê bình, với ông, phải là có lí thuyết, chứ không thể là phê bình… chay, thưa ông?
+ Tôi không theo dõi các nhà văn Việt Nam đương đại lắm, cơ bản vì họ chẳng có gì nhiều để phải bận tâm, trừ một số ít như anh vừa kể. Tôi “thiên vị” đối với một số tác phẩm của các tác giả này là vì những tác phẩm đó đáng thiên vị, các tác giả đó là những tác giả giỏi nhất trong nền văn chương ở thời của họ. Giải thưởng được trao cho họ, dù trong nước hay nước ngoài, thì chẳng có gì đáng bàn.
Tôi thường không phân biệt lí luận (lí thuyết) và phê bình, có lẽ chỉ ở ta mới có cái chuyện kì quặc đó: người phê bình phải dựa vào một định hướng nào đó của quyền lực nào đó. Cái đó được gọi là lí luận. Bất kì ai nghiên cứu cũng đều tuân thủ hai nguyên tắc lí thuyết và phê bình. Phải dựa trên một hoặc nhiều lí thuyết (mà lí thuyết thì thoát thai từ tư tưởng) để phân tích, bình luận (phê bình) một hiện tượng, một tác phẩm nào đó.
- Có vẻ như đang là giai đoạn hòa hoãn, cộng sinh của các lí thuyết văn học, bởi tham vọng bá quyền, độc tôn của lí thuyết nào cũng sớm đi đến bất thành, bất khả. Ông có thể chỉ ra đôi ba giới hạn của một vài lí thuyết văn học, được không?
+ Lí thuyết văn học nào cũng đều có giới hạn vì thế mới có chuyện nhiều lí thuyết cùng ra đời và cùng tồn tại. Điều đó là bình thường. Đấy mới là dân chủ thực sự. Hiện tại, lí thuyết văn học cũng như mọi tồn tại khác, cũng đều không có hiện tượng độc tôn. Đây là thời hậu hiện đại, mà hậu hiện đại thì tất cả mọi tồn tại đều có giá trị ngang nhau, nên không có chuyện trường phái này “ức hiếp” trường phái kia được. Hơn nữa, thời hậu hiện đại, con người thôi cực đoan, không tự cho mình là rốn vũ trụ, mình là đỉnh cao ngời sáng. Họ khá sòng phẳng với khả năng và hạn chế của mình, nên dễ chấp nhận những tiếng nói trái chiều.
Anh hỏi về sự hạn chế của các trường phái lí thuyết, điều đó là hiển nhiên. Chẳng hạn, Kí hiệu học thì chẳng thể nào chạm được đến những vấn đề của Phân tâm học như “vô thức” hay “ẩn ức” và ngược lại. Tương tự, Tự sự học thì chẳng thể nào đi giải quyết được những vấn đề như “cô đơn”, “tha hóa”, “phi lí” hay “bi đát” của Hiện sinh…
- Là một chuyên gia hàng đầu về lí thuyết Hậu hiện đại, gần đây ông chuyển sang nghiên cứu Kí hiệu học và đã cho ra mắt công trình “Kí hiệu học văn học” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành đầu năm 2018, cuốn sách được đánh giá là công trình nghiên cứu Kí hiệu học công phu đầu tiên ở Việt Nam. Ông có thể cho biết lí do sự chuyển hướng nghiên cứu của mình và triển vọng của Kí hiệu học?
+ Sau khoảng 10 năm nghiên cứu và giới thiệu lí thuyết phê bình Hậu hiện đại ở Việt Nam, tôi đã đào tạo được hơn 30 thạc sĩ và 8 tiến sĩ. Tự thấy đã có đủ người nối nghiệp, tôi chuyển sang hướng nghiên cứu khác. Tôi vốn không muốn cứ nghiên cứu mãi một lí thuyết hay một nhà văn, một trường phái nào đó. Thay đổi là lẽ sống còn trong nghiên cứu, cho dù có phải trả giá đắt.
Tôi biết cho dù đang “hót” nhưng bản chất của Hậu hiện đại (sự hỗn độn) sẽ hướng đến hiện đại (trật tự) như là quy luật tất yếu, mà trật tự thì Kí hiệu học là bền vững nhất. Do vậy tôi chọn hướng nghiên cứu này.
Kí hiệu học là hướng nghiên cứu nền tảng của mọi nghiên cứu. Nói cách khác, các trường phái nghiên cứu khác đều sử dụng Kí hiệu học như là cơ sở để diễn giải nghĩa từ lí thuyết của trường phái mình. Tôi đã tập trung nghiên cứu Kí hiệu học khoảng 3 năm nay, đã đi dạy cho nhiều lớp cao học trên cả nước và chuẩn bị cho in thêm nhiều công trình nghiên cứu của bản thân và có sự cộng tác của đồng nghiệp trong thời gian gần.
- Là một chuyên gia hàng đầu về văn học nước ngoài, nhưng mới đây, ông được bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bất lợi và lợi thế của ông khi giữ cương vị mới này là gì?
+ Làm quản lí khá mất thời gian, đấy là bất lợi, nhưng biết cách thì sẽ thu xếp được mọi thứ ổn thỏa, vẫn có lợi. Tôi vốn thích dịch và nghiên cứu. Niềm đam mê đó đã trở thành “nghiệp”. Tôi luôn quan tâm đến khía cạnh văn hóa của văn học, nên việc chuyển sang khoa Việt Nam học sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để tôi nghiên cứu văn hóa, trước hết là văn hóa trong văn học, chẳng hạn kí hiệu học văn hóa, sau đó sẽ chọn một mảng văn hóa nào đó để chuyên sâu. Nhìn chung thì vẫn lợi nhiều hơn.
- Ngày nay, hướng văn hóa có vẻ đang là hướng đi khả dụng của nghiên cứu, phê bình văn học, thưa ông?
+ Nghiên cứu theo hướng văn hóa đang được nhiều người quan tâm. Xét theo nghĩa rộng thì nghiên cứu văn hóa bao hàm trong nó rất nhiều hướng nghiên cứu, kể cả Kí hiệu học, Phân tâm học, Hậu hiện đại, Tự sự học,… Đây là hướng nghiên cứu có thể đào sâu được nhiều vấn đề hữu ích trong tri nhận và ứng dụng. Ở ta, cần nghiên cứu so sánh văn học và văn hóa để cho thấy người Việt Nam đang ở đâu, cần nỗ lực như thế nào để có thể bắt kịp văn chương nhân loại. Đừng bao giờ ảo tưởng phê bình hay lí luận thúc đẩy sáng tác, vĩnh viễn mấy cái thứ đó đều phải chạy theo sáng tác. Nếu có đóng góp thì may ra chỉ là chút ít đề xuất tư tưởng mà thôi. Nhà văn tự họ biết họ sẽ làm gì để trình xuất tác phẩm lớn.
- Cũng là người trực tiếp gắn bó lâu năm với sự nghiệp đào tạo đại học và sau đại học, ông nói gì về vụ việc gian lận điểm thi kì thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La…? Theo ông, để giảm thiểu tiêu cực trong thi cử, tuyển sinh vào đại học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thay đổi hình thức thi, tuyển theo hướng nào?
+ Gian lận thi cử thì không thể chấp nhận được. Cần làm rõ và nghiêm minh. Nhân đây, tôi muốn nói một chút ngoài lề là gian lận thi cử không thể đổ hết lỗi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là lỗi hệ thống, chủ yếu ở bên ngoài giáo dục. Một cá nhân hay vài cá nhân ngành giáo dục không thể làm được. Trong trường hợp này, một số cán bộ giáo dục là nạn nhân của những quyền lực lớn hơn kiểu Kafka. Cần phải loại bỏ cả hệ thống (đường dây đó), đặc biệt là phải truy ra cho bằng được kẻ cầm đầu đích thực. Tôi thấy khả năng tự vệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước dư luận là quá thấp. Ai cũng có thể phê bình nhưng nếu so với các Bộ khác thì Bộ này chưa hề phạm lỗi to hơn đến mức thất thoát hàng ngàn tỉ đồng, đến mức các thứ trưởng, vụ trưởng phải ra trước vành móng ngựa… Tôi thấy những người thuộc Bộ khác phạm lỗi nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, nhưng lại bị chê bai ít hơn. Vụ này thật bất công cho Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn người đứng đầu. Sự quy lỗi này, nhìn kĩ, cũng đặc sệt kiểu Kafka.
Còn nguyên nhân của sự gian lận là do việc thi đó lấy điểm để xét vào đại học. Nếu chỉ để thi tốt nghiệp trung học (tú tài) thì chẳng ai cần gian lận làm gì. Vậy nên việc thi tốt nghiệp nên trả về cho các Sở giáo dục, nếu xét thấy không cần thiết thì chẳng cần thi làm gì vì năm nào tỉ lệ đậu tốt nghiệp cũng trên 98%, chuyện thi cử trở nên hài hước và tốn kém vô ích. Nếu nhất thiết giữ lại kì thi tú tài thì cần làm nghiêm minh để phân hóa số học sinh có khả năng học đại học. Tỉ lệ đỗ tú tài sẽ phụ thuộc vào năng lực học sinh. Nhà nước cần tổ chức ít nhất hai kì thi mỗi năm để những người trượt có thể thi lại ngay. Hoặc là Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kì thi như kiểu thi SAT của Hoa Kì dành cho những ai muốn vào học đại học để phân hóa học sinh. Trong tình hình hỗn loạn thi cử tú tài hiện nay, cần thiết phải tổ chức thi đại học, để cho các trường đại học tổ chức thi tuyển, nếu họ làm không tốt thì không có ai tuyển dụng sinh viên của họ khi ra trường, trường họ sẽ tự đóng cửa.
- Trở lại câu chuyện văn chương. Có nhiều người mà ngoài văn chương chữ nghĩa ra thì dường như họ không muốn/thể làm một công việc, lĩnh vực nào khác. Ông thì lại có vẻ như rất... đa năng. Vậy, đường đến văn chương của ông như thế nào và hấp lực gắn giữ ông với văn chương là gì?
+ Tôi chẳng có tham vọng văn chương gì to tát ngoài việc nghiên cứu để giảng dạy. Cái đích của tôi là truyền đạt càng nhiều tri thức giá trị, mang tính nhân văn cao đến cho người học, người đọc thì càng tốt. Nhưng trước hết việc đọc văn là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân tôi. Tôi luôn ý thức, việc học có thành công hay không luôn phụ thuộc vào tư chất, niềm đam mê và ý chí của người học.
Tôi từng kiếm sống bằng nghề dạy tiếng Anh, làm báo, dịch thuật. Những nghề đó tuy có nhiều thuận lợi nhưng vẫn không khiến tôi mê bằng văn chương.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 1991, tôi muốn ra nghiên cứu ở nước ngoài, nhưng vì nhiều lí do kiểu Kafka nên tôi không đi được, đành phải học trong nước. Tôi tự hào là sản phẩm thuần túy của nền giáo dục Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và kiến thức của tôi có được đa phần là do tự học. Tôi chọn nghiên cứu văn học nước ngoài khi học thạc sĩ chỉ vì lúc đó tôi rất… dốt mảng này. Nhưng nhờ thế mà cơ duyên dẫn tôi đến với hai người thầy tôi mang ơn suốt đời là cô giáo Đặng Anh Đào và thầy giáo Trần Đình Sử. Cô Đặng Anh Đào trực tiếp hướng dẫn tôi làm thạc sĩ và tiến sĩ. Thầy Trần Đình Sử luôn khuyến khích và hướng tôi đi vào những nghiên cứu lí thuyết có tính ứng dụng, thiết thực ở Việt Nam. Tôi muốn nói lời tri ân ngay khi hai thầy cô còn đang sống. Họ là những người thầy mà nếu thiếu họ thì nền học thuật văn chương Việt Nam sẽ mất đi nhiều điều cao quý.
Văn chương cần phải có tư tưởng, xét cả ở sáng tạo và tiếp nhận. Không nắm triết học thì không thể nghiên cứu văn chương lẫn văn hóa sâu được. Nhờ làm văn học nước ngoài mà tôi đã tiếp cận được nhiều hệ tư tưởng, nhiều lí thuyết văn học - văn hóa hữu ích. Vận dụng những lí thuyết đó trong nghiên cứu tôi đã góp phần đưa lí thuyết Hậu hiện đại và Kí hiệu học vào môi trường nghiên cứu Việt Nam.
Ngoài ra, hấp lực văn chương với tôi còn nằm ở học trò và sách vở. Sách vở thì như tôi thường nói, là Kafka, Hemingway, Faulkner, Marquez, Đỗ Phủ, Kawabata, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Đạt,… là Heidegger, Freud, Wittgenstein, Derrida,… Còn học trò thì tôi mang ơn những người tôi hướng dẫn luận văn, luận án (khoảng 100 luận văn cử nhân, 80 luận văn thạc sĩ và 20 luận án tiến sĩ) và những người tôi trực tiếp giảng dạy. Không có học trò sẽ không có tôi hôm nay, họ là những người tôi luôn yêu quý cho dù có thể nhiều trong số họ không còn nhớ đến hay đã lãng quên tôi.
Hoàng Đăng Khoa phỏng vấn GS.TS. Lê Huy Bắc
(Bài in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, số cuối tháng 8/2018)