1. Đáng nói là triết lý và giễu nhại trong sáng tác của ông đa phần được gắn vào khuôn miệng các nhân vật, được thể hiện và diễn giải chủ yếu qua đối thoại và bằng ý thức cá nhân. Nếu Nam Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu… thường gắn triết lý vào miệng những nhân vật uyên bác, tử tế và diễn giải bằng lời trữ tình ngoại đề hoặc độc thoại nội tâm thì Nguyễn Huy Thiệp gắn triết lý vào miệng bất kỳ nhân vật nào rồi lui vào hậu trường nghe các nhân vật của mình đối thoại. Nhân vật của ông từ vua chúa quan lại đến thường dân, từ nhà chính trị đến văn nghệ sĩ, từ công chức đến dân cày, từ nhà giáo đến nhà sư, từ thầy lang đến bác sỹ, từ người hiền lành chân chất đến trộm cướp, từ người già đến trẻ con, từ người miền xuôi đến người miền ngược, từ người thành thị đến người nông thôn… đều có khả năng triết lý. Người già có kiểu triết lý của người già, trẻ con có kiểu triết lý của trẻ con, thầy đồ thầy giáo có kiểu triết lý khác với người ít học hay trộm cướp. Vì thế lời thoại dù ken dày triết lý nhưng không đơn điệu. Nhân vật triết lý nhiều vấn đề khiến cho giao diện lời văn Nguyễn Huy Thiệp luôn có khả năng mở rộng, đụng chạm đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Chẳng hạn: triết lý về đàn ông của bà lão nông dân ngoài tám mươi vừa có chút dớ dẩn của người già vừa như sự đúc rút thô mộc: “Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình”; triết lý về hôn thú của thiếu phụ nông thôn có chồng đi xa biền biệt vừa tủi phận vừa khát khao: “chồng đi xa, lấy chồng cũng như không”; lại có triết lý về cái đẹp, tiết hạnh thâm thúy và chát chúa: “Hoa này lạ lắm, (…). Nó có cái lạ là cứ để yên thì chẳng làm sao, nhưng hễ đụng đến là thơm lựng lên. Người ta đặt tên là hoa cỏ đĩ. Y hệt đàn bà, để yên thì hạnh kiểm phi thường, đụng vào tan nát như chơi, đầu tiên nát tiền, đến nát tâm hồn, rồi tan gia đình, tan cơ nghiệp”; “Vợ người thì đẹp. Vợ mình lại tử tế” (Những bài học nông thôn). Có triết lý của trẻ con về đời người thực tế như những điều trông thấy: “Đời người cần không biết bao nhiêu tiền. Chết cũng cần” (Tướng về hưu). Người lăn lộn với đời triết lý về tình mẫu tử vừa bụi bặm, vừa hoa mỹ lại vừa thực dụng: “…Tất cả những tiếng kêu trong đêm đều là tiếng kêu bệnh hoạn của dục vọng suy đồi. Tình mẫu tử không bao giờ toáng lên như thế. Tình mẫu tử là thứ nước mắt chảy ngược vào lòng, nó bào tan nát ruột gan ra, hoặc nó biến thành máu để bắt cơ thể làm việc, buộc phải đẻ ra một sản phẩm vật chất cụ thể thiết thực, không hề phù phiếm” (Những người thợ xẻ). Kẻ từng trộm cắp triết lý về nghề nghiệp một cách thô lậu: “Trong các thứ nghề thì nghề ăn trộm là nhàn nhã nhất…” (Chảy đi sông ơi). Nhà chân tu triết lý về đúng sai vừa rất đời vừa rất đạo: “Khi mở miệng là đã sai rồi. Còn phật vô ngôn” (Hoa sen nở ngày 29 tháng 4). Người nắm quyền lực tinh thần triết lý về quyền lực như sự phản tỉnh: “Quyền lực đôi khi cũng là con dao hai lưỡi”; “Khi lên ngôi Chúa tức là tiến tới số không” (Suối nhỏ êm dịu)…
2. Đáng nói là những triết lý dù có độ khái quát, cô đúc về một vấn đề cụ thể hay trừu tượng song chưa hẳn là chân lý. Đó là cách để nhân vật phát biểu quan niệm theo tinh thần không che đậy, dù quan niệm ấy đúng hay sai. Nếu coi những triết lý ấy là chân lý thì nó chỉ đúng với mỗi cá nhân cụ thể. Nhân vật rốt ráo triết lý trong đối thoại đồng nghĩa với rốt ráo thể hiện chân lý của riêng mình, khước từ chân lý độc tôn duy nhất. Nó gợi bầu không khí hoài nghi, đòi hỏi soi xét lại hết thảy những giá trị từng được dựng lên bằng duy lý đã và đang tồn tại trong xã hội.
Lời triết lý của nhân vật trong đối thoại không vượt ra khỏi phạm vi cá nhân, được đúc rút từ những gì cá nhân tự cảm thấy nên sự khái quát, kết luận mang tính đúng sai cũng rất mù mờ. Nhiều khi triết lý mang tính hàm hồ, cực đoan, tù mù cả về hình thức lẫn nội dung như: “Giáo dục… nghĩa là tha bổng… Hễ có tội thì tha… Trẻ con không có tội gì… Sống có nghĩa là sai lầm và mắc tội” (Sống dễ lắm); “Cuộc sống là một quá trình suy đồi, là một quá trình hưởng thụ. Có thế thôi!”, “Trật tự phụ quyền được đặt ra là một thứ trật tự tục tĩu, ở đấy đầy rẫy bạo lực, dối trá, chủ yếu không phải phục vụ con người mà là dùng để ngăn chặn thú tính trong bọn đàn ông với nhau” (Con gái thủy thần). Có cả triết lý mang tính giễu nhại, bông lơn: “Lửa thử vàng. Vàng thử đàn bà. Đàn bà thử đàn ông. Đàn ông thử ma quỷ với thánh thần… Hóa ra ma quỷ hết! Thánh thần ít lắm” (Đời thế mà vui). Có cả triết lý ỡm ờ, úp mở, bóng gió: “Thằng đàn ông nào khi quyến rũ đàn bà mà chẳng làm thơ? Chúng làm thơ suốt từ thời người vượn nguyên thủy đến nay, được những bốn nghìn năm rồi” (Mưa). Có những “triết lý rất du côn, có những câu rất tục tĩu, bên cạnh những lời lẽ có vẻ cao siêu uyên bác” [4; 361]. Nó không có khả năng vùi lấp những triết lý hay lời khái quát khác mà chỉ hiện diện với tư cách ngang quyền với ý thức khác theo tinh thần đối thoại. Nó có thể nhận được sự tán đồng của người đọc này nhưng cũng có thể bị lên án bởi người đọc khác. Vì thế, lời triết lý của nhân vật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp luôn có khả năng châm ngòi cho những cuộc tranh luận. Mà tranh luận có thể làm cho con người phản tỉnh.
3. Tìm hiểu bản chất nghệ thuật trong lời triết lý của nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp không thể không nhắc đến lời một nhân vật nữ: “Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người” (Những người thợ xẻ). Chẳng biết tác giả có đồng tình và cùng ý thức thế không nhưng hầu hết các nhân vật ông xây dựng đều song hành hai tư cách: là một mảnh ghép của đời sống xã hội đồng thời là một sinh thể tự nhiên với bản năng sinh tồn thiên bẩm. Phải chăng đó là diệu pháp để con người tự cân bằng và hòa hợp với tạo hóa, thiên nhiên?! Phải chăng đó cũng là cách tốt nhất để con người cá nhân giữ gìn bản chất tự nhiên và giữ được thiện căn để đối đầu với tha hóa?! Nó ngầm khuyến cáo con người nên sống hài hòa vô sự, nhất là hài hòa vô sự với tạo hóa. Điều này cũng lý giải tại sao những nhân vật gây sự với thiên nhiên tạo hóa hoặc xa rời thiên nhiên trong sáng tác của ông lại có nhiều nét xấu hơn là những phần tốt đẹp. Và điều này cũng lý giải tại sao nhà văn thường dị ứng với lối sống hào nhoáng nơi đô thị, trân trọng lối sống bình dị mộc mạc trốn quê mùa hay ở những nơi núi rừng hẻo lánh.
Không chỉ có lời triết lý của Thục trong Những người thợ xẻ chứa đựng lượng hàm ngôn đậm đặc cảnh báo hiện thực mất cân bằng giữa con người với tạo hóa, giữa phần tự nhiên với phần xã hội trong mỗi con người mà triết lý của hầu hết nhân vật của ông dường như đều hàm ngôn về ý thức cân bằng và mất cân bằng ấy. Nguyễn Huy Thiệp đề cao cá nhân nhưng không tung hô chủ nghĩa cá nhân, ca tụng tự nhiên nhưng không đề cao bản năng sinh vật. Sống đúng với bản chất và sống một cách tự nhiên ấy là sống thật. Nó khác với lối sống ngụy trang, giả trá.
Nhiều nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp thường ý thức sâu sắc về sự cân bằng, hài hòa giữa cái được và cái mất trong đời sống. Đó là ý thức sự được - mất của bà lão nông dân: được tiếng chính chuyên tiết hạnh nhưng mất cả thời son trẻ trong tù hãn bổn phận (Những bài học nông thôn). Đó là ý thức về được – mất của hoàng đế Gia Long: có được tột đỉnh vinh quang phải lĩnh lấy không biết bao điếm nhục (Vàng lửa). Đó là ý thức được – mất của một tướng cướp: phải làm cướp mới có thể tồn tại mạnh mẽ trong cuộc sống đầy “Tiếng hổ gầm, tiếng chó sói hú” và “những con rắn, con trăn tìm mồi”; tồn tại mạnh mẽ phải đổi bằng sự rơi rụng con tim (Truyện tình kể trong đêm mưa). Đó là ý thức được - mất của những người có học: cạnh sự hiểu biết về cuộc sống và sự tồn tại cá nhân là sự buông xuôi, bất mãn vì biết mình bất lực trước hiện thực xô bồ… Ý thức về sự được – mất là cái lõi lẽ sống cá nhân ẩn tàng trong từng lời triết lý. Vì vậy dù chẳng nhân vật nào triết lý giống nhân vật nào, chẳng nhân vật nào có thể dùng quyền uy áp đặt suy nghĩ hay quan niệm của mình vào nhân vật khác nhưng mọi lời triết lý vẫn có mẫu số chung: khước từ áp đặt, khuôn mẫu để cá nhân tự cân bằng và hài hòa.
4. Đọc Nguyễn Huy Thiệp ta gặp không ít kẻ bình thường triết lý về những vấn đề vĩ đại; kẻ chỉ biết hôm nay triết lý về những chuyện muôn thuở của loài người; người có chữ nghĩa triết lý như kẻ gàn dở; người đại diện cho tín ngưỡng triết lý như kẻ vô thần; người chẳng mấy học hành lại triết lý như bậc cao nhân… Đó là kết quả của nguyên tắc coi trọng thủ pháp đánh tráo trong tổ chức lời văn, làm cho các nhân vật có khả năng thoát khỏi sự ràng buộc của giai tầng, nghề nghiệp để nói thật những điều mình cảm thấy. Đó cũng là cơ hội để nhà văn phát huy vai trò của lời văn nhại nói chung và tính giễu nhại trong lời đối thoại của nhân vật nói riêng.
Nguyễn Huy Thiệp quan niệm: “Cuộc sống là những bi hài kịch lẫn lộn. Cười được nghĩa là bay trên các bi kịch, trên các thành kiến và nguyên tắc… Cũng giống như một kiếm thủ, chỉ khi nào làm chủ được cây kếm trong tay, anh ta mới biến hóa, mới “đánh như đùa” được” [6; 91]. Những phạm trù mĩ học Bi, Hài ngầm chảy thành những mạch ý nghĩa sâu kín thông qua việc nhà văn xử lý, tổ chức lời thoại của nhân vật. Cái Hùng là chỗ dựa của lời ngợi ca, cái Bi là lý do của lời thương xót, còn cái Hài vừa là đối tượng, vừa là cơ sở sinh ra lời châm biếm, giễu nhại.
Về bản chất, lời văn nhại là “lời nói bằng giọng người khác có đưa vào đó một khuynh hướng nghĩa đối lập hẳn với khuynh hướng của lời người đó” [5; 228]. Lời văn nhại bao giờ cũng bắt chước từ ngữ, giọng điệu của người khác với dụng ý châm biếm, chế giễu. Giễu nhại được trộn lẫn trong triết lý tạo thành hiện tượng thú vị của lời văn. Nó có thể làm cho chức năng giễu nhại không còn khuôn trong phạm vi châm biếm và chế giễu đối tượng mà còn xóa nhòa nhiều khoảng cách do tôn ti, địa vị, nghề nghiệp, trình độ học thức… của cá nhân quy định. Nó có thể xóa nhòa quan hệ về thời gian giữa xưa với nay, quan hệ giữa giá trị bất biến và khả biến, vật chất và tinh thần và thậm chí xóa nhòa ranh giới giữa điều biết và không biết, cảm tính và lý tính. Nó phù hợp với việc dựng lên những mô hình cuộc sống hỗn tạp mà ở đó các giá trị cũ bị đảo lộn, mọi quan hệ gia đình xã hội bị lung lay trước sức tác động của những giá trị mới chưa có độ lùi thời gian để thẩm định.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra mô hình nghệ thuật mang tính chất nhại trong “đại văn bản” của Nguyễn Huy Thiệp như nhại lịch sử, nhại cổ tích và huyền thoại, nhại truyện danh nhân hay thân thế sự nghiệp nghệ sỹ, nhại gia phả, nhại nghị luận văn học, thư tín, thơ ca… Tất cả “đều có thể trở thành hình tượng giễu nhại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp” [3; 68]. Những mô hình giễu nhại này là hệ quả của ý thức coi trọng thủ pháp đánh tráo phong cách trong tổ chức lời văn: phong cách cao dùng để thể hiện đối tượng thấp, phong cách thấp được dùng để thể hiện đối tượng cao. Tráo đổi, làm lệch pha phong cách ngôn ngữ, lời văn để thể hiện đối tượng là ý đồ nghệ thuật tạo nên những phản cảm nhằm kích thích đối thoại.
Trong tác phẩm tự sự, lời thoại của nhân vật có thể được xử lý bằng hai cách: mô phỏng có tính chất tưởng tượng và mô phỏng thực sự. Mô phỏng có tính chất tưởng tượng thường làm cho văn bản ít lời thoại và tạo nên thiên hướng trần thuật thuần nhất. Khi ấy, giễu nhại nếu có thì đa phần thuộc về lời trần thuật. Mô phỏng thực sự là kỹ thuật thúc đẩy việc lặp lại các lời nói, xóa dấu vết của việc thuật lại, nhường chỗ cho nhân vật một cách chóng vánh, có tác dụng khách quan hóa, cá nhân hóa phong cách nhân vật. Khi ấy, nếu có lời nhại thì đa phần thuộc về lời thoại của nhân vật. Sáng tác của Nguyễn Huy thiệp chủ yếu dùng kỹ thuật mô phỏng thực sự, đẩy lời nhại về phía các nhân vật.
Giễu nhại từng là giọng điệu cơ bản trong sáng tác của nhà văn hiện thực tiền bối Vũ Trọng Phụng. Dùng giễu nhại, nhà văn họ Vũ ném phả những chuỗi cười vào bộ mặt xã hội “chó đểu”, lột mặt nạ xã hội rởm đời theo tinh thần phanh khui cái xấu. Ông nhại văn học lãng mạn phiêu du xa rời hiện thực, nhại hội họa nấp dưới vỏ bọc trừu tượng mà chẳng vẽ được đường nét nào về đời sống, nhại đường lối ngoại giao bằng thể thao quần vợt, nhại phong trào Âu hóa làm băng hoại những thuần phong mỹ tục. Nhân vật của ông thường giảo hoạt, trá hình, “đắp mặt nạ” bằng việc dùng lời không phù hợp nên ông phải sử dụng giọng điệu giễu nhại trong trần thuật để lột mặt nạ, phơi bày bản chất của chúng.
Lời thoại giễu nhại trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp không nhằm mục đích tạo ra những chuỗi cười hả hê để hủy diệt đối tượng như Vũ Trọng Phụng. Được xử lý chủ yếu theo nguyên tắc coi trọng thủ pháp đánh tráo, lời giễu nhại của nhân vật của ông thường mang hai khuynh hướng ý nghĩa: châm biếm đối tượng giễu nhại và tự châm biếm giễu nhại. Ông giáo trong truyện Sang sông kinh ngạc, bàng hoàng trước hành động của tên cướp đập vỡ chiếc bình để cứu bàn tay em bé mà thốt nên lời thán phục: “Trời! Anh ấy dám đập vỡ bình! Thật đúng là một anh hùng! Một nhà cách mạng! Một nhà cải cách”. Lời nhại vừa lật lọng quyền lực cuộc sống, giễu nhại một số danh hiệu phù phiếm được đeo vào những đối tượng chẳng chính danh, một mặt tự giễu sự hồ đồ, tâng bốc của kiểu người chỉ quen tung hô, lý thuyết. Ý nghĩa thứ hai hé mở khi chị lái đò “giấu nụ cười thầm. Chị biết, vô phúc cho ai một mình gặp hắn trong đêm”.
Truyện ngắn Sang sông là cõi nhân gian thu vào một chuyến đò. Ở đó có đủ các kiểu người, lứa tuổi, bản chất, lĩnh vực: tốt và xấu; thanh cao và bẩn thỉu; trộm cướp và buôn lậu; đoan trinh và đĩ điếm; tôn giáo và lịch sử; giáo dục, khoa học, thơ ca, đời thường… Mỗi nhân vật là sự hiện hữu của cái tầm thường và cao cả, trong sạch và bẩn thỉu. Tên cướp có thể nhả lời giễu nhại về tuổi trẻ, tương lai, nhân đức vì trong bản chất cướp còn có sự hào hiệp giang hồ: “Trẻ con là tương lai đấy! Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu”. Gã thanh niên vừa thổ lộ tình yêu bằng hành vi bẩn thỉu vẫn giễu nhại sự bẩn thỉu vì gã còn có tinh thần nghĩa hiệp ẩn tàng trong bẩn thỉu: “Đàn bà… quỷ sứ… Tất cả đều chẳng ra gì… Bẩn thỉu…”. Ở truyện Những bài học nông thôn, cái “tay thanh niên bên Duệ Đông” vừa dở trò đồi bại lại có thể trâng tráo đối đáp giễu nhại những “chủ nhiệm hợp tác” hay “tín nhiệm” của nhân dân. Lời nhại của tay này trở thành “gậy ông đập lưng ông”, tự tố cáo bản chất trâng tráo, thô bỉ, không còn chút liêm sỉ.
Những người thợ xẻ là tác phẩm có mật độ lời triết lý giễu nhại dày đặc. Bường là nhân vật hay triết lý và giễu nhại nhất trong truyện ngắn này và cũng là nhân vật hay triết lý giễu nhại nhất trong số nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp. Nhiều lời triết lý, giễu nhại của Bường không chỉ đập vào đối tượng mà còn tự đập chính mình. Thực ra trong những triết lý, nhận định của nhân vật này có một phần chân lý; tác giả chỉ khéo léo mượn lời nhân vật mà thôi. Để cho nhân vật giễu nhại những gì không am hiểu cũng là cách để nhân vật tự bộc lộ mình. Bường là một tính cách nhưng một mặt nào đó cũng là mô hình được đúc từ nguyên lý “thùng rỗng kêu to”. Đáng nói là lời của nhân vật này không phải là hình thức ngụy trang che đậy sự ngu dốt đốn mạt như lời Xuân Tóc Đỏ và một số nhân vật khác của Vũ Trọng Phụng. Đa phần, nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp không có nhu cầu dùng kiểu lời không phù hợp. Bởi kiểu lời này đi ngược lại với sự bức nén của cá nhân đòi hỏi phải được thể hiện mình, được nói ra mình chính là mình. Lời giễu nhại của nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp vì thế thường gắn liền với hiện tại, có chức năng phản tỉnh, là nhân tố góp phần gia tăng tính đa diện của nhân vật, tính đa thanh đa nghĩa của lời văn. Nó là một thách thức lớn đối với việc giải mã những tầng vỉa ý nghĩa ngầm đối với những ai muốn am hiểu tận tường.
Hầu hết các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp trong đối thoại ý thức được lời nói nhại của mình, nhưng cũng có nhân vật không ý thức được mình nói nhại. Nhân vật nói nhại ý thức được lời nhại tạo ra lời văn nhại đồng hướng. Nhân vật nói nhại không ý thức được lời nhại tạo ra lời văn nhại lệch kênh kích thích đồng thời nhiều mỹ cảm đối với người đọc. Lời nhại vô thức nhưng có thể truyền đến người đọc những vấn đề sâu sắc và lớn lao. Đây cũng là biểu hiện của ngòi bút tài tình trong việc khai thác tối đa hiệu quả lồng ghép nội dung nghĩa mới vào những hình thức lời có sẵn. Lời của những đứa trẻ trong Tâm hồn mẹ “ra vẻ có phong cách riêng là dạng cực đoan nhất của lối nhại lại” (G.Gennest): “Trong bụng người ta toàn cứt”, “khóc đi cho vơi nỗi buồn”, “Ở đời người ta đánh mất nhiều thứ lắm. Người mất của cải, người mất tâm hồn…”, “Tâm hồn nó giống như dây đàn ấy”. Lời của trẻ không nhằm mục đích giễu nhại nhưng lại làm cho người đọc phải trăn trở, suy ngẫm về thế sự, thói đời. Nó chính thức chuyển tải thông điệp giễu nhại của nhà văn đối với kiểu giáo dục trẻ bằng “không khí vô trùng” hoặc ngược lại bằng không khí uế tạp. Nó còn ngầm chứa một nội dung cảnh báo: hãy cảnh giác với chính những phát ngôn trước mặt trẻ nhỏ vốn thơ ngây. Lời nhại lệch kênh của trẻ nhỏ trong Tướng về hưu cũng được xử lý tương tự và có giá trị không kém phần sâu sắc như thế.
Triết lý và giễu nhại trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp là sản phẩm của tư duy nghệ thuật hướng tới xóa bỏ khoảng cách sử thi trong trần thuật văn chương, làm cho tất cả trở nên bình thường, hạ bệ độc tôn, “giải thiêng” tất cả, làm cho văn chương vượt khỏi phạm vi bầu khí quyển đơn âm, đơn nghĩa. Vì lẽ đó mà không ít người cho rằng Nguyễn Huy Thiệp hay ám chỉ. Nhận xét ấy vô tình đã thừa nhận tính đa nghĩa của lời văn tác giả, trong đó lời nhân vật là biểu hiện sinh động và tập trung nhất của tính triết lý và giễu nhại. Nhiều lời phát biểu của nhân vật của ông có sức khái quát cao, có khả năng tách khỏi văn cảnh để trở thành khuôn hình lời nhại gắn với khuôn miệng bất cứ ai trong đời sống.
Tài liệu tham khảo:
1. M. Bakhtin (1998), Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiepxki, NXB Giáo dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Long – Lã Nhâm Thìn (2006), Văn học Việt Nam sau 1975 – những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
5. Trần Đình Sử (2005), Tuyển tập, tập II, NXB Gáo dục, Hà Nội.
6. Nguyễn Huy Thiệp (1998), Giăng lưới bắt chim, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
7. Nguyễn Huy Thiệp (2003), Tuyển tập kịch, NXB Trẻ, Hà Nội.
8. Nguyễn Huy Thiệp (2004), Tuyển tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
Nguyễn Văn Đông - Đại học Hồng Đức