TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Mở đầu
Bức tranh văn học Việt Nam trong tính chỉnh thể, toàn vẹn, thống nhất mà đa dạng và phong phú được ghép thành từ nhiều mảng màu khác nhau, trong đó không thể không nói đến bộ phận văn học của người Việt ở nước ngoài. Hình thành trong diễn trình lịch sử dân tộc do rất nhiều những nguyên nhân khác nhau, văn học Việt hải ngoại là một tồn tại khách quan, tất yếu, có đóng góp vào lịch sử văn học Việt Nam.
Từ sau sự kiện lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, Bắc Mĩ và Tây Âu là hai khu vực hình thành cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn nhất. Nhìn theo thế hệ sáng tác, sẽ thấy có ba thế hệ gắn với những đợt di cư lớn của người Việt ra nước ngoài. Đợt ra đi thứ nhất gọi là “đợt di tản”. Đợt thứ hai sau năm 1975 gọi là “đợt thuyền nhân”. Đợt di cư thứ ba gọi là “Ra đi có trật tự” (hay tự nguyện). Kể từ 1990 đến nay, các chương trình đoàn tụ, đón tù cải tạo, con lai, tái định cư, tị nạn chính trị đã đưa vào Mỹ và nhiều nước Tây phương các đợt di dân mới. Ngoài thành phần di cư theo diện ODP (Orderly Departure Program- Chương trình ra đi có trật tự), sau khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đổi thành HR (Humanitarian Resetlement Program- Chương trình Tái định cư Nhân đạo) thì số lượng Việt kiều tính từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX đến nay ngày càng gia tăng với rất nhiều nguyên nhân: đi xuất khẩu lao động, du học, kết hôn với người nước ngoài, thực hiện nhiệm vụ ngoại giao,… Theo kết quả thống kê, số kiều dân Việt trên 108 quốc gia, vùng lãnh thổ trong năm 2004 - 2005 là 3.078.143, trong đó tổng số kiều dân Việt Nam tại Bắc Mỹ (gồm Hoa Kỳ và Ca-na-đa) đã chiếm ngót 1/2 tổng số kiều dân Việt Nam trên toàn thế giới; số kiều dân Việt Nam còn lại hiện nay hơn 436 ngàn người trên toàn vùng Tây Âu (Trần Trọng Đăng Đàn 2006). Tính đến nay, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài đã hơn 4 triệu, sinh sống trên hơn 100 quốc gia thuộc 5 châu lục.
Nhìn vào thành phần người Việt theo các đợt di cư nói trên, có thể nhận thấy sự chuyển dịch theo hướng: từ chỗ di cư tăng đột biến do những khủng hoảng chính trị - xã hội, hậu quả của chiến tranh, của nghèo đói, của những bất ổn tâm lý,… đến chỗ di cư “tự nguyện” do nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa trong nước và nhu cầu xây dựng, củng cố, phát triển quan hệ hữu hảo, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Con người dần thoát ra khỏi “cái bóng của lịch sử”, sự đè nặng của những mặc cảm, định kiến trong quá khứ để hướng tới sự phát triển của cá nhân cũng như xu hướng giao lưu, hợp tác quốc tế toàn cầu.
Trong giới hạn bài viết, chúng tôi sẽ đi sâu tìm hiểu tinh thần hội nhập ở các thế hệ di dân Việt ở Bắc Mĩ và Tây Âu qua sáng tác văn xuôi tiếng Việt, biểu hiện ở hai phương diện: hội nhập với nơi trú xứ và hội nhập với trong nước.
1. Hội nhập với nơi trú xứ
Dù định cư hay tạm cư ở đất mới, di dân Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, để có thể tồn tại và phát triển, phải nỗ lực tìm cách thích nghi và hòa nhập vào môi trường mới. Quá trình này diễn ra không giống nhau và thường dẫn đến hai khuynh hướng: hội nhập không thành công và hội nhập thành công.
Với các nhà văn lưu vong thuộc thế hệ thứ nhất, cuộc ra đi như một sự trốn chạy khỏi đất nước tạo nên nhiều cú sốc lớn trong tâm lý, tinh thần họ. Dường như khi đặt chân lên những hòn đảo để chờ chuyển tiếp đến đất nước được tị nạn chính trị, họ vẫn chưa hết bàng hoàng. Vội vã bỏ lại sau lưng quê hương, gia đình, sau đó là những vật lộn chống lại tai họa khủng khiếp từ thiên nhiên và hải tặc, những người ra đi tưởng như bị rút hết sức lực, nhiệt huyết. Họ “nhúng mình” vào bầu khí quyển xứ sở Âu - Mĩ hoàn toàn xa lạ khi trong lòng hoang vắng, rệu rã. Quá khứ đè nặng lên tâm tư họ. Cảm giác xa xứ, lạc loài quá lớn. Vậy nên, cô gái Việt tên M. trong truyện ngắn Bão cát của Mai Ninh, vì e ngại, tự ti, đã khép chặt cõi lòng, không dám đón nhận tình cảm chân thành của chàng trai ngoại quốc tên N. Để rồi đến kết truyện, nghe tin N. đột ngột mất vì tai nạn ô tô, cô đau xót, nuối tiếc nhận ra rằng, “từ lâu, tôi loanh quanh co rút trong ngôi nhà nguyện với bao lần cửa khép, tôi không biết cho đi. Còn điều nhận lại? Bây giờ, hẳn anh hiểu hơn ai, chính nó đã tước đoạt của tôi, từ trong trứng nước, tất cả ước mơ và hạnh phúc” (Mai Ninh 2003, 38). Còn Quyên, người phụ nữ trong truyện ngắn Nẻo quyên ca của Vũ Quỳnh Hương, thì chấp nhận cuộc sống mòn mỏi, khắc khoải chờ tin từ người chồng ở quê nhà. Đau đớn, tuyệt vọng khi nghe tin chồng đã chết, rồi lại bùng lên ngọn lửa hy vọng lúc biết tin anh còn sống, người phụ nữ ấy đã âm thầm hết hy vọng lại lo âu. Và rồi cuối cùng, cô nhận ra sự chờ đợi mỏi mòn, niềm hy vọng đoàn tụ với chồng đều là vô vọng, huyễn tưởng. Tuổi xuân trôi qua nhanh mà cánh cửa lòng cô vẫn khép chặt. Cô sợ sự chắp vá giữa người đàn bà lỡ thì với một người đàn ông nào đó lỡ vận. Cô từ chối cơ hội bắt đầu cuộc đời mới với một người đàn ông Mỹ gốc Đức luôn đồng cảm, thấu hiểu hoàn cảnh và nỗi niềm của cô. Đáng sợ hơn vì Quyên biết rằng cô “không còn đủ năng lực để yêu ai nữa” (Nhiều tác giả (nữ) 2006, 135). Truyện như dòng nội tâm đầy trắc ẩn của một người phụ nữ bất hạnh, sống cô đơn suốt đời trong hoài niệm về tình yêu duy nhất và mặc cảm quá khứ. Chiến tranh trở thành một định mệnh phi lý đè nặng lên số phận người phụ nữ.
Những nhà văn thế hệ 1.5 hay thế hệ thứ hai rời nước ra đi khi còn trẻ hoặc rất nhỏ nên sợi dây gắn kết họ với quê hương đã nới lỏng. Khả năng thích nghi và hội nhập vào vùng đất mới của họ cao hơn so với thế hệ thứ nhất. Tuy nhiên, ở thế hệ này lại hình thành trạng thái chênh vênh, một sự “lỡ cỡ” nửa vời khác. Trong bài tản văn Tôi là ai?, nhà văn Trần Mộng Tú kể rằng: “tôi ở Mỹ trên, dưới ba mươi năm, tôi là một người Mỹ” (Trần Mộng Tú 2006, 139). Nhưng từ ngoại hình bên ngoài, đến cách phát âm tiếng Anh, đến những đồ dùng, cảnh trí trong nhà lại rất thuần Việt. Nhân vật “tôi” rơi vào một mâu thuẫn: ở Mỹ thì thấy mình lạc lõng, thấy cái gì cũng gợi nhắc đến quê hương, nhưng khi về Việt Nam lại thấy “lòng hoang mang quá đỗi” vì quê hương đã đổi khác, không giống như ngày xưa, còn mình là “người lạ” trên quê hương, cảm giác “chông chênh, lơ lửng”, thấy “ở Mỹ hay về Việt Nam mình đều lạc chỗ cả” (Trần Mộng Tú 2006, 143), và “thấy mình ngay ở đời sống này cũng đã là một vạt nắng phất phơ bay. Quê nhà, quê người, quê Mỹ, quê Việt. Chao ôi! Cái thân cỏ bồng” (Trần Mộng Tú 2006, 143). Nhân vật An Mi - người kể chuyện xưng “tôi” trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng kể: “Tôi nhớ lại tôi là khách lạ ở đây. Tôi nhớ lại tôi là khách lạ ở bất cứ nơi đâu. Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ” (Đoàn Minh Phượng 2006, 117). Hoàng Mai Đạt trong tùy bút Giữa hai miền mưa nắng tâm sự: “Quê hương tôi không ở bên kia, cũng không phải ở đây, mà ở đâu đó giữa hai nơi” (Hoàng Mai Đạt 2000, 24); “Tôi không có nơi để trở về. Tôi không có nhiều gốc rễ ở bên kia, tôi cũng không có gì ở bên đây. Những người bị rời xa quê hương quá sớm đều không có nơi để trở về. Họ là những người không có gì cả. Một thế hệ số không, thế hệ zero, thế hệ 0. Chúng tôi chỉ là những đám mây, bốc lên từ một vùng biển nhiệt đới nào đó, bay, bay mãi cho đến khi tan biến dần dần trên miền rừng núi xa lạ và hoàn toàn biến mất trên một vùng sa mạc gió cát. Nước trở về nguồn. Nước đó không phải là chúng tôi, mà có lẽ là những đứa con của chúng tôi” (Hoàng Mai Đạt 2000, 25-26).
Thế hệ các nhà văn này đã sáng tạo ra dòng “văn chương vô xứ” (Literature of Displacement), nói theo ngôn ngữ của Linda Lê. Đó là dòng văn chương không nhập vào dòng văn chương sở tại, cũng không thuộc về dòng văn chương trong nước. Theo Đào Trung Đạo, “tâm thái vô xứ là tình cảm và trí tuệ của một người vô sở cứ, tự sáng tạo cho mình một ngôn ngữ, một tiếng nói, một diễn ngôn của kẻ vô sở cứ. Tiếng nói đó, diễn ngôn đó xác định mình không có một nơi chốn, không đặt mình vào một truyền thống nào, băng ngang những biên giới để lắng nghe tiếng thầm thì của cái bất khả hữu (l’impossible), đẩy sự bất khả đó cận kề với cái khả hữu (le possible)” (Đào Trung Đạo 2005).
Bên cạnh trạng thái tâm lý chông chênh, lơ lửng giữa Trú xứ và Quê nhà, cảm hứng lạc loài trên đất khách còn gắn liền với ám ảnh về những biến cố kinh hoàng trong quá khứ. Không lấy chiến tranh, hồi ức quá khứ làm tâm điểm như trong một số hồi kí, kí sau 1975 nhưng quá khứ vẫn âm thầm trở về trong tâm thức họ, ở những khoảnh khắc bi kịch của cuộc đời. Hầu như tất cả những nhân vật di dân Việt đến với vùng đất mới, dù đã tìm mọi cách thích nghi với nó, nhưng trong chiều sâu tâm hồn họ, kí ức về gia đình, bản quán, nguyên nhân đẩy họ rời bỏ quê hương vẫn là một vùng tối “bất khả xâm phạm”, không thể giải tỏa, lãng quên. Kí ức về cuộc chiến tranh và thảm cảnh “thuyền nhân” dù đã được đào sâu chôn chặt nhưng dường như, nó vẫn âm ỉ, nhức nhối không nguôi. Nó để lại di chứng trên những khuôn mặt bị biến dạng, méo mó (Pháo thuyền trên dòng Yang-Tsé - Trần Vũ, Xứ nắng - Lê Thị Thấm Vân,…), trên những đôi chân què, cụt (Thật là giản đơn, Làng ven sông - Nguyễn Văn Thọ, Chỗ tiếp giáp với cánh đồng - Khánh Trường, Chiều trước Giáng sinh - Võ Đình,…), hay những vết sẹo (Vết sẹo, Lá bùa - Nguyễn Văn Thọ,…). Trong lớp sóng của những cơn mơ triền miên, chập chờn, quá khứ đau thương lúc lúc lại trồi lên, sáng rõ như bất chợt được ai đó rọi một luồng ánh sáng cực mạnh vào những mảnh vỡ tan tác, âm u, xa mờ của kí ức (Thuyền - Bùi Bích Hà, Nẻo quyên ca - Vũ Quỳnh Hương, Thiếu nữ chờ trăng lên - Lê Thị Huệ, Hợp lưu - Hồ Trường An, Có yêu em không?, Chỗ tiếp giáp với cánh đồng, Biến cố trong rừng tràm, Bí mật của rừng già, Vết roi đầu tiên - Khánh Trường, Giấc mơ Thổ, Cánh đồng mùa gặt khô - Trần Vũ, Rừng đen - Trịnh Y Thư, Chôm chôm yêu dấu - Trần Diệu Hằng, Và khi tro bụi - Đoàn Minh Phượng, Âm vọng - Lê Thị Thấm Vân,…). Thậm chí, những chấn thương tinh thần trong và sau chiến tranh đã phát triển thành một thứ bệnh tâm lý trầm trọng ở nhân vật (Hành lang tâm thần - Trần Vũ, Biến cố trong rừng tràm - Khánh Trường, Người mất trí - Nguyễn Đông Ngạc,…).
Ra đi, lưu lạc đồng nghĩa với sự chuyển dịch không gian sống, bao gồm cả không gian địa lý - tự nhiên lẫn không gian chính trị - xã hội - văn hóa. Từ xã hội phương Đông được xây dựng trên rường mối quan hệ gia đình và xã hội bền chặt, với những nề nếp đạo đức, luân lý truyền thống chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, những người lưu vong, sau này là di dân Việt, bước vào xã hội Âu - Mĩ vốn được kiến tạo cơ bản khác nên khó tránh khỏi bị hẫng. Một trong những đề tài phổ biến trong văn xuôi tiếng Việt ở Bắc Mĩ và Tây Âu sau 1975 là sự đổ vỡ những mối quan hệ trong gia đình truyền thống do sự lên ngôi của lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa; khoảng cách quá xa giữa ông bà, bố mẹ (thế hệ 1, 1.5) và con cái (thế hệ 2, 2.5); sự “đóng băng” quan hệ vợ chồng do một bên tha hóa nhân cách hoặc do vòng quay đều đặn, nhịp nhàng đến buồn tẻ, lạnh lùng của nhịp sống công nghiệp; sự cô đơn, chấn thương tinh thần của những đứa con sau khi cha mẹ ly hôn;… Bên cạnh đó, cảm giác tự ti và mặc cảm về thân phận nhược tiểu xuất hiện đây đó trong Chinatown, Paris 11 tháng 8 (Thuận), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), Ảo đăng, Cá voi trầm sát (Mai Ninh), Đường đến cõi Samadhi của McAmmond Nguyen Thi Tu,... Mỗi tác phẩm lại gợi ra, chồng chất những vấn đề nhức nhối với người nhập cư ở phương Tây như sự xung đột văn hóa, tôn giáo, lối sống, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, hay tình trạng những đứa con bị “mất gốc”, lãng quên, thậm chí căm ghét quê hương, cội nguồn, cha mẹ… do ảnh hưởng tiêu cực của lối sống phương Tây. Sự bất lực, vỡ mộng và cái chết của các nhân vật ở phần kết truyện như tiếng chuông lạnh lùng tê buốt tạo nên âm hưởng thê thiết và những ám gợi sâu xa về thân phận di dân ở xứ người.
Màu sắc di dân ở khu vực Bắc Mĩ và Tây Âu cũng được biểu hiện khá đặc trưng qua văn học. Dù lấy việc thể hiện những băn khoăn về thân phận con người làm mẫu số chung, nhưng ở văn xuôi tiếng Việt khu vực Bắc Mĩ, do sự chi phối của tâm thức chính trị nên các tác phẩm nói nhiều hơn về phận người di tản. Trong khi đó, từ tâm thức văn hóa, văn xuôi tiếng Việt ở Tây Âu lại đề cập nhiều hơn đến thân phận tha hương, mặc cảm nhược tiểu, những băn khoăn về cộng sinh văn hóa cùng những nỗ lực đổi mới về nghệ thuật để tiếp cận và đạt đến trình độ nghệ thuật của văn học thế giới. Sự khu biệt về thành phần di cư và sáng tác đặt trong bối cảnh địa chính trị - văn hóa - xã hội khác nhau đã tạo nên những tiếng nói văn học riêng ở những khu vực tập trung văn học tiếng Việt ở nước ngoài.
Bên cạnh xu hướng hội nhập không thành công vào đất mới, văn xuôi tiếng Việt sau 1975 ở Bắc Mĩ và Tây Âu còn phản ánh xu hướng ngược lại, đó là những hội nhập thành công vào nơi trú xứ.
Những hội nhập thành công này, trước hết, được hình tượng hóa bằng tình yêu và hôn nhân giữa người Việt và người ngoại quốc. Hai con người thuộc hai dân tộc từng là kẻ thù của nhau trong lịch sử, khác biệt về lối sống, về văn hóa nhưng đã tìm được hạnh phúc bằng sự rung động của trái tim, sự đồng cảm và tâm hồn bao dung, độ lượng. Đó là mối giao cảm, đồng điệu tuyệt vời giữa chàng trai người Mĩ Eric, người lính từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, và cô gái Việt nhỏ bé tên Vi trong Cầu vồng bảy sắc của Trần Mộng Tú; mặc dù cả hai đều bị khiếm thị nhưng tình yêu chân thành đã khiến họ trở nên tinh tế “nhìn” thấy cả cầu vồng bảy sắc trong mắt nhau. Đó còn là sự hòa điệu giữa Jean Paul - người Pháp, với Liên, người phụ nữ Việt đã trải qua bao biến cố đau thương trong quá khứ ở tiểu thuyết Hợp lưu của Hồ Trường An. Bằng thái độ nâng niu, trân trọng và một tình yêu thương chân thành, Jean Paul đã xoa dịu trái tim đầy thương tích của Liên, kéo cô ra khỏi những cơn ác mộng hàng đêm do kí ức chiến tranh, thảm cảnh “thuyền nhân” để lại,… Anh cũng mang lại cho cô cảm giác bình yên, ấm áp khi sống trong một ngôi nhà được trang hoàng theo khung cảnh đồng quê ở vùng Champagne, tỉnh Troyes, tất cả đều gần gũi, gợi cho Liên nhớ đến khung cảnh tỉnh lỵ miền Hậu Giang- quê hương cô, đến ngôi nhà thân thuộc xưa. Từ thói quen ăn uống, nấu nướng, đến “gu” âm nhạc, văn học, sách báo, đến thái độ hiếu khách,…, người đàn ông Pháp đã cố gắng tìm được sự hòa hợp với người phụ nữ Việt. Cùng chung mô-típ “hợp lưu” đó là mối dây gắn bó sâu bền giữa bà Lan và chồng trên đất Mỹ trong truyện ngắn Xứ sấm sét của Võ Đình, hay những mối tình lãng mạn của các cô gái Việt với những chàng trai hào hoa, tinh tế người nước ngoài trong tiểu thuyết của Dương Thụy,… Có thể nói, tình yêu và thiên lương đã chuyển từ tâm thức bất hòa thành hòa giải, giúp con người vượt qua mặc cảm quá khứ và kéo con người ở những môi trường sống, những nền văn hóa khác nhau lại gần nhau hơn.
Ngoài ra, cảm hứng về hội nhập thành công vào nơi trú xứ còn biểu hiện ở tình cảm chân thành, hồn hậu của những người bản xứ đối với di dân Việt, hoặc sự đồng cảm, giúp đỡ giữa di dân các nước với nhau. Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa một cựu binh Việt Nam và một cựu binh Mĩ trên nước Đức, ở một phiên chợ Nô-en, làm “vỡ” ra trong độc giả bao cảm xúc, suy niệm (Vết sẹo - Nguyễn Văn Thọ). Trong quá khứ, họ từng là kẻ thù của nhau, và giờ đây, họ lại cùng chung cảnh tha hương, kiếm sống nơi đất khách. Mối duyên hay một sự giao cảm nào đã kéo họ ngồi lại với nhau, uống bia và trò chuyện cởi mở như những người bạn cũ? “Có lần, bên bàn rượu, trong câu chuyện về chiến tranh, John kéo áo, vạch lưng cho tôi nhìn kỹ một vết sẹo hoắm sâu chạy suốt từ cổ tới tận thắt lưng anh. Tôi rùng mình. Tôi cũng chìa cổ tay trái của tôi, nơi một vết sẹo đã chuyển thẫm mầu bảo, John, chính mày bắn tao ở Tây Nguyên. Và chúng tôi bỗng ôm choàng lấy nhau. Chúng tôi vừa cười vừa không che giấu những dòng lệ chợt thoát òa ra, mặc kệ người đi chợ qua lại, mặc kệ những đợt tuyết đang trùng trùng rơi xuống” (Nguyễn Văn Thọ 2004, 205). Một hình ảnh thật cảm động, ấm lòng! Nếu như trong truyện ngắn Một người Đức, Nguyễn Văn Thọ kể cho chúng ta nghe về nhân vật Hans- người bạn già tốt bụng người Đức của hai vợ chồng “tôi”, người đã sống chết giữ đất, giữ vườn của dòng họ, gia đình, thì đến truyện Vườn Maria, ta lại thêm một lần cảm động trước sự chia sẻ, giúp đỡ tận tình của nhân vật “tôi” - di dân Việt, với vợ chồng Maria, người Đức gốc Bungari. Những khó khăn, vất vả mưu sinh trên đất khách cùng trạng thái tâm lý cô đơn, lạc loài cũng đã đưa những di dân trong tiểu thuyết của Thuận lại gần nhau, cùng nhau chia sẻ (tình cảm giữa “tôi” và cô Feng Xiao- Hoa kiều, “tôi” và “hắn” - người Pháp - trong Chinatown; Liên và Nát - người Li-băng, Pát - người Cuba trong Paris 11 tháng 8; Vy và Vân, N.,… trong Vân Vy). Ngoài ra, người đọc có thể bắt gặp mô-típ này trong truyện ngắn của các nhà văn nữ ở Bắc Mỹ, hay trong những tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của cây bút trẻ Dương Thụy,…
Hiện nay, xu hướng di cư với nhiều lý do ngày càng rộng mở. Nhiều người Việt đã hòa vào dòng chảy đó, họ “xách ba lô lên và đi” bất cứ lúc nào theo tiếng gọi của trái tim, của niềm say mê khám phá và trải nghiệm. Vì thế, văn xuôi tiếng Việt hải ngoại hiện nay trở nên phong phú, nhiều màu sắc hơn nhờ một bộ phận những tùy bút, du kí của một số người Việt trẻ trên hành trình du lịch, khám phá thế giới. Khá nhiều người trong số họ là lưu học sinh du học ở nước ngoài, tạm cư trong một thời gian cố định. Du kí châu Âu Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương của Ngô Thị Giáng Uyên, tùy bút của Dương Thụy, Huyền Chip,... mang đến cho người đọc những cảm giác thú vị và ấn tượng đẹp. Những trang văn tràn ngập niềm vui sướng, náo nức, cảm hứng thích thú phát hiện và tiếp nhận cảnh sắc, hương vị xứ lạ phương xa. Bản thân tác giả - du khách Việt đó, thấy tâm hồn mình giàu có hơn qua những chuyến đi. Và hơn nữa, những trang viết bay bổng, tài hoa, tinh tế đem lại cho độc giả nhiều xúc cảm thẩm mỹ mới như chủ trương của Nguyễn Tuân ngày xưa, coi “xê dịch” là lẽ sống, là “dưỡng chất” làm con người sống vui sướng, có ý nghĩa hơn. Thế giới, trong con mắt của những người Việt trẻ, trở thành “ngôi nhà chung” cho công dân toàn cầu, là cái đích vẫy gọi sự khám phá, thưởng thức và trải nghiệm. Chúng tôi xếp mảng sáng tác này vào cảm hứng hội nhập thành công, chính bởi nó thể hiện niềm hân hoan và say mê trước những vẻ riêng biệt, độc đáo ở các vùng miền khác nhau trên thế giới. Nó khơi gợi trong mỗi độc giả niềm thôi thúc “xách ba lô lên và đi…”.
2. Hội nhập với trong nước (về nguồn)
Nếu như cảm hứng hoài niệm về quê hương, bản quán thường gắn liền với nỗi nhớ da diết những cảnh vật mang đậm màu sắc của nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ hương vị đặc trưng của những vật phẩm quê hương, hay về phong tục tập quán, người thân yêu trong gia đình, xứ sở, thì cảm hứng “về nguồn” lại được thể hiện khá rõ nét thông qua những cuộc trở về bằng cả tinh thần và hành động thực tế của các nhân vật trong văn học. Thời gian dằng dặc, không gian xa xôi cùng những rào cản vô hình về tâm lý, chính trị, xã hội chưa hoàn toàn được phá bỏ càng làm cho khát khao được trở về, được “tắm” mình trong bầu khí quyển, phong thổ quê hương, nguồn cội thêm cháy bỏng, tha thiết. Trong truyện ngắn Đất thánh của Võ Đình, nhân vật Trương- một người Việt lưu vong, dù đã ổn định cuộc sống cùng vợ con trên vùng đất mới, nhưng vẫn luôn ám ảnh về câu chuyện một anh bán hàng rong người Do Thái sống ở Ba Lan đã đột ngột vùng bỏ đi tìm Đất Thánh, năm năm sau mới về đến nhà, “tóc râu pha sương, mang theo một bao đất đầy vôi cát”, để thỏa nỗi lòng nhớ quê hương cũng như thỏa ước nguyện mang theo được nhúm đất khi vĩnh viễn nằm xuống nơi xứ người. Giống như người khổng lồ Antaeus được tiếp thêm sức mạnh kì diệu từ Đất Mẹ Gaia, chút đất từ quê hương xứ sở ấy đã tiếp cho anh chàng Do Thái một sinh lực để có thể tiếp tục cuộc bôn ba nơi đất khách. Trương cũng đau đáu với niềm mong ước khi chết đi, được hỏa táng thành tro, “bỏ một nhúm vào cái chai nho nhỏ…, rồi kiếm cách gửi về nhà…”, để cái chai được vùi bên cạnh mộ bố mẹ mình; với anh, “thế là về với quê hương ông bà” (Võ Đình 1987, 59). Đó không gì khác hơn chính là khát vọng được trở về cội nguồn, đất đai, quê cha đất tổ. Nhân vật coi Đất Mẹ chính là Đất Thánh, như một tín đồ tôn giáo một lòng ngưỡng vọng về mảnh đất thiêng của đời mình.
Nhân vật bà Lan trong truyện ngắn Xứ sấm sét lại tìm được một phương cách “về nguồn” thật độc đáo, kì dị. Kết hôn cùng Jim, một người đàn ông bản xứ, ngót bốn mươi năm, cùng nhau chia ngọt xẻ bùi, nhưng ở người đàn bà Việt đã gần sáu mươi tuổi này, người ta vẫn mơ hồ cảm nhận thấy bà đang cất giữ một bí mật như ở phía bên kia của mặt trăng. Bí mật ấy dần dần được hé lộ qua hành động bà Lan thường đi lên núi một mình. Để được có cảm giác “rờn rợn chan chứa một niềm chiêm ngưỡng vừa âm thầm, vừa nôn nao” khi nhìn thấy “những vòm cây lớn của núi Nam sơn, những cây ash, locust, poplar, vươn lên cao gấp hai mái nhà, chụm lại thành những thành trì hình mũi kiếm, sừng sững, đen ngòm. Những thành trì cây lá ấy khiến bà vô cùng xúc động vì liên tưởng đến những tháp chùa Phổ Minh ở Nam Định, Thiên Mụ ở Huế… Bà nghĩ rằng một ngày nào đó trong tương lai xa xôi, có thể là trong một kiếp sau, nếu bà được thấy tận mắt, nhìn tận mặt những tháp chùa cao quý của chốn quê cha đất tổ ấy, bà cũng sẽ xúc động như bây giờ” (Võ Đình 1987, 120). Và nhất là để được trải nghiệm cảm giác “sảng khoái, rạo rực từ kẽ tóc đến móng chân” khi “dang tay ôm lấy thân cây” sồi già trên núi cao. “Cây bao nhiêu tuổi, bà không cần biết. Bà chỉ nghĩ rằng đời cây đã bắt đầu từ ngày mặt đất chưa in dấu người. Và cứ thế, đã từ lâu, bà yêu thương cây sồi già ấy như bà yêu thương một miền quê cha đất mẹ, qua thời gian, không gian, đã đâm rễ kết cành ở đây, để ngày nay che chở ôm ấp bà ở nơi tha phương” (Võ Đình 1987, 120). Ôm lấy thân cây xù xì gai góc trong cơn mưa rừng cùng sấm sét vùng nhiệt đới dữ dội, bà Lan tưởng như “nếu buông nó ra, bà sẽ tiêu tan đi mất. Như thể cơ thể bà, toàn lẽ hiện hữu của bà đang được trì dưỡng bởi tinh túy và hơi ấm tiết ra, phóng ra, từ thân cây đại thụ”. Và “nước mắt bà trào ra, hòa với nước mưa, chảy ròng…” (Võ Đình 1987, 122). Một hình ảnh kì lạ khiến người đọc cảm động. Con người xa xứ đang hòa mình, tắm mình trong cơn mưa rừng nhiệt đới, đang tiếp nhận nguồn sinh lực dồi dào từ một cây đại thụ, coi đó như là hiện thân của núi rừng quê cha đất mẹ. Trí tưởng tượng của Võ Đình ở truyện ngắn này được đẩy đến mức độ lạ lùng, kì dị, dễ gây cảm giác “quá ngưỡng” do bản thân tác giả là người chịu ảnh hưởng sâu sắc mĩ cảm văn hóa phương Tây.
Có thể nói, với mỗi nhân vật tha hương, một nhúm đất, một dòng nước, một gốc cây hay một cơn mưa rừng ào ạt, dữ dội,… đều có thể mang chở cả linh hồn xứ sở. Con người tìm đến những thứ vật chất hữu hình đó để nương tựa và di dưỡng tinh thần, để bắc một nhịp cầu tâm linh, tinh thần vô hình nối với nguồn mạch quê hương, trở về với quê hương. Cảm thức về cội nguồn, gốc gác như một thứ huyết mạch âm thầm chảy trong tâm thức nhà văn xa xứ và chảy tràn trên những trang văn.
Cảm hứng “về nguồn”, hội nhập với trong nước còn được thể hiện qua mô-típ khá phổ biến: mô-típ ra đi - trở về. Phần lớn nhân vật tha hương, dù với bất kì lý do gì, nhưng tựu trung lại, vẫn không nguôi hoài nhớ quê hương. Thậm chí, khá nhiều nhân vật tha hương lúc đầu tìm mọi cách chối bỏ quá khứ, xóa hết dấu vết cội nguồn, nhưng kết thúc lại là khát vọng cháy bỏng trở về với quê hương, tìm lại cội rễ, gốc gác, căn tính của mình. Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng là một ví dụ tiêu biểu cho mô-típ này.
Người kể chuyện xưng “tôi” - An Mi - một người đàn bà gốc Việt lưu vong sang Đức, lấy một người chồng Đức, sống cuộc sống êm ấm, sung túc nơi đất mới và hoàn toàn xóa sạch kí ức về quá khứ: “Như một loài ma trơi, tôi đã sống ở bên ngoài cuộc đời, vừa sống vừa xóa đi ngày tháng và kí ức” (Đoàn Minh Phượng 2006, 25). Chỉ đến khi chồng cô mất đột ngột vì một tai nạn xe, thứ keo gắn cô với cuộc đời đã mất, cô mới quyết định “trong ba tháng… sẽ nhặt nhạnh lại mình” trước khi tìm đến một dấu chấm hết: cái chết. Vì “tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết” (Đoàn Minh Phượng 2006, 12); “Tôi phải đi tìm tôi, ghi chép mình ra trên giấy. Tôi phải nhìn thấy mình, đọc được mình. Tôi phải có thật để cái chết của tôi có thật” (Đoàn Minh Phượng 2006, 25). Buông mình trên những chuyến xe lửa, để những chuyện đời, những mặt người lướt qua và bản thân chạm gần đến thời hạn chấm dứt sự tồn tại, người phụ nữ này vô tình bị cuốn vào một câu chuyện nhiều bí ẩn, phức tạp của gia đình nhà Kempf. Trong màn sương mù của trí nhớ, những mảnh rời của câu chuyện gia đình ấy từ cuốn nhật kí tình cờ trao vào tay An Mi dần dần mở ra một con đường đưa cô về với cội nguồn, quá khứ của mình: một đứa trẻ mồ côi đến từ một đất nước có chiến tranh, lớn lên từ một cô nhi viện nơi xứ lạ phương xa. Chính ở khoảnh khắc chập chờn giữa ý thức và vô thức, sự sống và cái chết, trí nhớ và kí ức vụt hiện như một tia chớp; nó rọi sáng một cảnh tượng kinh hoàng: căn nhà bị bom đánh sập, mọi người đã chết, cô bé An Mi sau khi ôm xác mẹ đã bỏ chạy, để lại đứa em gái nhỏ bị kẹt dưới bức tường nhà vừa đổ. Tiếng gọi tên An Mi mơ hồ văng vẳng trong sương mù kí ức, suốt hành trình đi tìm sự thật câu chuyện nhà Kempf, cho đến trang cuối của tiểu thuyết, mới vang lên rõ ràng hơn bao giờ hết: đó chính là tiếng gọi của đứa em mà cô đã “bỏ rơi nó trong cơn sợ hãi, trong hiểm nguy, trong bóng tối vô tận” (Đoàn Minh Phượng 2006, 183). Và cũng ở giây phút cận kề cái chết, trong sâu thẳm ý thức của An Mi vang lên một khát khao cháy bỏng, một lời cầu nguyện khẩn thiết: “Tôi phải về đi tìm em mình… Tôi không thể chết, ngàn lần không muốn chết. Xin cho tôi sống nhìn thấy em tôi một lần, cho tôi giải mối oan này, quay về với cuộc đời, với sự sống tôi chưa từng được biết và khao khát đến nao lòng. Cho tôi sống những ngày và những đêm của mình, chứ không sống bằng thời gian và trí nhớ của người khác...” (Đoàn Minh Phượng 2006, 184-185). Khi kí ức đã sống lại, con người quay trở về với cội nguồn xứ sở, với mảnh đất mà mình đã sinh ra, lớn lên, nơi có những mối quan hệ ruột rà máu mủ, ấy là lúc con người tìm lại được bản nguyên của mình, không còn là “một thứ rong rễ không bám được vào một thứ gì để thôi trôi nổi” (Đoàn Minh Phượng 2006, 183). Tiểu thuyết mở đầu bằng một chương có tựa đề Sau ngày mù sương, khép lại bằng chương Và khi tro bụi rơi về, nó gợi lên một vòng tròn của cuộc hành trình đi từ vô thức đến hữu thức, từ vô tri đến hữu tri, từ cái chết đến sự sống, từ ra đi đến trở về nguồn cội. Cảm hứng “về nguồn” thể hiện đầy tinh tế, nhuần nhụy qua kết cấu của một cuốn tiểu thuyết pha trộn giữa yếu tố trinh thám và dòng chảy tâm linh huyền ảo; nhờ bàn tay lắp ghép tài tình những chi tiết, hình ảnh, sự kiện giàu sức ám gợi (cuốn nhật kí của người anh Michel Kempf, cây đàn phong cầm của người mẹ, đôi mắt người em- cậu bé Marcus, ngôi nhà êm ấm của Sophie, tiếng gọi chị mơ hồ văng vẳng,…), giống như những miếng ghép của trò chơi xếp hình, để cuối cùng hiển lộ ra những mảnh đời, những phận người nhỏ bé, nhiều bi kịch.
Nhà văn nữ Trâm Lương, trong truyện ngắn Về với cội nguồn, đã hình tượng hóa chủ đề của tác phẩm bằng một mối tình nên thơ giữa cô gái Việt tên Tâm và chàng trai Mĩ lai tên Ian. Vượt qua những rào cản định kiến, luân lý, truyền thống trong gia đình Tâm cũng như bao thử thách của thời gian và không gian, cuối cùng, họ nhận ra họ sinh ra để thuộc về nhau. Với Ian, yêu Tâm là tìm lại được cội nguồn, như lời anh đã nói, “Ian yêu Tâm bởi Tâm là Tâm, mà cũng bởi vì những tính Việt Nam tốt đẹp trong Tâm. Tâm làm cho Ian nhận ra là cái khoảng thời gian Ian sống ở Việt Nam không phải hoàn toàn xấu… Ian nhìn Việt Nam với con mắt khác hơn… Ian nghĩ đến Việt Nam như một quê hương thứ hai, ở đó Ian được tạo dựng,…, và được nuôi lớn,…, để có dịp may trở thành con nuôi của một gia đình Mỹ. Bởi thế, tuy Ian là người Mĩ, trong người Ian vẫn có hai dòng máu, Ian có một chút Việt Nam, trong sự suy nghĩ, hoặc sâu sắc trong tận trái tim, và Ian chào đón, nâng niu những cái Việt Nam Ian có chứ không còn cảm thấy tủi thân hay cố gắng xóa lấp chúng đi như trước khi Ian gặp Tâm và yêu Tâm” (Nhiều tác giả (nữ) 2006, 273). Có thể nói, tình yêu trong sáng và mãnh liệt với cô gái Việt đã giúp chàng trai Mĩ lai tìm về với cội nguồn, để nâng niu, trân trọng căn tính, gốc gác Việt trong mình. Cảm hứng “về nguồn”, “hội nhập” được biểu hiện độc đáo qua mối lương duyên đẹp đẽ ấy.
Hiện nay, xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu đã rút ngắn khoảng cách địa lý và cả tâm lý cho người Việt trong và ngoài nước, để nhà văn hải ngoại và tác phẩm của họ đến với độc giả trong nước ngày càng dễ dàng hơn. Những buổi trao đổi, đối thoại, ra mắt sách của một số nhà văn từng sống và đang sống ở nước ngoài như Nguyễn Văn Thọ, Thuận, Lê Minh Hà, Nam Dao,… đều thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu - phê bình lẫn độc giả trong nước. Qua đó, người trong nước hiểu hơn về đời sống cũng như quan niệm nghệ thuật của các nhà văn xa xứ, đồng thời có thể trao đổi những kinh nghiệm nghệ thuật hữu ích. Đó là những tín hiệu đáng mừng thể hiện tinh thần cởi mở, dân chủ và triển vọng hòa hợp dân tộc qua giao lưu văn học.
Một mặt, sự “trở về” của văn học Việt hải ngoại làm sinh động và phong phú hơn bức tranh văn học Việt Nam đương đại. Mặt khác, “về nguồn” cũng là một con đường thiết yếu để duy trì và phát triển văn học tiếng Việt ở ngoài nước. Bản thân các nhà văn viết tiếng Việt ở nước ngoài đều nhận thấy nền văn học hải ngoại đang ngày một “lão hóa”, sinh hoạt văn học trong cộng đồng lưu vong mang tính chất nhỏ lẻ, xa cách giữa tác giả và độc giả. Do đó, hướng đến đông đảo độc giả trong nước sẽ mở ra chiều hướng tồn tại lâu dài và sức sống cho dòng văn học ở ngoài nước. Bên cạnh đó, cần tăng cường giới thiệu sách trong nước ra nước ngoài và ngược lại, để tạo mối quan hệ giao lưu, trao đổi giữa hai khu vực văn học, góp phần vào sự hòa giải đích thực dựa trên nền tảng cảm hiểu, chia sẻ tâm tư, kinh nghiệm sống và kinh nghiệm nghệ thuật.
Nói như nữ nhà văn Trần Diệu Hằng, “tiếng mẹ đẻ chọn nhà văn”, ngôn ngữ là linh hồn của nhà văn, và các nhà văn gốc Việt ở nước ngoài đã dùng “một ngôn từ để nối lại một dân tộc” (Nhiều tác giả (nữ) 2006, 82). Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, khi con người không chỉ sống ở một nơi nào đó trên trái đất này mà còn sống ở toàn thế giới, thì ngôn ngữ và văn hóa cội nguồn là sợi dây bền chặt kết nối con người ở những không gian, những thời đại, thế hệ lại với nhau, để cùng kiến tạo văn hóa và tôn vinh những giá trị Chân, Thiện, Mỹ của văn chương, nghệ thuật.
Kết luận
Nghị quyết số 36/NQ - TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định, “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”; “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Bộ Chính trị 2004).
Có thể nói, từ cảm hứng hoài niệm lịch sử mang định kiến chính trị sang cảm hứng hoài niệm dân tộc, quê hương giàu tính nhân văn; từ cảm hứng về thân phận lưu vong sang cảm hứng về thân phận “di dân toàn cầu”; từ khuynh hướng thích nghi, hội nhập với nơi trú xứ đến khuynh hướng “về nguồn”, hội nhập với trong nước, văn xuôi tiếng Việt hải ngoại sau 1975 đã trải qua sự vận động, biến đổi gắn liền với những biến đổi của môi trường chính trị, văn hóa, ngoại giao,… toàn cầu. Nó cũng chính là sự biến chuyển tâm thế trong văn học Việt ngoài nước: từ “bất hòa” sang “hòa giải”, từ “lìa xứ” sang “hoài xứ/hồi xứ”, từ “dị ứng” sang “thích ứng”, từ “mặc cảm” sang “đồng cảm”. Khi nhà văn thoát ly dần khỏi những mặc cảm chính trị, những ám ảnh cay đắng trong quá khứ, đó là khi tác phẩm của họ gần hơn với những giá trị nhân văn, phổ quát. Bằng nỗ lực tự nhận thức, tự điều chỉnh, các nhà văn Việt ở ngoài nước ngày càng có nhiều hơn khả năng đồng cảm và được đồng cảm với độc giả trong nước.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Chính trị 2004. “Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30625&cn_id=26837.
Trần Trọng Đăng Đàn. 2006. “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu thế kỉ XXI: số liệu và bình luận”. http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Uy-ban-Nha-nuoc-ve-nguoi-Viet-Nam-o-nuoc-ngoai/Gioi-thieu-chung-/2006/03/23F125BB/.
Đào Trung Đạo 2005. “Nhà/quê nhà trong văn chương vô xứ Việt Nam (Home/ home –country in the Vietnamese Literature of Displacement)”. http://www.gio-o.com/DaoTrungDao/DaoTrungDaoVanChuongVoXuR.html.
Hoàng Mai Đạt 2000. Giữa 2 miền mưa nắng. California, USA: Văn nghệ.
Võ Đình 1987. Xứ sấm sét. California, USA: Văn nghệ.
Mai Ninh 2003. Ảo đăng. Hà Nội: Hội Nhà văn.
Nhiều tác giả (nữ) 2006. Khung trời bỏ lại (tuyển tập truyện ngắn nữ hải ngoại. Hà Nội: Phụ nữ.
Đoàn Minh Phượng 2006. Và khi tro bụi. TP.Hồ Chí Minh: Trẻ.
Nguyễn Văn Thọ 2004. Vàng xưa (tập truyện ngắn). Hà Nội: Hội Nhà văn.
Trần Mộng Tú 2006. Mưa Sài Gòn, mưa Seattle. USA: Văn Mới.