Tóm tắt
Trong bối cảnh toàn cầu hóa với một thế giới phẳng, vấn đề cái riêng, vấn đề căn tính dân tộc đã và đang trở thành mối quan tâm lớn của các quốc gia, các dân tộc trong một áp lực về sự rạn vỡ, thậm chí biến mất của bản sắc dân tộc vốn được tạo nên trong lịch sử hàng ngàn năm qua. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trước bối cảnh đó, hệ thống giáo dục có vai trò như thế nào để đào tạo ra những thế hệ vừa có đầy đủ năng lực, phẩm chất của “công dân toàn cầu” nhưng vẫn mang trong mình bản sắc Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm thích đáng. Là hệ thống giáo dục có tới gần 10000 học sinh các cấp, với tầm nhìn trở thành một hệ thống giáo dục Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế, từ năm học 2018-2019, trường Vinschool đã đưa một môn học rất “tân kỳ” vào chương trình đào tạo Vinser - môn Việt Nam học và được dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Môn học ít nhiều đã nhận được phản hồi tích cực từ phía học sinh, giáo viên và phụ huynh. Bài viết trên cơ sở bối cảnh giáo dục phổ thông mới, từ thực tiễn ở trường Vinschool, bằng cách tiếp cận định tính và định lượng để phân tích, đi tìm câu trả lời cho ba vấn đề: (1) Cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất đưa môn Việt Nam học vào chương trình giáo dục phổ thong là gì? (2) Nội dung của môn Việt Nam học ở phổ thông nên được xây dựng thế nào để góp phần vào sự thành công của chương trình giáo dục hiện nay? Và (3) Tổ chức dạy môn học này như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra?
Từ khóa: đổi mới giáo dục phổ thông, Việt Nam học, hệ thống giáo dục Vinschool, toàn cầu hóa, thách thức
SOME PROBLEMS OF TEACHING VIETNAMESE STUDIES IN HIGH SCHOOL THROUGH PRACTICE IN VINSCHOOL EDUCATION SYSTEM
Abstract
In the context of globalization with a flat world today, more than ever, the issue of the individual and national identity has become a major concern of nations and peoples. This is the pressure on the breaking and disappearing of national identity which has been created in the history of thousands of years. Vietnam is no exception. The role of the education system in training those generations who have the full capacity and qualities of "global citizens" but still possess the Vietnamese identity is an issue that needs proper attention. As an educational system with nearly 10,000 students at all levels, with a vision to become a Vietnam’s international-level education system, from the 2018-2019 school year, Vinschool has introduced a very "new term" in syllabub of VINers training program - Vietnamese studies, and it is taught from grade 1 to grade 12. This subject has more or less received good feedback from students, teachers and parents. This paper is based on the new context of general education, on the practice at Vinschool, on qualitative and quantitative approach to analysis and look for answers to three issues: (1) What are the basis of proposing Vietnamese Studies in high school curriculum? (2) How should the content of Vietnamese Studies in high school be built to contribute to the success of the current education program? and (3) How should this course be taught?
Key words: New general education, Vinschool, globalization, Vietnamese Studies, challenges
1. Khái quát về ngành Việt Nam học và cơ sở đề xuất đưa môn Việt Nam học vào chương trình giáo dục phổ thong
1.1. Khái quát về ngành Việt Nam học
Trên thế giới, ra đời trong khuôn khổ phong trào nghiên cứu khu vực học, Việt Nam học hay Nghiên cứu Việt Nam là một ngành khoa học lấy Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu và những nghiên cứu của họ có thể thuộc về một chuyên ngành như lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, kinh tế, chính trị nhưng thường tiếp cận theo hướng liên ngành. Mục đích của các nghiên cứu trên là nhằm đem lại những hiểu biết toàn diện bên cạnh những yếu tố đặc thù, độc đáo về đất nước và con người Việt Nam.
Trong thế kỉ XX, Việt Nam học phát triển thành ngành học ở nhiều nước như Mỹ, Nga, Đức, Hàn, Nhật, Úc, Trung Quốc trước khi nó được đào tạo chính thức ở bậc đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Theo kết quả thống kê của David Marr trong cuốn sách về thư mục Việt Nam xuất bản năm 1992 thì tổng số 1038 đơn vị sách, bài báo, tư liệu có 577 đơn vị của tác giả nước ngoài, chiếm tỷ lệ 55%. Riêng về chủ đề chiến tranh của Pháp ở Đông Dương (1945-1954), năm 2002, Alain Rucsio thống kê được 11.702 đơn vị, trong đó tác giả nước ngoài có 10.308 đơn vị, chiếm tỷ lệ 88,5%. Trong thế kỉ XX, những vấn đề thu hút nhiều nghiên cứu về Việt Nam phải kể đến là chiến tranh và tiếp đó là chủ đề chính trị. Đến thập niên 90 của thế kỉ này thì chủ đề nghiên cứu mở rộng ra các vấn đề kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, từ sau khi Việt Nam tham gia vào tổ chức Liên hiệp quốc và các diễn đàn quốc tế, phát triển nhanh về kinh tế, thương mại và mở cửa với thế giới, thì các nghiên cứu càng nhiều hơn, và đa dạng hơn nữa.
Nếu thế kỉ XX ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà nghiên cứu nước ngoài về Việt Nam thì thế kỉ XXI đã và sẽ tiếp tục chứng kiến sự lớn lên nhanh chóng của các thế hệ nhà nghiên cứu trong nước và nhà nghiên cứu gốc Việt ở nước ngoài. Các chủ đề nghiên cứu về Việt Nam vẫn xoay quanh chính trị, chủ quyền, vấn đề biển đảo, các vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, phát triển, thoát nghèo, môi trường, v.v… Ngoài ra, xu hướng hợp tác nghiên cứu cũng ngày càng phổ biến. Điều này khiến cho các vấn đề càng được soi chiếu dưới nhiều góc nhìn đa dạng. Trong thời đại số, những diễn đàn nghiên cứu Việt Nam càng có cơ hội mở rộng. Ngoài tạp chí Vietnamese Studies, hội nghiên cứu Việt Nam ở Mỹ còn có các Hội thảo Vietnam Update ở Úc, Kết nối Việt Nam, và các Hội thảo quốc tế Việt Nam học do Chính phủ Việt Nam và một số đơn vị nghiên cứu đào tạo trong nước tổ chức. Những dự án mang tính chất hợp tác đa phương trong nghiên cứu cũng ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là có sự tham gia của các học giả và đơn vị nghiên cứu trong nước.
Ở trong nước, Việt Nam học ra đời tương đối muộn[1]. Ở bậc đào tạo cao đẳng và đại học, ngành Việt Nam học thường xoay quanh hai trục chính: dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nưới ngoài hoặc/và cung cấp các khối kiến thức căn bản về địa lý, lịch sử, văn hóa Việt Nam để người học có thể hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Ở trường đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, ngành Việt Nam học có mục tiêu đào tạo người học nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về công tác văn hóa và du lịch; nắm vững kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam và kiến thức nghiệp vụ du lịch; có khả năng tổ chức, hướng dẫn các hoạt động du lịch.[2] Ở trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, ngành Việt Nam học có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đam mê nghiên cứu về tiếng Việt và Việt Nam học, góp phần đẩy mạnh giao lưu và quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới[3]. Ngành này cũng xác định trọng trách cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao và những sản phẩm khoa học trong lĩnh vực Việt Nam học; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.[4] Cùng với nhiệm vụ đào tạo từ trình độ cử nhân đến tiến sĩ, ngành Việt Nam học xây dựng và thực hiện các đề tài nghiên cứu liên ngành về Việt Nam, triển khai ứng dụng khoa học trong việc xây dựng các chương trình, dự án phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc; xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế về Việt Nam học và Khoa học phát triển.[5] Mặc dù tuổi đời chưa bao lâu và sơ khởi chủ yếu đào tạo về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài nhưng ngành này cũng đã thể hiện được vai trò nhất định trong nghiên cứu và đào tạo, đóng góp một phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới – một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại của Việt Nam hiện nay.
1.2. Cơ sở của việc đề xuất đưa môn Việt Nam học vào Chương trình giáo dục phổ thông
Thứ nhất, đề xuất này dựa trên quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới
Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng mà ở đó, biên giới quốc gia trở nên rất mờ nhạt. Toàn cầu hóa kinh tế thế giới kéo theo toàn cầu hoá về văn hoá và đâu đó, khái niệm văn hóa toàn nhân loại đã được đặt ra để hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Xét về một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể thấy rất rõ rằng, toàn cầu hoá đang xác lập nên hệ giá trị chung đại diện cho toàn nhân loại. Đứng trước nguy cơ hòa tan vào một “thị trường văn hóa chung”, nhiều dân tộc trên thế giới đã hình thành một cách mạnh mẽ nhu cầu khẳng định bản sắc của mình với các dân tộc, các quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, Đảng cộng sản Việt Nam xác định bên cạnh những nội dung xây dựng con người Việt Nam mang tính “toàn cầu”, các phẩm chất như ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, quan hệ hài hòa trong gia đình là những yếu tố bản sắc của một nhân cách Việt được chú trọng và đề cao.
Tiếp tục quan điểm xuyên suốt của Đảng và Chính phủ về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đại hội XII đã nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành phải nhận thức đầy đủ và thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: xây dựng hình ảnh quốc gia, dân tộc được đặt lên vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước. Rõ ràng là, không gian kinh tế- chính trị cởi mở như hiện nay đã tạo ra một sân chơi mới, một không gian thoáng rộng cho việc xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước ra bên ngoài. Đây cũng là một bối cảnh thuận lợi để ngành đất nước học có điều kiện phát triển và đóng góp cho đất nước.
Thứ hai, đề xuất này dựa trên cơ sở của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Nằm trong dòng chảy chung của lịch sử văn minh thế giới, trong quá trình phát triển của đất nước, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Từ sau Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (tháng 10/2013), vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được xác định là một trong những nội dung vừa có ý nghĩa chiến lược vừa là nội dung cấp thiết.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề ra nhiệm vụ: “Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề”. Thực hiện Nghị quyết 29, trong bối cảnh chung của toàn ngành, giáo dục phổ thông Việt Nam đã có nhiều biến chuyển, thu được những kết quả đáng trân trọng. Nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức với những kết quả đã được khẳng định, những bài học đã được rút ra. PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Khoa học giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội tại hội thảo “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: thành tựu và thách thức” do Đại học Quốc gia chủ trì đã đánh giá sự chuyển biến của giáo dục dưới tác động của Nghị quyết 29 trên các phương diện: tự chủ đại học; thi và kiểm tra, đánh giá giáo dục và giáo dục phổ thông cho biết, nhóm nghiên cứu đã “ghi nhận sự chuyển biến về giáo dục phổ thông trong 5 năm kể từ khi có Nghị quyết 29, ở góc độ nào đó, chất lượng giáo dục phổ thông, được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới và đã được Ngân hàng thế giới công bố Việt Nam có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”[6]. Bộ Giáo dục cũng đã cho biết, tính đến nay, nội dung chương trình tổng thể đã được xây dựng với quy định cụ thể về những biểu hiện về phẩm chất, năng lực học sinh ở cuối mỗi cấp học; định hướng nội dung của 14 lĩnh vực giáo dục; từ đó quy định hệ thống môn học, hoạt động giáo dục ở từng lớp học, cấp học.
Có thể nói, trước bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, giáo dục có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước để một mặt, đảm bảo phẩm chất và năng lực của một công dân toàn cầu, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt. Bởi lẽ, suy cho cùng, hơn lúc nào hết, văn hóa là chốt chặn cuối cùng giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam hòa nhập chứ không hòa tan trong một sân chơi chung. Trong thực tiễn triển khai, tuy mới ở giai đoạn đặt nền móng nhưng không ít câu hỏi đã được đặt ra về tính cần thiết của môn học này, trong đó có vấn đề nêu lên quan ngại về tính trùng lặp của môn học với các môn khoa học xã hội. Chúng tôi cho rằng, điểm khác biệt và cũng đồng thời là điểm xác lập sự cần thiết của môn Việt Nam học đối với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới nằm ở hai vấn đề lớn sau đây. Một là, các môn Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân cung cấp cho học sinh những kiến thức thuộc phạm trù điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử, văn học và truyền thống đạo lý của Việt Nam nhưng về bản chất, đó là những môn học mang tính đơn ngành (dù cách tiếp cận có thể ít nhiều có tính đa ngành) trong khi, điều chúng ta mong muốn ở những công dân thế hệ mới của Việt Nam là những người học chủ động, học tích cực, có khả năng tự khai thác những nguồn tri thức ngoài sách vở như nguồn tri thức từ bản thân, từ gia đình và cộng đồng xung quanh, từ đó góp phần vào việc hình thành tư duy liên ngành và cách nhìn nhận vấn đề mang tính chất đa chiều. Môn Việt Nam học khác các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý ở chỗ, nó có nhiệm vụ cung cấp khối kiến thức toàn diện về Việt Nam. Đó sẽ là một bức tranh tuy có thể là khái lược nhưng tổng thể về một Việt Nam thống nhất trong đa dạng từ tộc người đến văn hóa, về phong tục tập quán, về tôn giáo tín ngưỡng, về bản sắc Việt Nam – đây là những mảng kiến thức cần có để bồi dưỡng lòng yêu nước từ chính sự hiểu biết, sự thấu cảm của chủ thể với một cách tiếp cận mang tính liên ngành để đạt được mục tiêu giáo dục của nó. Hai là, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh môn học và chuyên đề học tập, hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm được xem là một nội dung quan trọng của chương trình, mang tính bắt buộc, khác với tính chất “ngoại khóa” như trước đây. Với đặc thù về nội dung kiến thức và phương pháp dạy học, cách tiếp cận, môn Việt Nam học có khả năng sâu chuỗi, tổng hợp các kiến thức của khoa học xã hội, thậm chí cả khoa học tự nhiên trong các hoạt động trải nghiệm thực tế, có đóng góp thiết thực trong việc thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ba là, việc nhận thức thế giới bên ngoài, đặc biệt là hiểu biết về các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam có một vai trò quan trọng đối với phông tri thức của học sinh. Với đặc trưng môn học, môn Việt Nam học có khả năng mở rộng so sánh về lịch sử, kinh tế, văn hóa và giáo dục với các quốc gia khác trong cùng khu vực và trên thế giới. Những ưu điểm, điểm mạnh thậm chí điểm yếu của các nền văn hóa trong một chừng mực nào đó sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình nhận thức của học sinh và có thể sẽ làm thay đổi một điều gì đó ở họ. Chúng tôi cho rằng, những vấn đề liệt căn tính quốc dân mà Lỗ Tấn đã chỉ ra trong các tác phẩm văn học của mình, những cuốn sách như Người Trung Quốc xấu xí có tác dụng nhất định để Trung Quốc thay đổi. Ở Việt Nam, Người Việt – phẩm chất và thói hư tật xấu – vốn là một chuyên trang của báo Thanh niên chắc chắn có một tác dụng không nhỏ trong việc nhận chân các giá trị văn hóa của dân tộc. Môn Việt Nam học với một biên độ rộng và khả năng cởi mở trong việc thiết kế nội dung và hoạt động học có thể chạm tới được điều đó. Và như vậy, môn Việt Nam học trong một chừng mực nhất định sẽ đáp ứng được đòi hỏi của việc đào tạo những công dân mang bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa.
Ngoài ra cũng có thể thấy rằng, hiện nay, ngày càng nhiều học sinh Việt Nam đi du học sớm, từ cấp ba, từ đại học hoặc sớm hơn. Hoặc đơn cử ngay trong nước, nhiều học sinh đã lựa chọn mô hình giáo dục quốc tế, chương trình đào tạo quốc tế và ngôn ngữ nước ngoài được sử dụng chính trong dạy và học, vì thế, giáo dục phổ thông cần thiết phải có những môn học góp phần đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ học sinh mang bản sắc, bản lĩnh và nhân cách Việt để dù có đi đến phương trời nào, người Việt Nam vẫn sẽ là người Việt Nam, vẫn sẽ đi để trở về.
Vậy nên, trong bối cảnh và không gian chính trị - kinh tế – văn hóa hôm nay, trước sự đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông, việc đưa môn Việt Nam học vào dạy học ở phổ thông có thể xem là có căn cứ và có tính khả thi.
2. Chương trình môn học
Dựa vào các căn cứ đề xuất trên đây, chúng tôi cho rằng, môn Việt Nam học ở trường phổ thông nên được xây dựng với mục tiêu và nội dung chương trình như sau:
Về mục tiêu, chúng tôi đề xuất xây dựng môn học với các mục tiêu cụ thể về phẩm chất, năng lực và kỹ năng như sau:
Mục tiêu về kiến thức và phẩm chất
Môn học nhằm mục tiêu giúp học sinh hiểu về những đặc trưng, những giá trị cốt lõi mang tính bản sắc của dân tộc Việt Nam, hiểu về những thành tựu, những truyền thống văn hóa của dân tộc được bồi đắp qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. Trên cơ sở đó, học sinh tự hào về truyền thống, về giá trị văn hóa dân tộc và có ý thức tìm hiểu, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, những di sản văn hóa ấy. Môn học cũng nhằm mục tiêu cho học sinh hiểu được tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt: đó là một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng của văn hóa 54 tộc người, mỗi tộc người có một nét đặc sắc riêng, là sự thống nhất trong đa dạng của các vùng văn hóa trong không gian văn hóa Việt. Với mục tiêu này, môn học góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu là yêu nước, nhân ái và trách nhiệm.
Mục tiêu về kĩ năng và năng lực
Là môn học có biên độ mở cao, Việt Nam học có thể đặt ra mục tiêu hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực quan trọng như: năng lực tự học (tự tìm hiểu các kiến thức ngoài bản thân và sách giáo khoa qua các kênh thông tin như Internet, người thân, tư liệu bảo tàng, tư liệu thực tế...), năng lực giao tiếp và hợp tác (khi triển khai dự án, làm việc nhóm), năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo (khi triển khai dự án); năng lực nhận thức về văn hóa – xã hội (quá trình học và làm bài tập, tham gia các hoạt động trải nghiệm), kĩ năng thuyết trình, phản biện và nhận phản biện (khi báo cáo sản phẩm của một chủ đề, một dự án).
Với đặc thù giáo dục phổ thông, chương trình môn học có thể được xây dựng dựa trên các quan điểm tiếp cận khác nhau, miễn sao đảm bảo các nội dung của đất nước học, Ở đây, chúng tôi đề xuất các nội dung dạy học cho đối tượng học sinh phổ thông gồm:
(1) Khối kiến thức về điều kiện tự nhiên với việc hình thành văn hóa Việt Nam (lí giải sự ảnh hưởng của vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng... đến diện mạo văn hóa Việt Nam)
(2) Khối kiến thức về các thành tựu trong diễn trình văn hóa Việt Nam (văn hóa từ thời tiền sử và sơ sử đến nay)
(3) Khối kiến thức về các thành tố văn hóa Việt Nam (văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể)
(4) Khối kiến thức về chủ thể văn hóa Việt Nam (54 tộc người trong một dân tộc thống nhất)
(5) Khối kiến thức về bản sắc văn hóa vùng ở Việt Nam (văn hóa Bắc bộ, văn hóa Trung Bộ, văn hóa Nam Bộ, văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên...)
(6) Khối kiến thức về văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (có cái nhìn so sánh và xác lập một bản lĩnh, một bản sắc văn hóa Việt; những điểm mạnh và điểm yếu của văn hóa Việt Nam)
Đương nhiên, để môn học đảm bảo mục tiêu đề ra, trên cơ sở khung kiến thức chung, việc xây dựng chương trình dạy học cụ thể cho từng khối, từng lớp cần lưu ý các nguyên tắc sau đây:
- Nguyên tắc phù hợp với trình độ nhận thức và tâm lý lứa tuổi của người học (về kiến thức, về hứng thú và có khả năng trải nghiệm)
- Nguyên tắc liên ngành (có khả năng củng cố, liên hệ với kiến thức của các môn học trong cùng một khối lớp)
- Nguyên tắc khả thi (phù hợp với điều kiện xung quanh về thời tiết, về không gian)
Việc xây dựng khung chương trình tổng thể và chương trình chi tiết của môn học cần đảm bảo tính liên thông giữa các khối, các lớp nhằm mục tiêu hình thành tư duy hệ thống cho học sinh.
Từ năm học 2018-2019, Vinschool trở thành hệ thống giáo dục đầu tiên ở Việt Nam đưa môn Việt Nam học vào dạy từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi tuần 01 tiết học. Chương trình được xây dựng bởi các chuyên gia của Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học California State Long Beach (CSULB) (Mỹ). Các chuyên gia một mặt xây dựng môn học, một mặt tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về kiến thức và phương pháp giảng dạy. Việc chuẩn bị bài bản đó giúp cho việc, môn học tuy mới nhưng giáo viên đã không cảm thấy khó khăn trong triển khai. Chúng tôi tóm lược nội dung chương trình môn Việt Nam học của trường Vinschool qua bảng sau:
Bảng 2.1: Chủ đề và một số nội dung trong chương trình Việt Nam học
thực hiện ở hệ thống giáo dục Vinschool
Cấp học
|
Các chủ đề chính
|
Một số chủ đề cụ thể[7]
|
Cấp 1
|
Đất nước, con người, Nghệ thuật, Phong tục, Tập quán
|
Sông núi quê em, Quê quán của em, Dòng họ của em, Trò chơi dân gian và đồng dao, Văn hóa chào hỏi, Tập tục trong các bữa ăn gia đình…
|
Cấp 2
|
Con người, Nghệ thuật, Văn học, Phong tục, Tập quán, Khoa học – Giáo dục
|
Dân tộc thiểu số Bắc- Trung – Nam, Làng nghề Việt Nam, Bài trí Nhà cửa, Giáo dục khoa cử Việt Nam, Những người thầy mẫu mực trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Các loại quà bánh trong văn hóa ẩm thực Việt Nam
|
Cấp 3
|
Nghệ thuật – Văn học; Phong tục – Tập quán; Khoa học – Giáo dục; Chính trị - Kinh tế - Xã hội
|
Âm nhạc Việt Nam hiện đại, Nghiên cứu gia phả dòng tộc; So sánh giáo dục Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới, Đời sống nhập cư ở các đô thị lớn, Xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam; Thị trường và định hướng nghề nghiệp
|
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ chương trình Việt Nam học năm học 2019-2020, tháng 5/2019)[8]
Chương trình khung và chương trình chi tiết cho thấy:
Thứ nhất, xét theo quan hệ chiều ngang trong hệ thống chủ đề có thể thấy, ở từng cấp học, hầu hết các vấn đề cốt tử của văn hóa Việt Nam, đất nước – con người Việt Nam đều đã được đề cập. Ở cấp 1, đó là các chủ đề: Đất nước – Con người – Nghệ thuật – Văn học – Phong tục và Tập quán. Các đơn vị kiến thức được xây dựng về cơ bản phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Thí dụ, chủ đề của lớp 1 gồm: Hoa trái Việt Nam – Dòng họ của gia đình em – Tranh dân gian Đông Hồ - Hát ru – Văn hóa chào hỏi. Thiết nghĩ, những điều này giúp chon ngay từ đầu, các em học sinh đã được trang bị những kiến thức về một đất nước Việt Nam tươi đẹp với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, giúp các em hình thành và phát triển tốt về nhân cách, về nhận thức thế giới xung quanh.
Thứ hai, xét theo quan hệ chiều dọc, từ cấp 1 đến cấp 3, chương trình đã đảm bảo một bức tranh tổng thể và toàn diện theo từng đơn vị kiến thức. Lấy chủ đề phong tục làm thí dụ, học sinh trường này sẽ được tiếp xúc với: Trò chơi dân gian và đồng dao – Tập tục ăn trầu – Tập tục đón chào thành viên mới – Tập tục cưới hỏi – Tập tục thờ cúng tổ tiên (Cấp 1) – Thức ăn thức uống hàng ngày và bữa tiệc theo vùng miền – Quan niệm về dinh dưỡng – Tục thờ thành hoàng làng – Quan niệm về trật tự tự nhiên (Cấp 2) và Nghiên cứu về gia phả dòng họ, Ảnh hưởng của quan niệm siêu hình cổ truyền đến đời sống hiện đại của người Việt (Cấp 3). Như vậy, mỗi chủ đề cho các khối lớp đã đạt được sự phân loại kiến thức theo tầng bậc theo một chủ điểm nhất định, khối lớp sau sẽ tiếp cận với các đơn vị kiến thức khó hơn, rộng hơn, đảm bảo tốt nguyên tắc phù hợp về trình độ nhận thức và tâm lý lứa tuổi.
Thứ ba, xét về ma trận quan hệ giữa các môn học có thể thấy: Môn Việt Nam học trong quan hệ với các môn học của các khối lớp có sự giao thoa đáng kể, đặc biệt là quan hệ với các môn khoa học xã hội. Lấy thí dụ ở lớp 7: các chủ đề như ca dao, dân ca có mối quan hệ mật thiết với nội dung của môn Ngữ văn như: câu hát về tình cảm gia đình, câu hát về tình yêu quê hương đất nước hay bài thơ Qua đèo ngang, Bạn đến chơi nhà, Tùy bút Một thứ quà của lúa non: Cốm.
Để có những đánh giá về chương trình đào tạo, cchúng tôi thực hiện việc phát ngẫu nhiên 230 phiếu phỏng vấn cho học sinh thuộc 4 khối lớp 6,7,8,9; số phiếu thu về là 214 phiếu, trong đó có 195 phiếu hợp lệ.
Bảng 2.2. Đánh giá của học sinh THCS Vinschool về chương trình đào tạo[9]
Nội dung
|
Mức độ đánh giá
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
Đánh giá về mức độ hấp dẫn của môn Việt Nam học
|
2
(0,1%)
|
11
(0,56%)
|
57
(29,2%)
|
82
(42,05)
|
41
(21,02%)
|
Tính sát hợp của chủ đề đối với việc cung cấp kiến thức nền tảng về Việt Nam – đất nước – con người.
|
1 (0,05%)
|
12
(6,15%)
|
63
(32,3%)
|
65
(33,3%)
|
51
(26,15%)
|
Đánh giá về việc sử dụng tri thức liên ngành trong môn Việt Nam học
|
2
(0,1%)
|
9
(4,6%)
|
71
(36,4%)
|
69
(35,4%)
|
44
(22,6%)
|
Đánh giá về mức độ tác động của môn học đối với việc củng cố kiến thức của các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý
|
7
(3,6%)
|
25
(12,8%)
|
63
(32,3%)
|
69
(35,4%)
|
24
(12,3%)
|
(Nguồn: Kết quả điều tra bằng bảng hỏi của tác giả, tháng 8-9/2019)
Bảng tổng hợp trên đây cho thấy, tính hấp dẫn của môn Việt Nam học có đánh giá xuất sắc là: 21,02%; tốt là 42 %, khá là 29,2%; trung bình và yếu là không đáng kể. Các chủ đề đảm bảo mục tiêu cung cấp kiến thức nền tảng về Việt Nam – đất nước – con người được đánh giá ở mức độ xuất sắc là 26,15%; tốt là 33,3%, khá là 32,3%, trung bình và yếu thấp. Việc khai thác tri thức liên ngành trong môn học có đánh giá ở mức xuất sắc là 22,6%; tốt là 35,4%; khá là 36,4%; trung bình và yếu không đáng kể. Tác động của môn Việt Nam học đối với việc củng cố kiến thức của các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý có sự chênh lệch với các tiêu chí trên, “xuất sắc” là 12,3%; “tốt” là 35,4%, “khá” là 32,3%; trung bình là 12,8% và “yếu” không đáng kể. Kết quả này cho thấy, môn học đã đáp ứng khá tốt mục tiêu của phân môn và có sức hấp dẫn đối với học sinh.
Trong chủ quan của những người thực đứng lớp, chúng tôi nhận thấy rằng, chương trình đã có những chủ đề phù hợp, có ý nghĩa thực tiễn cao, dễ thao thác khi thiết kế các hoạt động học. Mục tiêu của chủ đề như vậy không khó để đạt được. Các chủ đề có thể kể đến là: Tranh dân gian Đông Hồ, Tập tục trong bữa ăn gia đình người Việt (cấp 1); Tục thờ thành hoàng làng, Làng nghề Việt Nam xưa và nay, Các lễ hội bản địa (Cấp 2); Đời sống dân nhập cư ở các đô thị lớn, so sánh giáo dục Việt Nam và thế giới, xây dựng triết lý giáo dục cho Việt Nam (cấp 3). Tuy nhiên, một số chủ đề như hát ru, (lớp 1), tập tục cưới hỏi (lớp 4), bài trí nhà cửa (lớp 7) hay ảnh hưởng của quan niệm siêu hình cổ truyền đến đời sống đương đại của người Việt (lớp 11) là những chủ đề hay nhưng không dễ triển khai. Vì thế, tư duy linh hoạt trong thiết kế chương trình đào tạo của môn học này là vô cùng cần thiết.
3. Đội ngũ giáo viên
Như vậy, khác với giáo viên đơn môn, giáo viên Việt Nam học là những người có phông kiến thức sâu và rộng mang tính liên ngành, đặc biệt là kiến thức khoa học xã hội. Người giáo viên Việt Nam học đương nhiên cũng cần có phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại, có niềm đam mê và đạo đức nghề nghiệp.
Vậy, việc đào tạo và tuyển chọn đội ngũ giáo viên dạy môn Việt Nam học ở phổ thông cần được thực hiện như thế nào? Đây có lẽ là một bài toán khó có lời giải chính xác trong bối cảnh hiện nay. Nếu giáo viên Việt Nam học được đào tạo từ chuyên ngành sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân thì phông nền kiến thức mang tính liên ngành khó có thể đảm bảo được, ngược lại, một người được đào tạo từ chuyên ngành Việt Nam học thì kỹ năng nghề của họ liệu có đáp ứng được đòi hòi tương đối khắt khe của giáo dục hiện nay?
Theo thống kê không đầy đủ, hiện nay cả nước có hơn 90 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về Việt Nam học, trong đó, các cơ sở Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có lịch sử đào tạo và nghiên cứu lâu dài và trở thành các đơn vị đào tạo, các trung tâm nghiên cứu có uy tín. Trong khuôn khổ bài viết này, với mục tiêu khảo sát thực trạng dạy học Việt Nam học ở phổ thông, chúng tôi chọn khảo sát chương trình đào tạo của khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để phân tích, luận giải các vấn đề liên quan.
Chương trình đào tạo cử nhân Việt Nam học hiện nay của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 131 tín chỉ[10], trong đó các đơn vị kiến thức được phân bổ như bảng sau:
Bảng 3.1. Chương trình đào tạo ngành Việt Nam học của Trường ĐHSP Hà Nội
Khối kiến thức
|
Số tín chỉ/ tổng số
|
Nội dung
|
Khối kiến thức chung
|
35/131 tín chỉ (27%)
|
Các học phần khoa học Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các học phần ngoại ngữ, tin học
|
Khối kiến thức ngành
|
20/131 tín chỉ (15%)
|
Các học phần về di sản hán nôm, đại cương về điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử, điều kiện chủ thể và các vấn đề chung về văn hóa, văn hóa Việt Nam
|
Khối kiến thức chuyên ngành
|
59/131 tín chỉ (45%)
|
Các học phần chuyên sâu về ngôn ngữ, ngoại ngữ chuyên ngành, các học phần về phong tục tập quán Việt Nam, di sản văn hóa Việt Nam, tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam, văn hóa các tộc người Việt Nam
|
Kiến tập, thực tập
|
7/131 tín chỉ (5,3%)
|
Kiến tập, thực tập tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, quản lý về văn hóa, du lịch, báo chí, truyền thông
|
Khóa luận tốt nghiệp hoặc tương đương
|
10/131 tín chỉ (7,6%)
|
Thi hoặc khóa luận
|
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ http://hnue.edu.vn, truy cập ngày 6/9/2019)
Mục tiêu của chương trình Việt Nam học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được xây dựng nhằm đào tạo ra những cử nhân có tinh thần yêu nước (Tự hào về truyền thống, giá trị văn hóa dân tộc; có ý thức tìm hiểu, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa); có lòng Nhân ái (Trân trọng sự đa dạng văn hóa, đặc trưng văn hóa của 54 tộc người trên đất nước Việt Nam); có ý thức Trách nhiệm cao (Tích cực tìm tòi và sáng tạo trong học tập; có ý chí vượt khó trong học tập; trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa). Về năng lực, chương trình hướng đến việc định hình các năng lực tự chủ và thích ứng với những thay đổi; Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực lãnh đạo; Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; Năng lực nhận thức về văn hóa xã hội; Năng lực phản biện; Năng lực tổ chức và quản lý các hoạt động văn hóa; Năng lực thực hành báo chí và truyền thông; Năng lực hướng dẫn du lịch; Năng lực hoạt động xã hội; Năng lực phát triển nghề nghiệp; Năng lực nhận thức về đất nước học; Năng lực sử dụng tri thức giáo dục tổng quát và tri thức Việt Nam học để thực hành nghề; Năng lực sử dụng các tri thức học vấn giáo dục tổng quát và tri thức Việt Nam học vào thực tiễn; Năng lực nghiên cứu Việt Nam học; Năng lực sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn; Năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động chuyên môn. Chương trình này so với chương trình đào tạo của các trường đại học khác về cơ bản ít khác biệt, đều dựa trên một cấu trúc chung: khối kiến thức về đất nước Việt Nam (địa lý, lịch sử, chủ thể văn hóa), khối kiến thức về sản xuất kinh tế (kinh tế nông nghiệp truyền thống, nghề thủ công, đánh bắt thủy hải sản) và khối kiến thức về văn hóa – xã hội (dựa trên cơ sở điều kiện tự nhiên và sản xuất kinh tế) và khối kiến thức về Việt Nam đương đại.
Như vậy, một người được đào tạo từ chuyên ngành Việt Nam học ở hệ cử nhân trở lên sẽ được trang bị một cách tương đối hệ thống kiến thức về đất nước – con người, lịch sử - văn hóa – xã hội Việt Nam từ truyền thống đến đương đại. Rõ ràng là, soi chiếu với mục tiêu đào tạo và chương trình đào tạo trên đây, một cử nhân Việt Nam học sẽ cần phải bổ sung thêm về kỹ năng nghề, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phương pháp giảng dạy phổ thông hiện đại, đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong thời đại mới. Thiết nghĩ, đây là vấn đề không khó và sinh viên hoàn toàn có thể thực hiện việc tự đào tạo trên cơ sở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ sư phạm.
Trở lại thực tiễn triển khai ở Vinschool chúng tôi thấy, đây là vấn đề nan giải nhất trong bài toán Việt Nam học. Bởi lẽ, người giáo viên là chìa khóa để mở cánh cửa từ nội dung chương trình đến giáo án cho học sinh. Người giáo viên giỏi sẽ đủ năng lực để chế biến các nội dung dạy học thành các món ăn ngon, hấp dẫn đối với người học và ngược lại. Trao đổi với chúng tôi, một thành viên Ban Giám hiệu của trường THCS Vinschool cũng bày tỏ những quan ngại về vấn đề đội ngũ. Theo chị, đây là vấn đề cốt tử nhưng tìm một giáo viên Việt Nam học giòi thực tế không đơn giản. Thực tế ở ngôi trường này, đội ngũ được chọn từ hai nguồn: một là, cử nhân sư phạm thuộc một chuyên ngành khoa học xã hội hoặc cử nhân, thạc sĩ ngành Việt Nam học. Tiêu chí đặt ra đối với người giáo viên Việt Nam học ở đây gồm: năng lực chuyên môn Việt Nam học vững vàng và kỹ năng sư phạm tốt. Để đáp ứng được môn học trong những chặng đường đầu tiên, phía trường Vinschool đã quan tâm và có kế hoạch đào tạo đội ngũ bài bản. Việc bồi dưỡng và tập huấn đội ngũ giáo viên cho chương trình hiện hành có sự góp mặt của các chuyên gia của Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học California State Long Beach (CSULB) (Mỹ) và trong suốt quá trình vận hành, môn học được giám sát thực hiện bởi các thầy cô giáo đến từ khoa Việt Nam học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Trao đổi về vấn đề này, một thành viên Ban Giám hiệu Nhà trường khẳng định: “Giáo viên của trường được tập huấn hàng năm về phương pháp và nội dung giảng dạy, việc dự giờ được thực hiện thường xuyên để đảm bảo môn học được tiến hành một cách tốt nhất” (tư liệu phỏng vấn, nữ, 35 tuổi, thành viên Ban giám hiệu Nhà trường).
4. Tổ chức dạy học
Qua các kết quả phân tích và thực nghiệm trên đây, chúng tôi cho rằng, môn Việt Nam học là môn học có tính đáp ứng cao trong bối cảnh giáo dục đang đứng trước các thay đổi lớn của toàn ngành. Tuy nhiên, để môn học này thực sự phát huy được vai trò của nó, trở thành một môn học có tính hấp dẫn cao đối với học sinh phổ thông, thiết nghĩ chúng ta cần chuẩn bị tốt các vấn đề sau
Vấn đề tài liệu và học liệu dạy học
Kiến thức khoa học xã hội vốn là pho tri thức không có biên giới. Vì thế, việc đòi hỏi một người giáo viên Việt Nam học biết tất cả mọi thứ là điều rất khó, đặc biệt đối với một môn học tân kỳ như Việt Nam học. Chính vì vậy, việc chắt lọc và định hướng tài liệu rất quan trọng. Lấy thí dụ khi dạy về chủ đề người Chăm ở Việt Nam cho học sinh lớp 7, người giáo viên làm cho học sinh thích thú thì dễ vì chủ đề rất hay, hấp dẫn nhưng làm thế nào để định hướng được học sinh tìm trúng được tư liệu để làm nên một bức tranh thực sự về bản sắc văn hóa Chăm thì không phải là đơn giản vì văn hóa Chăm rất rộng, trong đó, yếu tố bản sắc không phải là ít. Một giáo viên chia sẻ với chúng tôi: “Học sinh và phụ huynh đều mong muốn có một cuốn sách giáo khoa hoặc tài liệu chuẩn kiến thức của bộ môn để phụ huynh có thể chủ động hỗ trợ con tại nhà” (giáo viên nữ, 32 tuổi). Tuy nhiên, khi vấn đề được đặt ra với đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường, phương án mà Nhà trường đưa ra cũng thể hiện một tư duy giáo dục hiện đại: “Hiện tại, nhà trường chưa có điều kiện nghĩ đến việc xây dựng các tài liệu hướng dẫn dạy và học. Mỗi một khối lớp một năm sẽ cho ra lò một đến hai tập san, để lưu lại thư viện. Đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các khóa sau. Tuy nhiên, câu hỏi sẽ là một gợi ý quan trọng cho chúng tôi.” (nữ giáo viên, thành viên Ban Giám hiệu, 35 tuổi).
Về thời lượng và cách thức tổ chức dạy học
Với mục tiêu và nội dung chương trình trên đây, chúng tôi cho rằng, môn Việt Nam học ở phổ thông có thể tổ chức dạy học 1 đến 2 tiết/ tuần hoặc cấp 1 (1 tiết), cấp 2,3 (2 tiết).
Hiện tại, ở Vinschool, môn Việt Nam học đang được dạy 1 tiết/1 tuần. Tuy nhiên, với đặc thù môn học, nhiều giáo viên cho rằng, “thời lượng của môn học cần tăng lên hơn 1 tiết, nếu được 2-3 tiết và thực hiện trong một buổi thì hiệu quả sẽ cao hơn” (nữ, giáo viên, tuổi)
Về cách thức tổ chức môn học, hiện nay, môn học được thiết kế dưới dạng các chuyên đề cuốn chiếu, học sinh vừa được học trên lớp, vừa được gợi ý để tìm hiểu, trải nghiệm ngoài thực tế. Vì thế, hiệu quả khai thác không quá tồi” (Giáo viên A, 34 tuổi, nữ). Không có một phương pháp dạy học nào cho tất cả. Đó là nguyên tắc đúng, và càng đúng đối với môn Việt Nam học. Chúng ta có thể lựa chọn thuyết trình của giáo viên, có thể cho học sinh làm dự án, có thể xem phim, đi thực tế... Điều quan trọng ở đây là chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ chủ đề và đối tượng người học để cân nhắc sao cho có phương án phù hợp nhất. Ở đây, việc huy động sự tham gia của phụ huynh vào bài học của các con là vô cùng cần thiết.
Như vậy, việc dạy Việt Nam học ở phổ thông có thể triển khai việc dạy học theo hai hình thức: học trên lớp theo các chuyên đề cuốn chiếu hoặc thiết kế các hoạt động trải nghiệm. Cả hai hình thức tổ chức dạy học này thiết nghĩ đều khả thi đối với môn học.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở phân tích, tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu, chủ yếu là tư liệu điều tra, phỏng vấn, phỏng vấn sâu, những trải nghiệm thực tiễn từ công tác giảng dạy ở cơ sở trong một năm học, bài viết đã phân tích thực trạng, chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai môn học ở phổ thông. Chúng tôi thiết nghĩ, trong mô hình giáo dục tiểu học, phổ thông hiện đại hiện nay, đặc biệt là các mô hình giáo dục ngoài công lập hướng đến chuẩn mực quốc tế, biên độ chương trình giảng dạy cho phép lựa chọn một số môn học riêng, không gian phát triển cho môn Việt Nam học là rất lớn. Từ thực tiễn triển khai môn học tại trường Vinschool cho chúng ta thấy rõ tính khả thi trong việc triển khai môn học này ở các cấp học với sự đón nhận đáng kể của học sinh. Giá trị của môn học trong việc hình thành nhân cách và phát triển tri thức, nhận thức của của học sinh đã bước đầu được khẳng định rõ nét. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc giảng dạy môn học, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy học, sự tương tác của học sinh và các phương tiện hỗ trợ quá trình dạy học. Trong đó, đội ngũ giáo viên có năng lực giảng dạy là yếu tố quyết định đến chất lượng và khả năng triển khai rộng rãi môn học.
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài - Khoa Việt Nam học, Trường ĐHSP Hà Nội, Điện thoại: 0912 598 119, Email: thuhoaisphn@gmail.com
In trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Khu vực học – Việt Nam học, định hướng nghiên cứu và đào tạo, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020
File toàn văn Dạy học môn VNH ở trường phổ thông_Ng.T.Thu Hoài.pdf
[1] Nghiên cứu Việt Nam học ở Việt Nam nở rộ vào những năm đầu thế kỉ XXI
[6] Phát biểu tại Hội thảo ngày 18/09/2019
[7] Mỗi lớp sẽ có nội dung khác nhau cho các chủ đề chung
[8] Do lý do bản quyền chương trình của trường, tác giả chỉ tóm lược một cách khái quát.
[9] Thang điểm: 1= Yếu; 2= trung bình; 3=Khá; 4= Tốt; 5 = xuất sắc