Tư tưởng phong kiến coi trọng thứ bậc, đề cao tôn ti trật tự, rất sợ phá cách, phá vỡ khuôn khổ, khuôn mẫu. Lâu nay, chúng ta vẫn khái quát như một lẽ mặc nhiên : xã hội phong kiến không coi trọng cá nhân, ý thức về cái tôi phải là sản phẩm của văn minh, văn hóa phương Tây. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh viết về ngày trước : “ Cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả”. Vậy, ở thời đại phong kiến có cá tính không ? Muốn trả lời đúng câu hỏi này trước tiên cần phân biệt đúng hai khái niệm cá nhân và cá tính. Đây là hai khái niệm có nhiều điểm thống nhất nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Khái niệm cá nhân thuộc tương quan với tập thể, cộng đồng. Thuật ngữ cá tính nhằm xác định phẩm cách riêng (mình với chính mình), tính cách riêng (mình với tha nhân) để phân biệt với những người khác. Như thế, một cá nhân chưa chắc đã là một cá tính và một cá tính chưa hẳn đã phá vỡ khuôn khổ lớn của cộng đồng. Ai bảo rằng ông cha ngày xưa không có cá tính ? Hiểu “mềm” đi một chút, cá tính ấy là cốt cách, là phong thái, thần thái của con người. Những người có học thời trước rất có ý thức về điều ấy, rất coi trọng điều ấy. Đạo lý Nho gia, đạo đức bậc quân tử với những Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín đâu bào mòn cá tính mà vẫn khuyến khich, vẫn kích thích con người ta tạo lập cốt cách, nhắc con người ta biết ứng xử có văn hóa và biết giữ mình, biết đứng vững trước sóng gió cuộc đời. Sinh ra giữa trời đất thì phải có chí lập thân, phải có “danh gì với núi sông”, “chí làm trai dặm nghìn da ngựa”. Thời thế đảo điên, vua mắt mờ dạ tối nghe lời xiểm nịnh mà can gián không được thì lui về ở ẩn, vui với cảnh điền viên, thú lâm tuyền để giữ cốt cách thanh cao. Tinh thần nhập thế hay xuất thế ấy gắn liền với bản lĩnh, với ý thức tự răn mình của người quân tử. Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến…là những tấm gương sáng ngàn đời như vậy. Đặc biệt, ông cha xưa giàu lòng tự trọng, hay xấu hổ. Quân tử trọng danh, tiểu nhân trọng lợi. Vì danh dự, vì tiếng thơm, không ít người xưa ngửa mặt thề với trời đất, kề gươm cắt cổ tự vẫn, thua trận thì xin chết để tạ tội. Thử hỏi bây giờ vị nào dám làm như thế ?!
Chúng ta đang sống trong thời đại con người phấn đấu, đua tranh để khẳng định, để hưởng thụ và cống hiến. Cá nhân được giải phóng, năng lực, trí tuệ được phát huy. Đó là điều kiện không thể thiếu của xã hội hiện đại, là một động lực của sự phát triển. Với quan niệm khá cởi mở, xã hội đương đại chăm lo cho nhu cầu cá nhân, tôn trọng cá tính, thậm chí nhiều khi tung hô cho cái độc đáo, cái khác người của những người có một chút vị thế hay làm các nghề có một chút đặc biệt.Trên các báo mạng đầy rẫy chuyên mục, bài viết miêu tả hàng mua sắm, mốt lạ thời trang của diễn viên này, người mẫu nọ, chuyện tình trường, yêu đương, gia đình của những nhân vật đang được chú ý bởi các lí do nào đó. Tung hô cái độc đáo, cái khác người giờ đây trở thành một chiêu trò quảng cáo vì lợi ích của nhiều phía mà ý nghĩa tích cực thì ít còn chủ yếu gây ra sự phản cảm, kéo theo không ít hệ lụy trước mắt và lâu dài. Nó sẽ làm méo mó đi quan niệm thẩm mĩ rồi sẽ dẫn đến sai lệch trong lối sống của thế hệ trẻ.
Việc tạo lập tính cách, vẻ sắc riêng là cần thiết song vấn đề chính ở tạo lập bằng cách nào và để làm gì. Cái cốt cách phải từ năng lực, phẩm chất, phải đào luyện, trau dồi để thành đức tính tự nhiên của con người. Vậy mà không ít kẻ đánh đồng cá tính với sự lập dị và cố tạo ra nó bằng mọi hành động tự đánh bóng, cố gây xicăngđan. Cái cá tính phải làm sao làm phong phú cho cộng đồng, chí ít cũng đừng phương hại đến cộng đồng. Vậy mà không ít kẻ đánh đồng cá tính với sự ngông nghênh, thậm chí khẳng định cá tính bằng những hành động phản văn hóa, vi phạm pháp luật. Vấn đề nguy hiểm là sự phát triển của công nghệ thông tin, sự cố ý hoặc vô tình của báo chí đã góp phần quảng bá, phổ biến cho những hành động ấy. Nói cho cùng, cá tính cần được nảy nở trên mảnh đất của nhân tính. Loài người chúng ta có những giá trị nhân bản, nhân văn phổ quát và trường tồn, có cái “khung” giá trị Chân, Thiện, Mĩ đành rằng có độ co giãn theo thời đại song không phải mở một cách vô lối, vô biên giới. Vì thế, ý thức về “ngưỡng” là điều cần có ở từng cá nhân.
Nền kinh tế thị trường với cách làm ăn, quản lí lâu nay khiến xã hội phân hóa ngày một sâu sắc. Không thể không thừa nhận một sự thực : “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” là tình trạng nhãn tiền của xã hội đương đại. Sự chênh lệch lớn về thu nhập kinh tế, về mức sống dẫn đến sự khác nhau, tính phức tập của tâm lí, của cách ứng xử. Phạm trù cá nhân trong xã hội hiện nay nhiều khi gắn với niềm vui hưởng lạc, với sự khẳng định đẳng cấp và phía kia là sự mặc cảm, sự bức bối thậm chí căm hận. Đó chính là một nguyên nhân xã hội - tâm lí làm nảy sinh các loại tội phạm hình sự… Ý thức cá nhân bị đẩy lên cực đoan thì dễ thành vị kỷ. Con người đương đại hay sốt ruột sớm được nổi tiếng bằng nhiều cách. Xã hội ta hiện nay rất nhiều tấm lòng thơm thảo, rất nhiều hành động đùm bọc, sẻ chia. Chúng ta đang phát huy truyền thống nhân ái, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Song cũng không ít kẻ tự cho mình cái quyền hưởng lạc quá mức, không ít người lấy hành động từ thiện để quảng cáo, để đánh bóng mình.
Không ít người nghĩ một cách đơn giản : ý thức cao về quyền lợi cá nhân, đòi hỏi tự do cho cá nhân, đó chính là bản lĩnh. Đừng lẫn lộn cặp phạm trù này. Thử xem khi muốn khẳng định cá nhân và có điều kiện phát huy năng lực, bộc lộ nhu cầu cá nhân, bản lĩnh của con người đương đại ra sao ? Tôi cứ nhớ một khái quát đầy tinh thần biện chứng, tinh thần lịch sử của nhà phê bình Hoài Thanh về thế hệ thi sĩ Thơ mới trong Thi nhân Việt Nam : “ Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh…Thời trước, dầu bị oan khuất như Cao Bá Nhạ, dầu bị khinh bỏ như cô phụ trên bến Tầm Dương, vẫn còn có thể nương tựa vào một cái gì không di dịch. Ngày nay, lớp thành kiến phủ trên linh hồn đã tiêu tan cùng lớp hoa hòe phủ trên thi tứ. Phương Tây đã giao trả hồn ta lại cho ta. Nhưng ta bàng hoàng vì nhìn vào đó ta thấy thiếu một điều, một điều cần hơn trăm nghìn điều khác : một lòng tin đầy đủ.” Xã hội phong kiến không coi trọng tự do cá nhân nhưng ông cha ta vẫn đầy bản lĩnh. Trong xã hội hiện đại, cá nhân cáng tự ý thức cao thì nhiều khi lại càng chông chênh, càng khủng hoảng bởi không còn điểm tựa tinh thần. Một lòng tin đầy đủ không còn, càng ý thức cao về cá nhân thì càng dễ hoang mang, càng trở nên yếu đuối, nhất là khi gặp trắc trở - đó là thực tế tinh thần của con người trong xã hội hiện đại. Khả năng chịu khổ, ý chí tự lập, tinh thần vượt khó là cái rất nhiều người trẻ bây giờ không bằng thế hệ cha anh trước. Ý thức về khuôn khổ xã hội và nghĩa vụ làm người, niềm vui trong sự giao cảm với cộng đồng, đóng góp cho xã hội là điều con người đương đại rất cần cùng với ý thức về sự hưởng thụ của cá nhân.
Tương quan giữa cá tính và bản lĩnh như trên có mối quan hệ biện chứng với vấn đề tự do và niềm tin ở con người. Khao khát tự do thì vô cùng chính đáng nhưng sử dụng tự do khi được sở hữu nó lại chẳng dễ chút nào. Khi trong khuôn khổ con người ta dễ cân bằng. Khi quá tự do con người ta lắm lúc lại mơ hồ, mông lung, lắm lúc lại dễ phá phách. Tự do lại rất nguy hiểm nếu con người ta không ý thức được chuẩn mực, không biết tin vào một cái gì. Con người thời phong kiến không được nhiều khoảng trống tự do nhưng mang ý thức về bổn phận và do thế thường biết sợ. Họ sợ không xứng với tiền nhân, với tổ tiên. Họ sợ trời đất, sợ ô danh, sợ người đời cười chê. Con người đương đại có sợ gì khi được thổi phồng cá nhân, khi tự mơn trớn trong ý nghĩ muốn là hiện đại thì phải tha hồ tự do thể hiện cá tính ? Không ít người trẻ tuổi đang sai lầm, ảo tưởng ở nhận thức này. Vì thế, khơi dậy và hướng năng lượng dồi dào của tuổi trẻ vào những hoạt động đúng đắn, có ích là một nhiệm vụ thường trực, vô cùng cấp thiết của mọi tổ chức xã hội, mọi nhà quản lí hiện nay. Giáo dục lí tưởng chính trị mà qua hô hào, tuyên truyền suông chỉ thêm phản tác dụng mà phải gắn với tổ chức những hoạt động thực tiễn thiết thực, bổ ích. Hơn lúc nào hết, con người đương đại, đặc biệt là giới trẻ, cần được đốt nóng tinh thần công dân, khát vọng cống hiến (mà muốn thế nhiều khi lại cần sự vô tư, nhiều khi lại cần mang chút “cảm hứng lãng mạn”). Hơn lúc nào hết, con người đương đại, đặc biết là giới trẻ, cần biết tìm niềm vui ở những hoạt động xã hội mang tinh thần nhân ái, nhân bản và cần biết “sợ” truyền thống, tổ tiên. Chúng tôi cho rằng thời nào cũng thế - con người cần phải biết sợ một cái gì tựa như dẫu là Tề Thiên Đại Thánh cũng bị cái vòng Kim cô trói buộc. Chính cái vòng ấy giữ cho con người ta đừng tự do quá trớn, đừng nhân danh cá nhân hay cá tính mà đạp chà lên tất cả. Phải chăng, hơn lúc nào hết, xã hội hiện đại lại rất cần tâm linh, cần sự ám ảnh của thuyết nhân quả. Đó là cái neo có vẻ vô hình mà vững chắc níu giữ nhân cách con người trong bối cảnh xã hội biến động khó lường, văn hóa pha tạp hiện nay.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhà văn hiện thực trào phúng xuất sắc Nguyễn Công Hoan thường phân biệt hai loại quan trong xã hội bấy giờ : “quan tắt” (quan tham) và quan thanh liêm. Quan sát, ngẫm nghĩ về cuộc sống, sự nghiệp, về sự được, mất của nhiều người mình được biết, tôi thấy rõ một điều : Kẻ xu thời, hãnh tiến thường không biết thẹn, không biết xấu hổ; người gốc gác Nho gia, gốc gác con nhà có học vẫn có gì đó về trí tuệ, về nhân cách, về đối nhân xử thế thật đáng kính trọng. Sức sống của cái cây cốt ở nơi cội rễ. Câu thơ “Những kẻ quê mùa đã thành trí thức” của Chế Lan Viên dường như hơi lãng mạn bay bổng nếu hiểu chữ trí thức thật đúng nghĩa của nó. Nói đúng hơn, câu thơ ấy chỉ đúng với số không nhiều. Con người đương đại cần học nhiều ở ông cha xưa, cần trở về thu hút tinh hoa của truyền thống để tiến tới tương lai. Cốt cách và lòng tự trọng, ý thức về bổn phận và niềm tin vào tâm linh là những điều bao giờ cũng cần nếu con người muốn thực sự là con người.
Hà Nội, 3/2013 – 11/2018
PGS.TS Lê Quang Hưng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội