Ths Hoàng Thị Hiền Lê - Khoa Việt Nam học
Hà Nội thời tiền Thăng Long với độ lùi rất xa về mặt thời gian có thể nói là nguồn cội cảm hứng của kho tàng truyện kể dân gian Việt Nam. Qua bao đời, đã có rất nhiều truyện kể dân gian viết về Hà Nội ở thời điểm lịch sử này nhằm đưa ra những cách lý giải về nguồn gốc, về quá trình hình thành phát triển của mảnh đất và con người nơi đây, và “Thánh Gióng” là một trong số những truyện kể tiêu biểu nhất về đề tài này. Cho đến nay lịch sử nghiên cứu văn học dân gian đã chứng minh có nhiều cách khác nhau để tiếp cận truyền thuyết này, một trong số những cách tiếp cận đó là việc vận dụng các lý thuyết loại hình học để giải mã tác phẩm.
Một đặc trưng rất nổi bật của tác phẩm văn học dân gian, không loại trừ thể loại truyền thuyết, đó là tính dị bản. “Thánh Gióng” là một trong những truyền thuyết có rất nhiều dị bản. Trong sách “Người anh hùng làng Gióng”, Cao Huy Đỉnh đã sưu tập rất nhiều những mẩu chuyện về Thánh Gióng trong đó được nhân dân một số địa phương vùng Bắc Ninh, Bắc Giang phát triển, thêm thắt, ghép vào một số tình tiết hoặc thần kỳ hoặc không, làm cho câu chuyện phong phú hơn.
Ngoài ra còn nhiều dị bản của truyện Thánh Gióng mang tính thần tích như: Thạnh tướng quân, Lân Hồ đô thống đại vương, Linh Lang đại vương, Người Nghệ An có truyện “Con ngựa đất” dường như cũng là một dị bản của truyện Thánh Gióng. Các dân tộc anh em cũng có những truyện có nhân vật anh hùng tương tự hoặc ít hoặc nhiều với Thánh Gióng. Ở bài viết này chúng tôi chọn văn bản được tuyển chọn trong Sách giáo khoa Văn 6 để làm đối tượng tìm hiểu.
Truyện kể rằng: vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng, có hai vợ chồng ông lão, tuy làm ăn chăm chỉ, lại có tiếng là phúc đức nhưng mãi không có con. Một hôm, bà vợ ra đồng ướm chân vào một vết chân lạ, về nhà bà thụ thai: Mười hai tháng sau bà sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Nhưng lạ thay tới ba năm sau, cậu bé vẫn chẳng biết nói, biết cười, cứ đặt đâu nằm đấy.
Bấy giờ, giặc Ân tràn vào bờ cõi nước ta. Thế giặc rất mạnh. Vua Hùng bèn sai người đi khắp nước rao cầu hiền tài giết giặc. Nghe tiếng rao, cậu bé bỗng cất tiếng nói xin được đi đánh giặc. Từ đấy cậu bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng chẳng no.
Tráng sĩ Gióng mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt rồi cầm roi sắt xông ra diệt giặc. Roi sắt gẫy, Gióng bèn nhổ cả những bụi tre bên đường để quét sạch giặc thù.
Giặc tan, Gióng một mình một ngựa lên đỉnh núi Sóc rồi bay thẳng về trời. Ở đó nhân dân lập đền thờ, hàng năm lại mở hội làng để tưởng nhớ. Ngày nay các ao hồ và những bụi tre ngà vàng óng đều là dấu ấn xưa về trận đánh và là nơi ông Gióng đã đi qua.
Truyện "Thánh Gióng" là tác phẩm lớn đầu tiên về đề tài giữ nước chống xâm lược, mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm phát triển khá liên tục, mạnh mẽ và có nhiều thành tựu xuất sắc của dân tộc Việt Nam.
Truyện này rất giàu yếu tố thần thoại, nhưng căn bản nó là một truyền thuyết. Chức năng chủ yếu của thể loại truyền thuyết là phản ánh nhận thức và lý giải lịch sử (bao gồm lịch sử quốc gia, dân tộc, bộ tộc, địa phương). Nhưng đi vào truyền thuyết dân gian, lịch sử đã được nhào nặn lại theo quan niệm và lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân. Truyền thuyết này gắn với một địa danh của Hà Nội ngày nay: đó là huyện Sóc Sơn - một huyện phía Bắc của Thành phố.
Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ loại hình học là một phương pháp khá phổ biến hiện nay trong ngành folklore học nói riêng ở Việt Nam và trên thế giới cũng như trong lĩnh vực nghiên cứu văn học nói riêng. Ở mức độ khái quát loại hình học trong khoa văn học dân gian được định nghĩa là “phương pháp nhận thức các hiện tượng và tác phẩm văn học dân gian thông qua việc khám phá các yếu tố cấu thành cũng như những quá trình, những mối liên hệ biện chứng giữa chúng trong sự vận động của thời gian và không gian”. Dựa vào từ gốc (type) phương pháp loại hình còn được định nghĩa là “phương pháp nhận thức khoa học dựa vào khái niệm “kiểu” hoặc “mẫu” để phân chia các đối tượng cũng như để nhóm họp chúng lại”. Từ đó có thể hình dung đến cách tìm hiểu tác phẩm văn học dân gian từ góc độ loại hình học thông qua các môtip.
Trong sách Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif, tác giả Nguyễn Tấn Đắc có đưa ra định nghĩa về motif: “Motip truyện kể đôi khi là những khái niệm rất đơn giản, thường gặp trong truyện kể truyền thống. Có thể đó là những tạo vật khác thường như thần tiên, phù thuỷ, rồng, yêu tinh, người mẹ ghẻ ác nghiệt, con vật biết nói…, có thể đó là những thế giới kỳ diệu hoặc ở những nơi mà ở đó ma thuật luôn luôn có hiệu lực, là tất cả các loại vật thiên có phép và những hiện tượng tự nhiên khác thường. Bản thân một motip cũng có thể là một mẫu kể ngắn và đơn giản, một sự việc đủ gây ấn tượng hay làm vui thích cho người nghe”. Có thể nói rằng thuật ngữ motif dùng để chỉ những yếu tố đơn giản nhất nhưng có ý nghĩa trong cấu tạo đề tài, cốt truyện của tác phẩm nghệ thuật. Motif là một sự khái quát nghệ thuật nguyên sơ, phản ánh những ấn tượng quan trọng nhất và có tính lặp lại mà con người tiếp nhận được trong quá trình quan sát, nhận thức cuộc sống. Trong truyện kể dân gian, motif được xem là công thức để triển khai cốt truyện hay còn được xem là yếu tố hợp thành cốt truyện. Chính vì thế motif được nhiều nhà nghiên cứu xem là đơn vị hạt nhân hình thành nên truyền thống tự sự trong văn học dân gian.
Thánh Gióng là một truyền thuyết nên kết cấu truyện cũng nằm trong mô hình kết cấu chung của thể loại truyền thuyết, gồm 3 phần:
+ Nguồn gốc xuất thân, sự ra đời kì lạ của nhân vật.
+ Hành trạng, chiến công hiển hách của nhân vật.
+ Những chiến công, sự hoá thân của nhân vật.
Có thể tìm thấy đầy đủ các yếu tố này thể hiện qua các motif trong truyền thuyết Thánh Gióng.
Thánh Gióng là nhân vật có sự ra đời và lớn lên vô cùng kỳ lạ. Bà mẹ hiếm muộn ướm chân vào vết chân lạ về mang thai và 12 tháng sau sinh ra cậu bé Gióng. Cậu bé 3 tuổi mà vẫn không biết nói, cười nhưng nghe tiếng sứ giả rao tìm người tài bỗng lớn nhanh như thổi, thành tráng sĩ và xin đi giết giặc. Trong nhóm truyện về motif sự ra đời kì lạ của nhân vật cũng có nhiều biến thể: Nhân vật sinh ra từ cây, nhân vật sinh ra do người mẹ kết hợp với một con vật lạ, nhân vật ra đời do thần linh đầu thai. Đây là những motif quen thuộc, có nguồn gốc từ những motif thần thoại. Nếu như ở thần thoại, môtíp dạng này phản ánh quan niệm của người xưa về nguồn gốc của con người, cho thấy những dấu hiệu tín ngưỡng vật tổ... thì ở thể loại truyền thuyết, motif này thể hiện những ý nghĩa nghệ thuật rõ rệt. Đó là việc motif này mang tính chất dự báo về cuộc đời của nhân vật, báo hiệu những chiến công, kì tích, hành trạng khác thường của nhân vật. Và đây chính là mô hình của nhân vật Thánh Gióng. Sự ra đời của Thánh Gióng là hình thức giao tiếp kì lạ giữa thần linh và con người, phản ánh nguồn gốc kì ảo của nhân vật. Chi tiết đó mang tính dự báo về sự lớn mạnh phi thường, sức mạnh vũ bão của Thánh Gióng chặng sau.
Chúng ta cũng bắt gặp trong “Thánh Gióng” mô típ về những chiến công hiển hách của nhân vật. Đặc điểm này chúng ta có thể bắt gặp trong nhiều truyền thuyết khác về những người anh hùng dân tộc lập nên những công lao vĩ đại như Hai Bà Trưng, Nùng Tử Cao… bảo vệ đất nước trước nạn xâm lăng, bảo vệ nhân dân trong cơn nguy khốn. Việc Gióng vươn vai lớn dậy khi nghe tiếng rao cầu hiền của sứ giả thể hiện tinh thần yêu nước - một truyền thống lớn lao của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh của Thánh Gióng nơi chiến trường cũng chính là sự lớn mạnh phi thường của dân tộc ta, là tinh thần quật khởi của tổ tiên ta được hun đúc, tôi luyện qua hàng nghìn năm lịch sử.
Cuối truyện Gióng cưới ngựa lên đỉnh núi Sóc, cởi áo giáp sắt, rồi cả người và ngựa bay về trời. Đây chính là motif hóa thân mà ta bắt gặp nhiều trong truyền thuyết. Trong ngôn ngữ dân gian “về trời” và chết nhưng nhân dân không để cho Gióng chết mà biến nhân vật thành bất tử. Gióng bay về trời, trở thành một trong những vị thánh bất tử (Một trong Tứ bất tử), được muôn đời thờ phụng. Như vậy, Gióng không chết mà sống mãi trong tâm thức dân gian. Hình tượng đẹp đẽ, lí tưởng và cao cả đó có sức giáo dục lan toả to lớn, giáo dục ý thức về lịch sử, ca ngợi một biểu tượng đẹp đẽ, động viên tinh thần đấu tranh của muôn thế hệ sau.
Môtip này xuất hiện nhiều trong các truyền thuyết như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Thánh Linh Lang… Sự hoá thân của nhân vật ở cuối truyện thể hiện rõ bản chất thiêng liêng của người anh hùng, họ sinh ra từ thiên nhiên và cuối cùng trở về với thiên nhiên. Thánh Gióng ra đời một cách kì lạ, đó là sự hoài thai của bà mẹ với cha thiên nhiên. Thánh Gióng sau khi hoàn thành nhiệm vụ với đất nước thì bay vút lên trời, hoà với thiên nhiên. Trong tâm tưởng của nhân dân, nhân vật anh hùng không chết, họ luôn bất tử để hiển linh âm phù cho đời sau.
Tìm hiểu truyền thuyết thông qua các motif là một hướng tiếp cận có tính khả thi cao trong việc nghiên cứu văn học dân gian hiện nay. Việc nghiên cứu một tác phẩm nào đó của văn học dân gian qua motif cũng có nghĩa là chúng ta không nhìn tác phẩm trong thế đơn lẻ mà nhìn nhận chúng trong một hệ thống, với sự liên thông và mối quan hệ gắn bó giữa tác phẩm này với tác phẩm khác. Cũng như thế, khi tìm hiểu “Thánh Gióng” từ hướng tiếp cận này người đọc không chỉ hiểu tác phẩm này mà còn có thể hình dung những quy luật chung trong nhiều tác phẩm dân gian khác thuộc cùng motif, chúng soi chiếu và làm bật lên giá trị của nhau. Và “Thánh Gióng” cũng như nhiều truyền thuyết khác viết về Hà Nội giúp người đọc ngày nay có thêm những hiểu biết về nguồn gốc, những dấu tích, những giá trị văn hóa, tinh thần ông cha để lại trên từng địa danh trên mảnh đất linh thiêng này./.