Chúng ta cần một nền du lịch bền vững - một nền du lịch tốt cho đất nước lúc này và còn bền vững dài lâu mai sau. Trong phần sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu phát triển du lịch bền vững là gì? Tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững? Việt Nam đang gặp những khó khăn gì trong việc tiếp cận mô hình phát triển du lịch bền vững? Và đâu là giải pháp cho những khó khăn này?
I. Khái niệm về du lịch bền vững
Du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường thiên nhiên và cộng đồng địa phương, và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn sinh thái mà du lịch phụ thuộc vào.
Ảnh: Du lịch Vĩnh Long
Mạng Lưới tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (United Nation World Tourism Organization Network - UNWTO) chỉ ra rằng du lịch bền vững cần phải:
1. Về môi trường: Sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường đóng vai trò chủ yếu trongphát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, và giúp duy trì di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên.
2. Về xã hội và văn hóa: Tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng và đang sống động, và đóng góp vào sự hiểu biết và chia sẻ liên văn hóa.
3. Về kinh tế: Bảo đảm sự hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế xã hội tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ một cách công bằng, bao gồm cả những nghề nghiệp và cơ hội thu lợi nhuận ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng địa phương, và đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo.
Khái niệm phát triển du lịch bền vững không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường mà còn tập trung vào việc duy trì những văn hóa của địa phương và đảm bảo việc phát triển kinh tế, mang lại lợi ích công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia.
II. Tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững?
Du lịch là một trong những công nghệ tạo nhiều lợi tức nhất cho đất nước. Du lich có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt các Mục Tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals) mà Liên Hơp Quốc đã đề ra từ năm 2000, đặc biệt là các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới tính, bền vững môi trường và liên doanh quốc tế để phát triển.
Chính vì vậy mà du lịch bền vững (sustainable tourism) là một phần quan trọng của phát triển bền vững (sustainable development) của Liên Hợp Quốc và của Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Phát triển du lịch bền vững là một chủ đề được thảo luận rất nhiều ở các hội nghị và diễn đàn lớn nhỏ trên toàn thế giới. Mục đích chính của phát triển bền vững là để 3 trụ cột của du lịch bền vững - Môi trường, Văn hóa xã hội và Kinh tế - được phát triển một cách đồng đều và hài hòa.
Những lí do đi sâu vào chi tiết để giải thích tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững thì có nhiều, nhưng có thể thấy rất rõ ở 3 yếu tố từ định nghĩa trên:
Thứ nhất: Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Vì bảo vệ môi trường sống không chỉ đơn giản là bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó, mà nhờ có việc bảo vệ môi trường sống mà con người được hưởng lợi từ đó: Không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Đảm bảo sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật trong vùng cũng là giúp cho môi trường sống của con người được đảm bảo.
Thứ hai: Phát triển du lịch bền vững còn giúp phát triển kinh tế, ví dụ, từ việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm.
Thứ ba: Phát triển du lịch bền vững còn đảm bảo các vấn đề về xã hội, như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ở một cái nhìn sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bào cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.
Với ba lí do được đề cập đến ở bên trên, ta có thể thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững trong chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Phát triển du lịch bền vững để có thể đạt được 3 yếu tố đó đòi hỏi rất nhiều công sức và sự làm việc nghiêm chỉnh trong lúc thực hiện, đặc biệt đối với một nước nền kinh tế còn nghèo và còn nhiều phụ thuộc như Việt Nam, cùng với việc phát triển dân số,hệ thống luật lệ chồng chéo, và hệ thống hành chánh còn nhiều yếu kếm. Nhưng đâu mới là nguyên nhân chính cho việc thực hiện phát triển du lịch bềnvững còn gặp nhiếu khó khăn? Đó là những khó khăn gì?
III. Tại sao việc thực hiện phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn, đó là những khó khăn gì?
Khó khăn thứ nhất có thể nhìn thấy rất rõ đó là Việt Nam chưa có một hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm có đường xá giao thông đi lại, với đủ các tiêu chuẩn an toàn và dễ tiếp cận cho khách du lịch để thực hiện việc di chuyển nhanh chóng, an toàn và thuận tiện.
Ví dụ: Vườn Quốc gia Tràm Chim ở Đồng Tháp là một trong những khu vườn có nhiều loài chim quý hiếm, như sếu đầu đỏ, có khu rừng tràm, có đồng lúa ma, đồng cỏ ống. Vườn Quốc Gia Tràm Chim được ví như một Đồng Tháp Mười thu hẹp với sự đa dạng cả về động thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, để vào được sâu bên trong khu vực và tìm hiểu về sự đa dạng về động thực vật ở vườn, hệ thống đi lại cùng với các tuyến xe bus trong ngày còn chưa thật thuận tiện. Nằm trong dự án về việc phát triển vườn trong những năm tới, vườn Tràm Chim dự tính sẽ có dự án gói kín từ sân bay Tân Sơn Nhất tới thẳng Tràm Chim nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch có thể tiếp cận được Tràm Chim một cách dễ dàng.
Tuy nhiên việc tiếp cận sâu bên trong vườn có thể gây ảnh hưởng đến một số loài chim di cư.
Khó khăn thứ hai là việc người dân khi ở những khu vực du lịch này thường xâm phạm đến các tài sản của khu vực du lịch mà không ý thức được hết ảnh hưởng lâu dài đến vấn đề môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho công động.
Cũng là vấn đề về việc người dân khai thác và sử dụng tài nguyên bên trong của vườn Tràm Chim, người dân trong vùng xâm lấn và đánh bắt cá bằng điện, hay đốt tổ ong lấy mật gây ra cháy rừng, đặc biệt trong mùa khô. Điều này cũng diễn ra tương tự với rừng U Minh Thượng gây trở ngại rất nhiều cho việc kiểm soát rừng một cách cẩn thận và gắt gao trong những mùa cao điểm.
Cuộc sống ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Nhưng đây có phải thực sự là những khó khăn lớn nhất trong việc phát triển du lịch bền vững ở những khu vực vườn quốc gia có nhiều đa dạng sinh học? Việc nâng cao nhận thức đối với người dân và cộng đồng đã được đề cập khá rõ trong tài liệu của tổ chức phi chính phủ như WWF, Care International, Ausaid hay GIZ với những chương trình có mục tiêu thậm chí lớn và cụ thể hơn. Đây cũng là những tổ chức phi chính phủ có nhiều hỗ trợ và đóng góp đối với các vườn quốc gia có sự đặc biệt về đa dạng sinh học trong khu vực đồng bằng sông Mekong.
Nhưng qua tìm hiểu và phỏng vấn của chúng tôi đối với bà con vườn quốc gia Cà Mau cho thấy, người dân hoàn toàn hiểu về điều không nên đánh bắt các loại thủy hải sản và đặc biệt những loài còn nhỏ và quý hiếm. Vấn đề rác thải và môi trường cũng được bà con đề cập tới, đó là để gọn lại từng nơi rồi xử lí. Đối với từng loài cây như cây đước, cây mắm, cây tràm, người dân địa phương đều thể hiện sự hiểu biết về giá trị sử dụng, cách chúng xâm lấn ra biền bằng nguồn phù sa do hệ thống kênh rạch mang đến.
Người dân có ý thức hơn là người ta nghĩ.
Vậy đâu là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến cho việc phát triển du lịch bền vững ở những khu vực này còn gặp nhiều khó khăn và thực hiện chậm chạp?
Trở lại định nghĩa du lịch bền vững của Mạng lưới tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, trong đó có nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, và đặc biệt là vai trò lãnh đạo chính trị.
Phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham dự hiểu biết của tất cả những nhóm được ảnh hưởng bởi du lịch, cũng như sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ để đảm bảo sự tham gia sâu rộng và xây dựng sự đồng thuận. Đạt được du lịch bền vững là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự giám sát không ngừng của những ảnh hưởng, giới thiệu những biện pháp phòng tránh và/ hoặc sửa chữa bất kì khi nào cần thiết.
Yếu tố lãnh đạo về chính trị dường như là một yếu tố còn khá nhạy cảm và khó đề cập ở đây. Một ví dụ điển hình là số lượng khách du lịch hàng năm đến Cà Mau rất lớn với đặc điểm nổi bật của vườn là có Cột mốc tọa độ ở cực Nam của Tổ quốc và vừa trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới. Số lượng vé bán hay cách khai thác về du lịch đem lại nguồn thu rất lớn được Sở Văn Hóa tỉnh Cà Mau nắm và quản lí.
Ngược lại, tài nguyên rừng nằm trong phạm vi quản lí của vườn quốc gia, vì vậy bất kì vấn đề gì liên quan đến rừng và tài nguyên, kiểm lâm hay các cán bộ vườn luôn phải chịu trách nhiệm.Ví dụ: việc người dân xâm nhập hay cây đổ.
Điều khiến cho việc quản lí này trở nên khó khăn là vườn và cán bộ vườn không nhận được sự hỗ trợ về vật chất của Sở Văn hóa tỉnh Cà Mau.
Sự bất hợp lí này cũng khiến cho việc cán bộ nhân viên và nhân dân gặp khó khăn trong việc xây dựng vườn trở thành một nơi giữ được vẻ đẹp đa dạng sinh học thu hút khách du lịch từ khắp mọi nơi.
Phát triển du lịch bền vũng là một chính sách lớn, dùng các khu bảo tồn và vườn quốc gia làm chủ lực và mọi nhóm người liên hệ - quản lý các khu bảo tồn và vườn quốc gia, các cơ quan hành chánh và an ninh địa phương, chính quyền trung ương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các công ty du lịch, các nhân viên làm việc du lịch, đại diện các cộng đồng nhân dân địa phương - tất cả mọi người liên hệ đều phải được huấn luyện và giáo dục kỹ càng, và phải làm việc đồng bộ với nhau.
Đồng thời du lịch bền vững có sức thu hút khách nước ngoài rất cao, vì họ muốn thăm những hệ sinh thái đặc biệt, những nền văn hóa đặc biệt, những động vật và thực vật quý hiếm đặc biệt. Cho nên khả năng liên kết với các cơ quan du lịch và công ty du lịch ở nước ngoài là điều tất yếu.
Chính vì vậy mà vai trò lãnh đạo chính trị mạnh mẽ của nhà nước không thể thiếu sót. Trong ví dụ điển hình của Đất Mũi, Cà Mau, tình trạng thiếu phát triển của vùng Đất Mũi cho thấy lãnh đạo Cà Mau (Ủy ban Nhân dân) và lãnh đạo các khu bảo tồn và vườn quốc gia cần làm việc chung để có một chính sách lớn về phát triển du lịch bền vững tại vùng Đất Mũi - dùng cột mốc tọa độ 0, Vườn Quốc Gia Tràm Chim, Rừng Ramsar, rừng trạm, U Minh Thượng, đồng lúa ma, đồng cỏ ống - và làm việc với mọi nhóm được ảnh hưởng từ du lịch bền vững, đặc biệt là các cộng đồng dân cư địa phương, và với chính quyền trung ương để kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng và các tiện nghi du lịch. Đất Mũi là vùng có rất nhiều tài nguyên sinh thái và cột mốc tọa độ 0 của nước Việt Nam. Tiềm năng du lịch bền vững thật là lớn nếu chúng ta biết khai thác.
IV. Kết luận
Tất cả các giải pháp về vấn đề phát triển bền vững, được trình bày ở RIO +20 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, thậm chí vấn đề phát triển du lịch bền vững cũng được đề cập khá rõ ràng trong chương trình Nghị Sự 21 từ năm 1997. Nhưng sau rất nhiều năm, tất cả đều còn chưa nhìn thấy một sự thay đổi rõ rệt. Điều này dấy lên một câu hỏi về quyết tâm của các lãnh đạo trung ương và địa phương trong việc phát triển du lịch bền vững.
Cho đến khi nào du lịch bền vững được thực hiện một cách sâu rộng và đạt hiệu quả cao nhất để tạo công ăn việc làm cho hơn 80 triệu người dân, giúp bảo vệ môi trường và tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của thế hệ tương lai Đó dường như là một câu hỏi còn đang cần lời giải đáp của rất nhiều người, đặc biệt của các bên liên quan và vai trò của các nhà lãnh đạo chính trị.
Đỗ Hồng Thuận
Ứng viên Đại sứ Du Lịch