Từ trước đến nay người ta vẫn thấy được thế mạnh của các điểm tôn giáo, tín ngưỡng trong kinh doanh du lịch. Các điểm này luôn tiêu biểu cho giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc nên có sức hấp dẫn tự nhiên đối với du khách từ nơi khác đến. Còn đối với người dân trong vùng, đó là nơi họ thường xuyên lui tới cho những ước vọng về đời sống tinh thần. Khi cuộc sống của con người ngày càng đề cao các giá trị tinh thần thì việc đi thăm viếng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng để thưởng ngoạn cảnh quan thanh bình, xa rời thế tục, tham gia vào các hoạt động tại đây như nghe giảng kinh pháp, tọa thiền, ăn chay, làm từ thiện … đang trở thành một xu hướng của cuộc sống hiện đại. Hoạt động “du lịch tâm linh” từ đó ra đời với ý nghĩa giúp du khách: “thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết” (Cựu tổng thống Ấn Độ, tiến sỹ A. P. J Abdul Kalam), hướng con người tới thiện tâm.
Tuy nhiên, cùng với sự tham gia của hoạt động du lịch là quá trình thương mại hóa các giá trị tâm linh, dẫn đến nhiều mâu thuẫn nội tại. Đó là mâu thuẫn giữa những người tham gia vào hoạt động tại các điểm tôn giáo, tín ngưỡng khi mục đích của họ không đồng nhất. Đó là mâu thuẫn về việc sử dụng và đáp ứng các dịch vụ cho du khách. Đó là mâu thuẫn về chi phí và đóng góp cho các công tác nảy sinh khi có hoạt động du lịch. Đây là những vấn đề tiêu biểu nhất mà khi xem xét khai thác bất cứ một điểm tôn giáo, tín ngưỡng nào phục vụ hoạt động du lịch cần quan tâm giải quyết.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng du lịch tâm linh rất lớn với hệ thống các đình, đền, chùa, miếu, quán, lăng … dọc theo chiều dài của đất nước, rộng cùng 54 dân tộc anh em và sâu trong bốn ngàn năm lịch sử. Các nhà kinh doanh du lịch cũng đang từng bước khám phá và khai thác các giá trị này với một số các công trình mới có quy mô như khu Bái Đính Tràng An (Ninh Bình), khu Đại Nam Quốc Tự (Bình Dương), công viên Tâm Linh (Đà Nẵng) … Để việc kinh doanh du lịch tại cả các công trình cũ và mới đi đúng hướng, bài viết đề cập đến một số vấn đề vướng mắc trên để các nhà quy hoạch, quản lý có được cái nhìn chiến lược trong từng bước phát triển loại hình du lịch này ở nước ta.
2. Nội dung:
1) Vấn đề mâu thuẫn giữa những con người tham gia vào hoạt động du lịch tại điểm tôn giáo, tín ngưỡng:
Mâu thuẫn này thường nảy sinh khi có sự trái ngược về mục đích và quyền lợi giữa những con người tham gia vào hoạt động du lịch các các điểm này.
Thứ nhất, mâu thuẫn không chỉ ở các điểm tôn giáo, tín ngưỡng mà như ở bất cứ điểm du lịch mới khai thác nào khác là giữa du khách và dân địa phương. Sự xuất hiện ồ ạt của những người từ nơi khác đến vào một thời điểm làm thay đổi bầu không khí và nhịp điệu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Sau đó họ cũng để lại những hệ quả mà địa phương không mong muốn như ô nhiễm môi trường từ xả thải, biến đổi tập quán và các giá trị văn hóa từ hành vi,… Hơn nữa, như một vấn đề tâm lý, việc chia sẻ đức tin, chia sẻ “thần hộ mệnh” của mình cho những đối tượng khác nhau khiến người dân bản địa không cảm thấy hài lòng trong việc tiếp đón du khách. Trong một số trường hợp, họ chỉ coi du khách như những người mang đến một phần lợi ích kinh tế cho họ trong việc kinh doanh một số các dịch vụ mà du khách cần tại điểm. Nếu các hoạt động này tự phát và với thái độ chủ quan của dân địa phương sẽ dẫn tới tình trạng “chèo kéo”, “chặt chém” du khách. Điều này làm cho hình ảnh địa phương trong con mắt khách du lịch càng trở nên tồi tệ hơn.
Để giải quyết vấn đề này, cần nhận định rõ vai trò của dân địa phương trong việc xây dựng văn hóa ứng xử tại điểm du lịch. Họ là người chủ duy nhất của các di sản trên địa bàn của họ, trong đó có các công trình tín ngưỡng tâm linh. Bởi vậy cần trao quyền làm chủ cho họ trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động kinh doanh du lịch theo các bước sau:
(i) Ý kiến và quan điểm của người dân địa phương cần được tham khảo trong ý tưởng quy hoạch du lịch ở bất cứ di sản nào. Đặc biệt nhạy cảm đối với các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, bởi nếu không có sự tham vấn ý kiến địa phương, đôi khi dự án vi phạm phải những điều cấm kỵ và mãi mãi không thể thực hiện được trong sự phản đối quyết liệt của toàn bộ dân trong vùng.
(ii) Người dân địa phương cần được tham gia vào từng lộ trình cũng như mọi hoạt động của dự án quy hoạch du lịch. Mọi cơ hội lao động từ dự án phải luôn ưu tiên người dân bản địa: từ quản lý, giám sát; hướng dẫn, thuyết minh đến những đơn vị cung cấp dịch vụ bán lẻ. Lợi nhuận thu được từ du lịch cũng cần có sự phân chia bình đẳng cho sự tham gia của chính quyền địa phương.
Để người dân địa phương thấy được vai trò, trách nhiệm và lợi ích của họ, song song với việc thực hiện dự án là mở các lớp giáo dục về kiến thức, đào tạo, huấn luyện về kỹ năng. Từng người dân phải thấy được họ có thể phát huy khả năng của họ trong lĩnh vực gì để đăng ký và qua sát hạch với ban quản lý dự án. Điều quan trọng nhất là từng người dân phải nhận thức được vốn tài sản tinh thần vô giá mà họ đang nắm giữ để trở thành người truyền bá, người dẫn dắt du khách tới chân giá trị của đức tin như mục đích họ mong muốn đến đây.
Thứ hai, một mâu thuẫn chỉ nảy sinh tại các điểm tôn giáo, tín ngưỡng là giữa các tín đồ và những du khách phi tôn giáo. Trước đây chùa là nơi dành cho các tín đồ Phật giáo ăn chay, niệm Phật. Đông đảo nhất là vào dịp lễ hội khi các con nhang, đệ tử thập phương hành hương về đây thể hiện sự thành tâm với đức Phật. Ngày nay, khi du lịch tâm linh phát triển, du khách đến đây không chỉ với mục đích thờ tự, đôi khi họ đến chỉ để tìm hiểu về kiến trúc, thưởng ngoạn phong cảnh, thỉnh kinh pháp hay ngồi thiền, ăn chay … như một sự trải nghiệm những điều mới lạ và dành khoảng thời gian tĩnh tại cho tâm hồn. Không đến với mục đích chính, đôi khi họ bị các tín đồ coi như những kẻ quấy rối, gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến bầu không khí thanh tịnh của thế giới tâm linh. Để giải quyết vấn đề này, ban quản lý dự án quy hoạch du lịch cần kêu gọi tinh thần tự nguyện tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch của các tín đồ, đặc biệt trong việc hướng dẫn, thuyết minh. Sự trải lòng mình với du khách cũng chính là con đường hiệu quả nhất giúp du khách giác ngộ các chân lý của đức tin mà họ theo đuổi. Mâu thuẫn sẽ trở nên nghiêm trọng với những du khách và tín đồ của những tôn giáo vốn đối lập và kỳ thị nhau hoặc lợi dụng tôn giáo cho mục đích chính trị. Tuy nhiên, cái thiện căn mà bất cứ tôn giáo nào cũng hướng đến thể hiện trong hành vi ứng xử của các tín đồ với du khách sẽ là biện pháp tốt nhất để hóa giải điều này.
Vấn đề mâu thuẫn giữa con người luôn khó phân định và giải quyết trong bất cứ lĩnh vực đời sống xã hội nào. Nhưng trong kinh doanh du lịch khi sức hấp dẫn được tạo ra bởi chính hành vi của con người tại nơi đón tiếp thì việc giải quyết được vấn đề này đã trở thành yếu tố cốt lõi để thu hút ngày càng đông du khách đến đây.
2) Vấn đề đáp ứng các dịch vụ du lịch tại điểm tôn giáo, tín ngưỡng:
Khách du lịch ngày nay đến các điểm tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ đơn thuần với mục đích thờ tự hay tìm hiểu một nét kiến trúc văn hóa, nghe kể về một huyền thoại gắn với di tích mà cần có sự trải nghiệm thực tế tại điểm. Để có được sự trải nghiệm này cần sự hỗ trợ của các dịch vụ bổ sung. Để sự hỗ trợ này trở nên chu đáo, bài bản và làm hài lòng du khách cần sự quy hoạch đồng bộ.
Đầu tiên và quan trọng nhất để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách là khu vực tiếp đón. Khu vực này bao gồm đầy đủ các dịch vụ như:
(i) đường vào rộng rãi, thuận tiện, có phân làn cho từng loại xe cơ giới, có biển chỉ dẫn rõ ràng, dễ hiểu
(ii) bãi đỗ xe đủ rộng với sự phân loại các phương tiện như ô tô lớn, nhỏ, xe máy,… đảm bảo an ninh
(iii) trung tâm thông tin tại cổng là nơi bán vé tham quan cũng như cung cấp tài liệu, thông tin, thuyết minh viên, phương tiện, phục trang và những yêu cầu phải tuân thủ tại điểm
(iv) lối vào được sắp xếp quy củ, trật tự sẽ làm tăng tính linh thiêng cho điểm tôn giáo. Một số nơi phân chia du khách thành 2 làn: một làn cho khách du lịch theo đoàn và một làn cho khách lẻ (đa phần là các tín đồ) sẽ hạn chế mâu thuẫn nảy sinh và tăng cường sự hợp tác giữa họ.
Trong khuôn viên của công trình, cần phân định rõ khu vực nguyên bản – khu vực tuyệt đối không có sự tham gia của các công trình xây mới, phục vụ cho việc bảo tồn – và khu vực dịch vụ du lịch. Tại các khu vực này, cần xây dựng các nhà chờ phục vụ đồ ăn, thức uống, nhà vệ sinh, quầy bán đồ lưu niệm, đặc sản địa phương. Ở một số điểm, các nhà cung ứng quy hoạch một khu vực ngoài trời hoặc xây dựng một hội trường lớn dành cho các sinh hoạt cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng, là nơi gặp mặt của các tín đồ với du khách, là điểm tổ chức các hoạt động tâm linh cho du khách như nghe giảng kinh pháp, tọa thiền hay học và thưởng thức các đồ ăn chay…
Các hoạt động này ngày nay đã trở thành các hoạt động chính trong các chương trình du lịch đến các điểm tín ngưỡng tâm linh. Phát sinh từ nhu cầu của du khách, không chỉ mong muốn khám phá các giá trị về môi trường tự nhiên và văn hóa nhân văn mà còn mong muốn chạm tới sự cảm hóa của đức tin thông qua các khóa tu, các bài thiền, công tác từ thiện với trẻ mồ côi, người tàn tật … Từ đó mà một số chương trình và loại hình du lịch đặc trưng ra đời như loại hình du lịch Thiền, chương trình các khóa tu mùa hè dành cho thanh thiếu niên hiện nay đã được triển khai ở Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Hoằng Pháp (Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Phước Long (Bình Định)…
Bên cạnh đó, để các sản phẩm du lịch khai thác các giá trị tín ngưỡng tâm linh thực sự mang lại hiệu quả cần sự quan tâm quy hoạch vùng đệm. Đó là khu vực xung quanh nơi cung cấp cơ sở lưu trú, nhà hàng, trạm trung chuyển phương tiện vận chuyển, cơ sở y tế, trạm xăng dầu, các cửa hàng và đại lý bán lẻ … Việc đáp ứng được đầy đủ các dịch vụ này cần sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từ chính quyền đến địa phương, từ nhà quản lý đến từng đơn vị kinh doanh du lịch.
3) Vấn đề chi phí cho công tác quản lý tại điểm tôn giáo, tín ngưỡng:
Hoạt động du lịch sẽ kéo theo các vấn đề phát sinh như sự xuống cấp của di tích, ô nhiễm môi trường bởi sự xả thải và tiếng ồn do du khách gây ra, sự phá hoại do sự thiếu ý thức của du khách như viết, vẽ bậy, sờ tay hay lấy trộm, ăn cắp di vật chỉ để làm một món đồ lưu niệm. Thậm chí việc du khách ăn mặc, ứng xử không đúng với phép tắc trong không gian linh thiêng của công trình tâm linh cũng được coi là một ảnh hưởng xấu tới cảnh quan của điểm. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là phải quản lý để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực do du lịch mang lại.
Trước tiên, cần sự nhận định rõ ràng về quan điểm. Đối với những xuống cấp do áp lực của tự nhiên như thời gian, biến đổi môi trường hay những áp lực có thể lường trước được do sự tăng lên của số lượng du khách cần một chiến lược quản lý dài hạn. Còn đối với những vấn đề có thể kiểm soát được như hành vi của du khách cần những biện pháp quản lý kịp thời.
Tuy nhiên tất cả các hoạt động quản lý này cần những chi phí không nhỏ. Thông thường lợi nhuận lớn thu được từ các dịch vụ trực tiếp tại điểm “chảy” vào “túi” của các nhà kinh doanh nhỏ lẻ thức thời. Chỉ một phần thuế họ chi trả là phục vụ cho các hoạt động chung của điểm và của địa phương. Còn các khoản thu khác từ vé tham quan hay sự quyên góp của du khách không đáng kể so với chi phí quản lý, đặc biệt là chi phí cho công tác bảo tồn và nâng cấp di tích định kỳ. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần xây dựng mối quan hệ đối tác giữa ban quản lý tài nguyên với các nhà cung ứng dịch vụ. Các nhà quản lý du lịch tại điểm cần được trao quyền tuyển chọn những nhà cung ứng dịch vụ cho mình theo hình thức đấu thầu mà đơn vị có kế hoạch đóng góp lợi ích cho việc bảo tồn được ưu tiên. Các nhà cung ứng dịch vụ cũng cần nhận thức rõ quan điểm phát triển bền vững. Đó là cần sự đầu tư lại cho việc phục hồi di sản và quản lý các hành vi phá hủy tài nguyên để duy trì sức hấp dẫn lâu dài cho điểm du lịch. Mối quan hệ này cần được xây dựng theo mô hình đầu vào – đầu ra trong sản xuất sản phẩm. Trong đó, đầu vào là các dịch vụ được cung cấp để thỏa mãn nhu cầu du khách. Tất cả được vận hành theo quy trình và nguyên tắc do bộ máy quản lý du lịch tại điểm đề ra để cho ra đời các sản phẩm du lịch hoàn hảo.
|
|
|
Lợi tức từ hoạt động du lịch tại điểm sẽ được bộ máy quản lý này phân phối bình đẳng cho các bên liên quan như đã thỏa thuận. Một phần được giữ lại đảm bảo cho hoạt động quản lý ở các hạng mục:
(i) chi phí lâu dài cho bảo tồn và khôi phục di sản
(ii) chi phí cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại điểm
(iii) chi phí cho các chiến dịch quảng bá lớn
(iv) các chi phí khác.
Bởi vậy để hoạt động du lịch tại điểm có hiệu quả, không phát sinh mâu thuẫn về quyền lợi giữa các bên tham gia cần một bộ máy quản lý có trách nhiệm và nắm vững quan điểm của phát triển bền vững:
(i) bảo vệ môi trường
(ii) khai thác tối ưu các giá trị kinh tế
(iii) phân chia bình đẳng với các bên liên quan.
3. Kết luận:
Đây là những vấn đề tiêu biểu nhất trong quá trình khai thác một điểm tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ kinh doanh du lịch. Để những điểm tôn giáo, tín ngưỡng không ngủ yên trong những giá trị mà lịch sử mang lại cho nó, cần trao cho nó một sức sống đương đại. Sức sống đó được mang lại bởi hoạt động du lịch. Nhưng để đảm bảo cho hoạt động du lịch diễn ra có hiệu quả, không làm tổn hại đến những gì mà quá khứ để lại, không khơi nguồn cho những mâu thuẫn xã hội, cần một tầm nhìn chiến lược trong công tác quản lý. Bài viết đưa ra một số hướng giải quyết cho những vấn đề cụ thể thường phát sinh tại điểm tôn giáo, tín ngưỡng có sự tham gia của hoạt động du lịch với mong muốn hoạt động du lịch tâm linh bước đầu nhen nhóm ở Việt Nam sẽ có một hướng đi đúng mục đích – con đường giúp con người tìm về với bản thể, vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Đây là xu hướng của du lịch hiện đại trên thế giới và nếu được quản lý đúng đắn ở Việt Nam nó sẽ mang đến những giá trị mới cho du lịch nước nhà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Peter Robinson, Sine Heitmann & Dr Peter Dieke (2011) - Research themes for tourism (Toàn cảnh nghiên cứu về du lịch) – CABI Publishing.
[2] Dallen J. Timothy & Daniel H. Olsen (2006) - Tourism, Religion and Spiritual Journeys (Du lịch và các chuyến đi tâm linh và tôn giáo) – Routledge Publishing.
Đặng Thị Phương Anh
(Bài đăng Tạp chí Văn hóa học (ISSN 1859 - 4859), Số 3, năm 2012)