
Xin Giáo sư cho biết cử nhân ngành Việt Nam học và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐHSP Hà Nội gì có điểm mạnh gì trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay?
Với lịch sử 20 năm phát triển, ngành Việt Nam học và ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những điểm mạnh nổi bật, đào tạo được các thế hệ sinh viên đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập của xã hội. Có thể chỉ ra một vài điểm đáng chú ý như sau:
Đối với cử nhân ngành Việt Nam học, các sinh viên được đào tạo theo định hướng liên ngành, phù hợp với nhu cầu quảng bá văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Đối với cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, chúng ta có thể thấy ngành Du lịch đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, tạo nhu cầu lớn về nhân lực chất lượng cao. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực, kĩ năng bước vào một môi trường lao động dồi dào, rộng mở.
Bên cạnh đó, các ngành đào tạo của Khoa có nền tảng phát triển từ đội ngũ và định hướng đào tạo lâu dài, bền vững: Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã quy tụ được một đội ngũ giảng viên tâm huyết, chuyên môn vững vàng, chú trọng gắn kết giữa lý thuyết với thực tiễn, phát triển kỹ năng mềm, tư duy phản biện và năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Tôi cho rằng đây là những yếu tố thiết yếu trong môi trường làm việc hiện đại, hội nhập.

Với tư cách trưởng khoa đào tạo, xin thầy cho biết điểm khác biệt ấn tượng trong chương trình đào tạo của Khoa Việt Nam học với những cơ sở đào tạo khác?
Là người đã gắn bó hơn 30 năm với Trường ĐHSP Hà Nội, từ một khoa thuần túy về sư phạm sang quản lý khoa Việt Nam học, tôi nhận thấy hai ngành đào tạo: Việt Nam học và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có những điểm khác biệt rõ nét và ấn tượng, tạo nên lợi thế cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực cao, thể hiện qua các phương diện dưới đây:
Một là, môi trường sư phạm chuyên biệt:
Đặt trong môi trường sư phạm, chương trình đào tạo có nhiều học phần có định hướng thiết kế bài giảng, phương pháp dạy học và nghiên cứu giáo dục, giúp sinh viên tự tin giảng dạy tiếng Việt, văn hoá Việt Nam trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều cử nhân ngành Việt Nam học là giáo viên, giảng viên cơ hữu trong các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hoặc giáo viên trong hệ thống trường trung học có chương trình Việt Nam học và Bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hai là, Khoa chú trọng nền tảng văn hoá vững chắc:
Kiến thức hàn lâm với định hướng liên ngành (lịch sử, văn hoá, xã hội, địa lý) kết hợp kĩ năng ứng dụng (viết kịch bản, thiết kế tour, tổ chức sự kiện, truyền thông số), tạo góc nhìn liên ngành và khả năng thực hành linh hoạt.
Ba là, môi trường liên văn hoá và hợp tác quốc tế sâu rộng:
Ngành Việt Nam học đã có 20 năm đào tạo sinh viên quốc tế. Các lớp học đa ngữ quy tụ sinh viên nước ngoài đến từ đa dạng các quốc gia, châu lục trên thế giới (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nam Phi, Mỹ…) cùng mạng lưới đối tác sâu rộng, cho phép giảng viên và sinh viên có cơ hội tham gia các dự án, trao đổi, thực tập trong và ngoài nước, bồi dưỡng giao tiếp xuyên văn hoá và tư duy toàn cầu.
Bốn là, cơ hội nghề nghiệp linh hoạt:
Cử nhân tốt nghiệp hai ngành Việt Nam học và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập của xã hội. Các em có cơ hội trở thành giảng viên, hướng dẫn viên, chuyên viên truyền thông, tổ chức sự kiện, quản lý lữ hành, nghiên cứu viên hoặc khởi nghiệp nhờ kiến thức liên ngành, kỹ năng mềm và những trải nghiệm thực tế.
