Ngày 20/1/2024, các học viên thạc sĩ ngành Việt Nam học khóa 32 và 33 đã tổ chức chuyến đi thực tế ý nghĩa tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa ở quê hương Kinh Bắc. Chuyến đi là một phần trong chương trình học tập chuyên đề Nhân học và văn hóa các tộc người ở Việt Nam do TS Nguyễn Thị Thu Hoài phụ trách. 12 học viên của lớp học “đa văn hóa” Việt Nam – Trung Quốc – Hàn Quốc dưới sự dẫn dắt, hướng dẫn của PGS.TS Phạm Quốc Sử, TS Nguyễn Thị Thu Hoài đã có điều kiện tìm hiểu về đời sống kinh tế, văn hoá truyền thống của người Việt tại chùa Phật Tích (thuộc huyện Tiên Du), Thành cổ Luy Lâu, làng nghề tranh dân gian Đông Hồ (thuộc huyện Thuận Thành) và làng nghề gốm Phù Lãng (thuộc huyện Quế Võ – Bắc Ninh).
Chuyến đi đã để lại những kỉ niệm đậm nét, khó phai mờ trong kí ức của các học viên cao học. Không giấu được những niềm vui, sự phấn khởi bởi được thu nạp nhiều kiến thức bổ ích, các học viên đã ghi lại những dòng cảm nhận đầy xúc động.
Học viên cao học K33 - Khổng Thị Phượng đã đưa ra nhận xét về vùng đất Kinh Bắc sau chuyến hành trình từ “hiện đại” về “truyền thống”: “Nền kinh tế mới với nhiều khu công nghiệp đã thay đổi bộ mặt đời sống của người dân nơi đây: nhà cửa hầu hết rất khang trang sạch sẽ, trường học rộng rãi tiện nghi, đường xá tấp nập. Tuy nhiên, ở những khu di tích lịch sử như chùa Phật Tích, thành cổ Luy Lâu, làng nghề Phù Lãng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.”
Với anh Seo – một học viên đến từ Hàn Quốc, chuyến đi thực tế không chỉ góp thêm một cách nhìn, cách lí giải về lịch sử trao đổi cùng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc mà còn là một “liều thuốc” chữa lành tâm hồn sau những ngày học tập và làm việc vất vả. Trở về với những nét đẹp cổ kính, mỗi học viên có cơ hội được thu nạp kiến thức về lịch sử, địa lí và văn hóa của vùng quê Kinh Bắc.
Các làng nghề truyền thống như làng nghề tranh dân gian Đông Hồ, làng nghề gốm Phù Lãng… với những sản phẩm thủ công đẹp mắt đã gây được ấn tượng tới các học viên cao học. Dưới sự dẫn dắt nhiệt tình của anh Nguyễn Văn Luyện - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Ninh, thầy và trò khoa Việt Nam học được chiêm ngưỡng những đôi bàn tay điêu luyện, khéo léo của những nghệ nhân. Tự Lan – học viên người Trung Quốc đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, cảm phục trước cách thức nghệ nhân tạo ra sản phẩm.
Ngay sau chuyến đi, các học viên gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban Chủ nhiệm khoa, PGS.TS Phạm Quốc Sử, TS Nguyễn Thị Thu Hoài cùng chính quyền địa phương tỉnh Bắc Ninh đã cùng đồng hành, tổ chức và tạo điều kiện để các học viên có cơ hội được gắn bó, tăng hiểu biết và thêm yêu quê hương, đất nước mình.
PGS. TS Phạm Quốc Sử, TS Nguyễn Thị Thu Hoài chụp ảnh cùng các học viên cao học tại làng gốm Phù Lãng
Các học viên thăm quan quy trình sản xuất gốm đầy vất vả của các nghệ nhân
Hành trình di sản của các học viên K32, K33 Khoa Việt Nam học diễn ra thành công, tốt đẹp
Phúc Hoài – Hồng Ánh