Vừa qua đoàn sinh viên K64 khoa Việt Nam Học cùng với 3 sinh viên Hàn Quốc và 18 sinh viên Trung Quốc đã hoàn thành chuyến thực tế miền Trung dài 5 ngày 4 đêm dưới sự hướng dẫn của trưởng đoàn Giảng viên Thạc sĩ Bùi Thị Thu Vân. Trở về sau chuyến đi dài, ai cũng mệt mỏi nhưng đọng lại trong tim mỗi con người trẻ tuổi ấy là niềm vui, là sự lưu luyến, nhớ thương mảnh đất miền Trung đầy nắng, gió và tình người.
Đà Nẵng – thành phố đáng sống nhất Việt Nam!
Nếu các khóa trên phải di chuyển bằng ô tô từ Hà Nội thì năm nay lần đầu tiên chúng tôi được bay vào Đà Nẵng. Toàn cảnh đêm của thành phố đáng sống này nhìn từ trên cao lung linh như những vì sao tỏa sáng trên bầu trời. Chúng tôi đặt chân đến Thành phố Đà Nẵng lúc 21h30 phút. Vì đi máy bay mất khoảng một tiếng đồng hồ nên ai cũng hào hứng và tràn đầy năng lượng. Chúng tôi nhanh chóng di chuyển về khách sạn Biển Ngọc để làm thủ tục nhận phòng và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cuộc hành trình đầy thú vị đang chờ đón.
Sáng ngày 11/4, chúng tôi chính thức bắt đầu chuyến thực tế được mong chờ nhất đời sinh viên. Điểm dừng chân đầu tiên là Chùa Linh Ứng – bán đảo Sơn Trà. Chùa nằm trên đỉnh núi thuộc Bãi Bụt, được xem là cõi Phật giữa chốn nhân gian. Mặt chùa hướng ra biển Đông, một bên là đảo Cù lao Chàm, phía bên kia là ngọn Hải Vân, phía còn lại là dòng sông Hàn yên ả đang đổ về cửa biển. Đến đây, chúng tôi không chỉ được hòa mình vào cõi tâm linh đầy linh thiêng, thanh tịnh mà còn đắm chìm vào không gian biển trời, non nước đầy thơ mộng và kì vĩ. Tập thể lớp đã chụp những bức ảnh đẹp nhất nơi cửa chùa để lưu lại kỉ niệm ở nơi đây.
Chùa Linh Ứng - bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)
Sau đó, chúng tôi nhanh chóng ra xe di chuyển về bảo tàng Đà Nẵng. Bảo tàng thành phố được đặt trong tòa nhà 3 tầng rộng rãi khang trang. Mặc dù tiết trời nắng nóng lên đến 39 độ C nhưng đoàn chúng tôi vẫn chăm chú theo chân chị thuyết minh viên tại bảo tàng để tìm hiểu về văn hóa các dân tộc miền núi, nền văn hóa Sa Huỳnh còn lại ở Đà Nẵng, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chàm phát hiện sau năm 1975. Cùng với đó là những giây phút lắng đọng, nghẹn ngào khi nghe thuyết minh về những di tích, hậu quả chiến tranh và những anh hùng liệt sĩ dùng cảm hi sinh trong kháng thời kháng chiến chống Mỹ của thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Sau khi trở về nhà hàng thưởng thức đặc sản Đà Nẵng với các món hải sản và nghỉ ngơi 4 tiếng tại khách sạn, chúng tôi lại hào hứng và tràn đầy năng lượng tiếp tục cuộc hành trình tiến về Hội An – thành phố cổ được UNESCO công nhân là Di sản Văn hóa thế giới năm 1999. Theo chân chị hướng dẫn viên tại điểm, chúng tôi được tìm hiểu về lịch sử và kiến trúc của Hội quán Quảng Đông, nhà cổ, chùa Cầu (chùa Nhật Bản). Ngoài ra chúng tôi còn có một khoảng tời gian rất lâu để tự tham quan, khám phá các di tích lịch sử khác, chợ đêm Hội An và đặc biệt là thưởng thức đặc sản nơi đây với mì Quảng, cao lầu, chè bắp, mực dim me…
Xứ Huế mộng mơ…
Ngày 12/04, chúng tôi thức dậy sớm và tiếp tục cuộc hành trình đến với Thừa Thiên Huế. 9h sáng, đoàn xe khoa Việt Nam học trường đại học sư phạm Hà Nội đặt chân đến lăng Khải Định hay còn gọi là Ứng lăng. Lăng được xây dựng từ năm 1920 đến 1931, trên đỉnh núi Châu Ê, cách Huế 10km. Nếu các lăng khác được dựng trên một vùng núi non trập trùng, diện tích hàng trăm héc ta thì lăng Khải Định như một tòa lâu đài đồ sộ xây bên triền núi. Chúng tôi đã vô cùng choáng ngợp trong không gian lăng tẩm vô cùng hiện đại, đẹp và tinh xảo của vị vua đời thứ 12 của vương triều Nguyễn. Tiếp đó, chúng tôi lên xe di chuyển về chùa Thiên Mụ - một trong những kiến trúc tôn giáo cổ nhất và đẹp nhất ở Huế. Mặt tiền của chùa hướng về sông Hương – nàng thơ của xứ Huế. Thông qua việc tìm hiểu và lắng nghe thuyết minh viên Nguyễn Thị Thanh Hà – thành viên K64 – khoa Việt Nam học chúng tôi biết thêm rất nhiều điều về lịch sử và kiến trúc ngôi chùa cổ này.
Sau khi dùng bữa trưa và nghỉ ngơi tại khách sạn Hồng Thăng, 15h chiều chúng tôi lại lên xe di chuyển về Đại nội Kinh thành Huế để tham quan, tìm hiểu về Kinh thành Huế, Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Thế Miếu, Cửu Đỉnh, Hiển Lâm Các. Vẻ đẹp cổ kính, uy nghi của các công trình kiến trúc cổ nơi đây làm say đắm lòng người. Người ta thường nói “đến Huế mà chưa ướt tóc thì chưa phải đến Huế”. Quả thật về chiều, Huế nũng nịu giữ chân du khách bằng những cơn mưa phùn nhè nhẹ, lành lạnh làm xao xuyến lòng người. Ở đây, chúng tôi còn có dịp chụp rất nhiều tấm ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc tươi đẹp của thời sinh viên.
Thế Miếu - đại nội kinh thành Huế
Tối 12/04 có lẽ là buổi tối khó quên nhất trong lòng mỗi chúng tôi! Bằng sự đoàn kết gắn bó, tập thể lớp K64 cùng với các bạn sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc đã tổ chức thành công đêm gala – bữa tiệc âm nhạc hoành tráng và đáng nhớ nhất thời sinh viên. Nếu các bạn nam sinh điển trai của xứ sở Kim Chi mở màn với ca khúc “Stand by me” đốn tim bao bạn nữ, các bạn Trung Quốc khuấy động sân khấu với “vũ điệu rừng xanh” thì các bạn chủ nhà lại thơ mộng, nhẹ nhàng với làn điệu xứ Huế. Ngoài ra không thể không nhắc đến sự góp mặt của một giọng ca vô cùng đặc biệt – giảng viên Mai Thị Hạnh với “Huế thương” nhẹ nhàng mà duyên dáng. Để buổi gala thêm phần hứng thú, các bạn còn tổ chức trò chơi bốc thăm trúng thưởng. Giải thưởng thật giản dị, quen thuộc mà ý nghĩa biết bao! Đêm gala đã gắn kết tất cả chúng tôi lại với nhau, mọi khoảng cách dường như bị xóa nhòa và chúng tôi là anh em một nhà – anh em dưới mái nhà chung Việt Nam học.
Quảng Trị - Quảng Bình: những cảm xúc khó quên
Sáng sớm 13/4 chúng tối tiếp tục hướng thẳng xe về Quảng trị - Quảng Bình. Quảng Trị đón chào đoàn sinh viên thực tập chúng tôi bằng cơm mưa phùn nhè nhẹ, gió se se lạnh tưởng chừng như đang đứng giữa lòng Hà Nội. Ở đây chúng tôi được tham quan thánh địa Lavang của Giáo hội Công Giáo Việt Nam thông qua thuyết minh viên Trịnh Gia Thoan – thành viên lớp B – K64 Việt Nam học. Có lẽ nơi mỗi thành viên dạt dào cảm xúc nhất là “địa chỉ đỏ” Thành cổ Quảng Trị. Nơi đây đúng 45 năm về trước từng diễn ra cuộc chiến tranh nảy lửa giữa quân đội Việt Nam dân chủ cộng hòa và chính quyền Mỹ - Ngụy suốt 81 ngày đêm. Trên một diện tích với chu vi chưa đầy 3km, thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu một lượng bom đạn với sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945. Nằm sâu dưới lớp đất kia là biết bao hài cốt các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Khi lắng nghe những lời nói đầy truyền cảm của chị thuyết minh viên, không gian như dừng lại, yên tĩnh đến kì lạ, nhiều bạn đã không dấu nổi sự xúc động mà nấc lên, những giọt nước mắt nóng hổi cứ thể lăn dài trên má từ lúc nào mà không hay. Lời nói cứ khứa sâu vào tim can mỗi chúng tôi như nhắc nhở, thôi thúc thế hệ trẻ cần phải cố gắng học tập để dựng xây đất nước, xứng đáng với xương máu của hàng nghìn chiến sĩ Giải phóng miền Nam năm nào.
Dâng hương tại thành cổ Quảng Trị
Đầu giờ chiều, chúng tôi đã có mặt tại Phong Nha – Kẻ Bàng để tiếp tục cuộc hành trình khám phá hang động. Đây là 1 trong 5 Di sản Thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2003. Tổng diện tích di sản này lên đến 85.754 ha. Đây là một phần của khu vực núi đá vôi cổ nhất Châu Á, được tạo lập từ hơn 400 triệu năm trước. Đoàn chúng tôi chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm 12 người để lên thuyền khám phá các khối nhũ đá bên trong hang động. Ngoài việc học hỏi được kiến thức, chúng tôi không quên chụp rất nhiều bức ảnh làm kỉ niệm.
Quãng đường di chuyển từ Quảng Bình về Thừa Thiên Huế khá xa, chính vì vậy thành viên trong nhóm du lịch và anh hướng dẫn đã cố gắng tổ chứ các trò chơi trên xe để khuấy động không khí, xóa tan những mệt mỏi và đặc biệt là để gắn kết các thành viên trong lớp. Vì vậy quãng đường như được rút ngắn, đồng thời đây cũng là khoảng thời gian có một không hai trong suốt hành trình thực tế của thời sinh viên chúng tôi.
Trở về thủ đô Hà Nội và những cảm xúc khó quên
Trưa 14/04, chúng tôi tạm biệt nàng thơ xứ Huế trở về với Đà Nẵng để chuẩn bị cho chuyến bay về Hà Nội. Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc kết thúc, 22h30 máy bay cất cánh từ sân bay Đà Nẵng về Hà Nội. Không ai nói ra, nhưng chắc chắn rằng trong lòng mỗi người đều đầy sự luyến tiếc. Chuyến đi không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành bổ ích, hiểu rõ các nghiệp vụ thức tế, mà còn học hỏi được những kĩ năng giao tiếp, những kinh nghiệm quý báu của các anh chị hướng dẫn viên theo xe và hướng dẫn viên tại điểm. Dẫu biết rằng sau này có thể mỗi chúng tôi còn rất nhiều cơ hội để trở lại những địa điểm đó, nhưng đây sẽ là chuyến đi duy nhất và cũng là cuối cùng trong đời sinh viên của mỗi thành viên K64. Đếm sao hết những kỉ niệm còn đọng lại trong tim mỗi người! Qua đó chúng tôi càng cảm thấy yêu khoa mình hơn, yêu chuyên ngành Việt Nam học mình hơn, yêu nghề mình hơn.
Để đạt được những thành công này chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các thầy cô trong khoa, đặc biệt là cô Bùi Thị Thu Vân – chủ nhiệm kiêm trưởng đoàn, cô Mai Thị Hạnh, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, cô Thu Nguyên đã không quản ngại đường xá xa xôi đồng hành cùng chúng tôi, chỉ bảo, hướng dẫn chúng tôi trong suốt hành trình. Hi vọng rằng các thầy cô sẽ luôn luôn có sức khỏe, sức trẻ để tiếp tục đồng hành cùng nhiều hơn nữa các thế hệ sau, để các em cũng có cơ hội được học tập và trải nghiệm thực tế, có nhiều cơ hội nâng cao kiến thức, kĩ năng. Và đặc biệt có thêm thật nhiều kỉ niệm đẹp bên bạn bè, thầy cô.
Một số hình ảnh trong chuyến đi thực tế
Trần Thu Hồng – K64A Việt Nam học