Cuộc sống như một chặng hành trình trải dài bất tận luôn chờ đợi những dấu chân con người hằn in qua những chuyến đi. Tuổi trẻ - quãng thời gian thanh xuân tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta với biết bao đam mê, hoài bão, nhiệt huyết và liều lĩnh để biến những thứ “không thể” thành “có thể”… Hãy can đảm xách ba-lô lên và đi để tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống một cách trọn vẹn trong những năm tháng thanh xuân rực rỡ ! Và K66 chúng tôi đã cùng nhau bắt đầu chuyến đi thực tế đầu tiên trong quãng đời sinh viên trong tinh thần ấy…
Ba ngày lên bản xứ Thanh – chuyến đi thực tế năm nhất của sinh viên K66 khoa Việt Nam học trường Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra từ ngày 14/3 đến ngày 16/3/2017. Chuyến đi có sự sắp xếp, chuẩn bị, quan tâm của các thầy cô trong trường, trong khoa và đặc biệt là sự đồng hành, chăm sóc chu đáo của cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Nguyên và thầy Hà Đăng Việt. Về với vùng đất Thường Xuân, Thanh Hóa, nhận được sự tiếp đón nồng hậu và nhiệt tình của những người dân Thái đen, những kỉ niệm đẹp đẽ và trải nghiệm có 1-0-2 ở nơi đây sẽ mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí của những sinh viên K66 chúng tôi.
Xe chúng tôi xuất phát vào lúc 6 giờ 30’ tại cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hai chiếc xe ô tô bon bon tiến về phía trước như hồ hởi theo tiếng gọi mời của làng bản xứ Thanh cùng sự háo hức, mong chờ đầy phấn khởi của lũ trẻ lần đầu được đi thực tế cùng nhau. Không khí trên xe vui vẻ xôn xao khi mọi người vừa hào hứng tổ chức trò chơi vừa tưng bừng hát hò suốt gần 5 tiếng dọc đường, tạm quên đường xa và nhiệm vụ đang chờ đón.
Điểm dừng chân của ngày đầu tiên trong chuyến thực tế của chúng tôi là thôn Tiến Sơn (hay còn gọi là Làng Đòn), xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, thôn lớn nhất của xã, cư dân ở đây 100% là người Thái đen. Hai chiếc xe lớn phải dừng lại ở đường cái và chúng tôi cùng nhau đi bộ vào làng. Cuốc bộ trên con đường đất dài hơn 2km quanh co, gồ ghề, lấm lem cát bùn vì mưa phùn cùng đống hành lí đồ đạc lỉnh kỉnh, chân tay chúng tôi mỏi nhừ rã rời. Dù mệt vì đi bộ đường dài nhưng các thanh niên vẫn vô cùng thích thú khi lội qua suối. Cảm nhận làn nước mát lạnh nhè nhẹ luồn qua kẽ ngón chân, mơn man da thịt hai bàn chân sung sướng đến mức không buồn nhấc chân ra khỏi suối. Lần lượt hơn sáu mươi sinh viên K66 được phân bố đều về với các gia đình người Thái. Những nếp nhà sàn men theo triền núi, khói chiều len tỏa không gian, người đi làm đồng, đi chăn trâu, chăn vịt trở về bản bỡ ngỡ trước một đoàn khách phương xa, nhưng ngay lập tức, sự bỡ ngỡ ấy được chuyển thành những nụ cười rạng rỡ, bằng tấm lòng cởi mở, hiếu khách.
Chúng tôi chủ động làm quen, trò chuyện với những người dân nơi đây và hiểu thêm bao nét độc đáo, đặc sắc về truyền thống văn hóa của người Thái đen. Chúng tôi cùng nhau rong ruổi trên những nẻo đường quê, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những khung cảnh núi rừng hoang sơ, sông nước hữu tình. Vẻ đẹp giản dị mà hùng vĩ của thiên nhiên xứ Thanh khiến bọn trẻ chúng tôi “check-in” nháy máy liền tay ! Trở về với cuộc sống sinh hoạt đời thường cùng đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn sinh viên K66 là các thanh niên vốn thân thuộc với cuộc sống “phồn hoa đô thị” nên tất thảy ai cũng có cảm giác bỡ ngỡ, không quen ! Mới ngày đầu tiên về bản thôi mà cứ tưởng như lạc trôi tới tận … “hành tinh khác”! Bữa tối thịnh soạn tại nhà trưởng bản với những món ăn đặc sản lần đầu tiên trong đời được nếm thử gồm có lam pho, thịt lợn, xôi ba màu, măng xào lòng lợn, canh đu đủ non và rượu gạo. Để đón tiếp chúng tôi, làng đã mổ lợn, và tất cả được chế biến theo kiểu người Thái, bày biện theo kiểu người Thái và thưởng thức cùng với người Thái. Chúng tôi được hòa mình vào không khí bản làng, được tận tay, tận mắt tham gia vào những công việc bình thường mà khách “không được” làm. Thực tế hóa ra bắt đầu từ những điều đơn giản như thế đấy!
Món ăn độc đáo nhất phải kể đến có tên gọi là lam pho. Lam pho được làm từ cá suối, bột gạo nếp, củ chuối và hạt tiêu rừng gói trong lá dong buộc lạt hấp cách thủy trong vòng hai tiếng. Thịt lợn được chế biến khác lạ khi thịt được cuốn trong lá bưởi già nướng trên bếp lửa vì vậy khi ăn vừa thưởng thức vị ngon của thịt vừa cảm nhận mùi thơm của lá bưởi. Món xôi ba màu được các cô bác, chị em người Thái và các bạn nữ cùng nhau thổi xôi rồi đơm ra đĩa, bày biện đẹp mắt, mỗi đĩa xôi có đầy đủ ba màu : trắng, tím, đỏ ; trong đó xôi tím và đỏ được tạo màu từ hai loại lá cẩm đặc trưng của nơi đây. Món khó ăn nhất với chúng tôi có lẽ là măng đắng xào lòng lợn (để hiểu được tại sao măng đắng lại là đặc sản của núi rừng, lại là món ăn đặc biệt để tiếp khách, lũ trẻ chúng tôi có lẽ cần được nếm trải ít nhiều cuộc sống thêm nữa!), tiếp sau đó là canh đu đủ non ninh xương có vị ngai ngái. Đặc biệt, chúng tôi được uống thử rượu gạo của người Thái, một hớp nóng ran cổ họng thôi cũng đủ để thấy hương vị nồng nàn và kỹ thuật cất rượu của người bản địa. Người Thái thể hiện sự nhiệt tình, hiếu khách bằng việc mời rượu và tiếp rượu, những ly rượu cạn rồi lại đầy, không say không dừng… Nhân dịp này mới biết tửu lượng của cô Nguyên, thầy Việt và mấy thanh niên lớp mình thật … không phải dạng vừa đâu ! Đêm hôm đi ngủ, muỗi bay vo ve trước mặt như “tập trận”, nếu không dùng kem chống muỗi Soffell chắc không “qua khỏi”; ong rụng cánh bò dưới sàn “tấn công” chiu chíu đến tận một tuần sau vẫn còn thấy đau (nhưng người Thái bảo chúng tôi, mỗi năm cần được 2 con ong mật đốt như một dạng “vắc-xin” cho các vết cắn của côn trùng) ; tiếng ngỗng kêu quạp quạp inh tai như “khẩu chiến” rồi âm thanh chọc sàn lộc cộc của trai bản đi “cua gái” đêm khuya trước kia chỉ nghe thầy Bảo kể nhưng giờ chính thức được trải nghiệm… Thật là một đêm dữ dội!
Buổi sáng ngày thứ hai thức dậy trên bản Đòn, hít vào lồng ngực bầu không khí trong lành, cảm nhận sự bình yên đối lập hẳn với những khói bụi, những ồn ào ở Hà Nội. Chia tay những người dân bản Đòn, chúng tôi sang bên làng Mạ. Đi qua cây cầu treo trọng tải 500kg đang đưa vào thử nghiệm như đang thể nghiệm cảm giác mạnh. Vừa cảm nhận sự đong đưa, lắc lư của cây cầu vừa nhìn ngắm cảnh sông nước hữu tình, núi rừng hoang sơ, đồng lúa xanh mướt, chúng tôi tưởng như đang… bay trên khinh khí cầu ! Do trọng tải cầu có hạn, mỗi lần qua cầu chỉ được khoảng 7-10 người nên chúng tôi lần lượt xếp hàng. Ấy vậy mà các thanh niên vẫn thong thả vừa đi vừa “selfie” tạo dáng các kiểu “so deep” mà không hề “care” người đứng đợi mòn mỏi đến dài cổ để được qua cầu ! Khung cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn vẹn nguyên nét hoang sơ, hùng vĩ của làng bản xứ Thanh mà bình dị, mộc mạc mang theo hơi thở nhịp sống lao động của người dân Thái đen. Dưới làn mưa phùn lấm tấm, chúng tôi đứa nào cũng tí tởn tham quan, khám phá và không quên chọn những “view” đẹp để chụp ảnh. Sống cuộc sống sinh hoạt cùng người dân làng Mạ, các thanh niên vốn thân thuộc với cuộc sống Hà thành đã có chút hòa nhập hơn so với ngày hôm qua. Bữa tiệc tối linh đình với một loạt các đặc sản và rượu gạo địa phương. Hình như, mỗi bữa ăn đều kết tinh tất cả các sản vật của từng góc núi, góc rừng ở đây, cá ở suối, rau, măng ở rừng, thịt ở trong bản, củi lửa cũng được mang từ rừng từ núi về. Sự tỉ mỉ trong việc chuẩn bị đồ ăn, sự nhịp nhàng trong việc phối hợp nấu nướng, không khí bếp lửa, nhà sàn… tất cả những điều ấy có lẽ khó tìm được ở một nơi nào khác.
Sau bữa tối, chương trình giao lưu văn nghệ diễn ra vô cùng náo nhiệt, tưng bừng, hứng khởi. Giọng ca ngọt ngào của K66 Vi Hiền song ca “Thơ tình của núi” cùng anh chàng người Thái mở đầu chương trình, Mai Linh – Diệu Hoa mang đến sự tươi trẻ với “Tình yêu màu nắng”, Lý Ly ngân nga bài hát “Cô giáo về bản”, Linh Chi khuấy động bầu không khí khi nhảy cover đầy ấn tượng trên nền nhạc mash-up,… Những chàng trai người Thái ai cũng đẹp như “soái ca”, không những uống rượu “máu” mà còn hát hay, đàn giỏi, nhảy đẹp. Lúc ôm ghi-ta say sưa hát “Nồng nàn Hà Nội”, khi hào hứng quẩy hit Sơn Tùng “Em của ngày hôm qua”. Thế nhưng, những tiết mục sôi nổi, hiện đại ấy chỉ để làm nổi bật cho những trải nghiệm nghệ thuật đặc trưng của người Thái trở nên sâu sắc. Chúng tôi ngồi lặng đi nghe một cụ bà hát khắp Thái cùng thanh âm của tiếng tiêu da diết chào đón các sinh viên K66 khoa Việt Nam học. Chúng tôi còn được thưởng thức những giai điệu của tiếng cồng và tiếng khua luống thể hiện sự vui mừng, niềm nở, hân hoan của người dân nơi đây khi tiếp đón những vị khách đến với bản. Ấn tượng nhất trong tối giao lưu văn nghệ chính là màn nhảy sạp đặc sắc của nam thanh nữ tú người Thái. Những đôi nam nữ tay trong tay, trao nhau ánh mắt tình tứ biểu diễn những điệu nhảy truyền thống vô cùng độc đáo và đẹp mắt. Những nữ sinh dễ thương của K66 hào hứng nhập cuộc khi được những chàng trai người Thái nhiệt tình cầm tay hướng dẫn từng bước nhảy từ dễ đến khó. Các nam thanh niên K66 tình nguyện đứng phía “hậu trường”, người thì tích cực lia máy làm phó nháy, người lại nhanh tay cầm smartphone lên livestream. Một vài nam thanh niên “quá chén” có lẽ ngủ không biết trăng sao gì từ lúc nào chẳng hay! Trời mưa phùn dai dẳng nhưng chúng tôi ai cũng quậy tưng bừng. Tan tiệc trở về với nhà sàn đơn sơ, lũ chúng bạn “đầu sát bên đầu”, “đêm rét chung chăn” ôm nhau co quắp ngủ. Vậy là kết thúc một ngày với biết bao niềm vui…
Đến ngày thứ ba, bình minh trên bản Mạ bao phủ một màn “sương khói mờ nhân ảnh”. Chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình của mình, dọn dẹp hành lí đi tham quan hồ Cửa Đạt và khu di tích lịch sử Lam Kinh. Hồ Cửa Đạt thuộc xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Điểm nhấn nổi bật nhất của nơi này chính là hồ thủy điện Cửa Đạt – công trình thủy điện đồ sộ và hiện đại của Việt Nam, được xây dựng trên lưu vực sông Chu. Chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự rộng lớn mênh mông, nguy nga tráng lệ của công trình đó. Giữa khung cảnh rừng núi ngát xanh, mây trắng lững lờ trôi trên đỉnh đồi, mặt hồ hiện ra “long lanh đáy nước in trời” mang vẻ đẹp trầm mặc, nên thơ, say đắm lòng người. Do thời gian giới hạn chỉ có hơn 30 phút nên chúng tôi không thể tham quan và khám phá toàn bộ thắng cảnh nức tiếng xứ Thanh này. Chúng tôi lên xe và tiếp tục di chuyển tới Lam Kinh. Đây là quê hương và cũng là nơi an nghỉ của người anh hùng Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu thời Hậu Lê. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, khu di tích được tu bổ, tái tạo như ngày nay. Đến đây, chúng tôi tham quan theo lời giới thiệu và sự chỉ dẫn của chị thuyết trình viên thân thiện. Từng lời nói, cử chỉ, ánh mắt trong cách kể chuyện, dẫn dắt đoàn của chị hết sức tự nhiên, duyên dáng, thu hút. Chúng tôi học hỏi được từ một người dày dặn kinh nghiệm như chị nhiều kỹ năng cần thiết phục vụ công việc sau này. Chúng tôi được nghe kể về những loài cây trăm tuổi trong khuôn viên Lam Kinh qua những tích chuyện huyền bí: chuyện tình cây Đa Thị, cây lim hiến thân, cây ổi “cười” bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Thật thú vị khi chúng tôi được tự mình xoa đầu ngón tay vào thân cây ổi và thấy hiện tượng những chiếc lá rung lên như đang “cười” ! Còn khi nắm tay lên thân cây, nhắm mắt lại tĩnh tâm sẽ cảm nhận được một dòng năng lượng tạo cảm giác lâng lâng lạ thường. Điểm dừng chân cuối cùng ở Lam Kinh là bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn về gia tộc, thân thế, sự nghiệp, công lao của Lê Lợi do Nguyễn Trãi biên soạn. Mặt trời đã lên đỉnh đầu cũng là lúc chúng tôi phải lên đi ăn trưa rồi trở về Hà Nội…
Kết thúc chuyến đi thực tế ba ngày vô cùng ý nghĩa! Hơn cả một chuyến đi là những khám phá mới lạ, những trải nghiệm độc đáo, những kiến thức về văn hóa và nghệ thuật dân gian của người Thái. Cảm ơn các thầy cô đã tổ chức cho chúng em chuyến đi hết sức thành công này ! Cảm ơn cô Nguyên và thầy Việt đã đồng hành cùng chúng em trong suốt chặng hành trình ! Hy vọng rằng chúng em sẽ được tham gia nhiều những chuyến đi thực tế cùng nhau vào những năm học tiếp theo.
Vì cuộc đời là những chuyến đi, vì tuổi trẻ là không giới hạn, hãy can đảm xách ba-lô lên và đi cùng K66 nào !!!
Một số hình ảnh của chuyến đi:
Nguyễn Thị Thu Thảo, K66B – Việt Nam học