Bảo tàng – trong suy nghĩ của mỗi người – là một nơi đầy khô khan và khá nhàm chán. Nhưng, suy nghĩ ấy sẽ mau chóng thay đổi nếu một lần bạn đến với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nằm ở số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, ngay góc đường Tràng Tiền, Phạm Ngũ Lão. Người Hà Nội ít gọi địa điểm này bằng cái tên của nó, mà thường gọi ngắn là Bác cổ. Với diện tích khoảng trên 4000m2 để trưng bày hơn 10.000 hiện vật ở khu trưng bày chính, cùng với phần trưng bày ngoài trời, bảo tàng Lịch sử Quốc gia thật sự là “Cuốn sử sống giữa lòng Hà Nội”.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền)
Tập thể K65 đã có một buổi sáng đi tham quan bảo tàng vô cùng thú vị cùng cô giáo TS. Phạm Thị Thúy. Đó là một ngày nắng. Nắng vàng rực, trong trẻo giữa mùa đông. Nắng hanh hao tựa như nắng thu Ba Đình lịch sử… Sáng, tôi dậy từ sớm. Có mặt tại bảo tàng đúng 8:00, khuôn mặt ai nấy cũng tràn đầy sự háo hức. Chúng tôi chia thành hai đoàn, mỗi đoàn có một chị thuyết minh viên để giúp chúng tôi tìm hiểu lịch sử qua các giai đoạn.
Thuyết minh viên tại một điểm trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Cảm nhận đầu tiên sau khi tham quan bảo tàng có lẽ là đôi chân “mỏi nhừ” và tốn khá nhiều năng lượng vì đây là một trong những bảo tàng hoành tráng nhất thủ đô. Đó là nơi lưu giữ lịch sử qua các thời kì. Tôi nghĩ rằng, chỉ thông qua sách vở, chúng ta không thể nào nhớ hết được những kiến thức về lịch sử đã trải dài qua bao thế kỉ. Nhưng với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, từ cách trình bày, bố trí đến nội dung thể hiện đều rất khoa học và logic, khiến người xem dễ dàng nắm bắt và “thẩm thấu” trước nhiều sắc màu lịch sử.
Hệ thống trưng bày chính của bảo tàng rộng khoảng 2000m2, chia thành nhiều không gian cho các chuyến tham quan theo chủ điểm và thứ tự thời gian, gồm 4 phần quan trọng :
1. Việt Nam thời tiền sử
2. Từ thời kì dựng nước đầu tiên đến triều nhà Trần
3. Việt Nam từ nhà Hồ đến Cách mạng tháng Tám 1945
4. Phòng trưng bày bộ sưu tập điêu khắc Champa
Ngoài ra, tại từng thời điểm có trưng bày chuyên đề và phần trưng bày ngoài trời. Đặc biệt, một bộ phận của Bảo tàng đang được chỉnh sửa và làm mới. Có lẽ, những thế hệ về sau sẽ tiếp tục được nhìn thấy những bước đường lịch sử dài hơn nữa.
Trang sức (hạt chuỗi bằng thủy tinh mã não và đá bán quý)
Buổi tham quan đã mang lại cho chúng tôi – những nhà Việt Nam học tương lai – khá nhiều kiến thức bổ ích và quan trọng. Chúng tôi biết được thành tựu của người nguyên thủy, đó là: Tạo ra đồ gốm, tra cán lắp trên công cụ lao động, và mài công cụ lao động… Qua đó tôi hiểu ra một điều “Lao động giúp con người ta có sự sáng tạo”.
Sự tiến hóa của loài người
Buổi học thực tế đã mang lại những điều bổ ích và mới lạ, thú vị và sinh động so với khi học lí thuyết trên lớp. Nếu như trên lớp chỉ có thể biết được từng nhân vật, từng dấu ấn lịch sử qua trang sách,hình ảnh thì ở nơi đây, chúng tôi có thể nhìn, sờ, ngắm các hiện vật. Từ thời nguyên thủy cho đến thời kì dựng nước, giữ nước, từng trận chiến cứ như một cuốn băng tua chậm, tác động lên các giác quan, tái hiện lại trước mắt chúng tôi. Chưa bao giờ tôi thấy lịch sử lại thân thuộc và gần gũi đến thế. Tất cả như vừa mới hôm qua!
Và, không chỉ giúp nâng cao kiến thức lịch sử, chuyến đi còn giúp gắn kết các thành viên trong lớp và cô giáo. Chúng tôi được phân chia thành các nhóm để tổ chức các hoạt động được hiệu quả và khoa học. Và, sau buổi đi hôm ấy, chúng tôi như đoàn kết hơn, cởi mở hơn, hiểu và gắn bó với nhau hơn. Cuối buổi tham quan, tập thể lớp và cô đã cùng nhau chụp ảnh. Lớn rồi mà đứa nào đứa nấy vẫn nhí nhố, tinh nghịch. Cô như người mẹ dẫn dắt cả lớp… tự nhiên lòng cảm thấy như một mái nhà- mái nhà Việt Nam, nơi tụ họp và gắn bó, nuôi dưỡng chúng tôi trở nên thân thương hơn bao giờ hết.
Nắng vẫn vàng rực, trải dài trên từng nẻo đường, như dẫn lối cho chúng tôi tìm về với lịch sử. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – nơi lưu giữ những mũi tên, ngọn giáo thời dựng nước và giữ nước, nơi lưu giữ những Trống Đồng, mộ chum, mộ thuyền..., lưu giữ cả những thanh xuân oanh liệt của Bà Trưng, Bà Triệu… Bảo tàng xứng đáng là một nhân chứng sống, giúp chúng tôi thêm yêu lịch sử nước nhà, yêu thêm trang giấy, yêu thêm cội nguồn, yêu thêm đất nước và con người Việt Nam.
Phạm Thị Thùy Linh - K65A