Văn học, văn hóa Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ lâu dài và chặt chẽ, từ xưa đến nay, việc giao lưu văn học và văn hóa giữa hai nước đã rất thường xuyên. Cần phải nói rằng, trong suốt thế kỷ XX, việc giao lưu văn học rộng rãi giữa Trung Quốc và Việt Nam không kém với việc giao lưu giữa Trung Quốc và hai nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Các tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc đã được dịch ở Việt Nam khá phong phú và đã nhận được nghiên cứu đáng kể trong cộng đồng học giả Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các tác phẩm văn học Việt Nam đã được giới thiệu đến Trung Quốc tương đối ít hơn, ảnh hưởng của văn học Việt Nam đến với văn học Trung Quốc cũng tương đối nhỏ. Vì vậy, nghiên cứu về văn học Việt Nam tại Trung Quốc cũng tương đối hiếm. Việc các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch thuật ở Trung Quốc bước đầu khẳng định bước tiến lớn của văn học nước nhà và hứa hẹn những triển vọng trong tương lai. Làm nên thành công này, không thể không nhắc đến công lao đóng góp của PGS.TS Hạ Lộ (hiện đang công tác tại Bộ môn Đông Nam Á, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bắc Kinh) - người được mệnh danh là “bà đỡ” cho văn học Việt ở Trung Quốc.
Trong không khí của những ngày đầu hè, chiều ngày 29/3, Khoa Việt Nam học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học: Văn hóa, văn học Việt Nam ở Trung Quốc với sự tham dự của vị diễn giả đặc biệt - PGS.TS Hạ Lộ. Hội thảo khoa học chính là cơ hội đáng quý của các giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Việt Nam học và các cá nhân quan tâm được tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn tình hình dịch thuật và nghiên cứu văn học Việt Nam tại Trung Quốc.
Tại hội thảo khoa học, các khách mời tham dự được lắng nghe phần trình bày tham luận của PGS.TS Hạ Lộ về quá trình dịch thuật tiểu thuyết Số đỏ của tác giả Vũ Trọng Phụng ở Trung Quốc. Cụ thể, PGS.TS Hạ Lộ chia sẻ lí do dịch tiểu thuyết Số đỏ và tham vọng giới thiệu với độc giả Trung Quốc về hiện tượng văn học này: “Số đỏ được dịch sang tiếng Italy, Czech... nhưng người Trung Quốc - vốn nhiều nét tương đồng văn hóa với người Việt - lại ít biết về tiểu thuyết này. Vì vậy, việc chuyển ngữ tác phẩm này là một công việc giàu ý nghĩa.” Dịch giả đồng thời cũng bày tỏ những băn khoăn, khó khăn trong hành trình chuyển ngữ Số đỏ của mình, từ việc dịch thuật nhan đề của tác phẩm đến việc lựa chọn từ ngữ để diễn tả rõ tên các nhân vật, ý đồ mang những hàm nghĩa châm biếm, mỉa mai của tác giả Vũ Trọng Phụng. Đồng thời, PGS.TS Hạ Lộ đã khẳng định sự đón nhận đáng kinh ngạc tiểu thuyết Số đỏ tại Trung Quốc. Với hơn 5000 bản in, tiểu thuyết được công chúng độc giả quan tâm và dành nhiều lời khen ngợi. Độc giả đánh giá cao nghệ thuật trào phúng cùng bút pháp châm biếm sâu cay của nhà văn Vũ Trọng Phụng, rất thú vị để nghiên cứu và so sánh.
Không chỉ vậy, vinh dự tại hội thảo khoa học, các giảng viên, học viên, sinh viên khoa Việt Nam học đã được lắng nghe cả những ý kiến đóng góp, bình luận từ GS.TS Trần Đăng Suyền, PGS.TS Lê Quang Hưng và TS Ngô Khánh Chi. GS.TS Trần Đăng Suyền - chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Văn học Việt Nam từ thế kỉ XX đến 1945 đánh giá cao giá trị hiện thực và giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết Số đỏ, định hướng thêm cho người đọc cách khai thác các chi tiết tiêu biểu để hiểu sâu sắc hơn những đóng góp lớn lao mà tài năng Vũ Trọng Phụng đã mang lại cho nền văn học nước nhà. Về phía PGS.TS Lê Quang Hưng, thầy khẳng định công lao to lớn của PGS.TS Hạ Lộ trong quá trình dịch thuật, đưa văn học Việt Nam đến gần hơn với các độc giả Trung Quốc, đồng thời thầy cũng bày tỏ quan tâm đặc biệt đến bối cảnh tiếp nhận tiểu thuyết Số đỏ nói riêng và các sáng tác văn học Việt Nam nói chung tại Trung Quốc. Ngoài ra, TS Ngô Khánh Chi đặc biệt bày tỏ sự chú ý đến các kĩ năng, kinh nghiệm dịch thuật của PGS.TS Hạ Lộ để có thể chia sẻ với các em sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc - Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hội thảo khoa học đã diễn ra thành công tốt đẹp với những lời chia sẻ, tâm sự quý giá không những về công việc dịch thuật mà còn cả là những nỗi niềm, sự yêu mến, quan tâm đối với văn học văn hóa Việt Nam của diễn giả và những cá nhân tham dự. Đây chính là cơ hội giúp cho các cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Việt Nam học có thêm nhiều trải nghiệm, góc nhìn mới mẻ về tình hình nghiên cứu, dịch thuật văn hóa, văn học Việt Nam tại Trung Quốc.
* Một số hình ảnh của hội thảo khoa học:
Bìa sách tiểu thuyết Số đỏ - Bản dịch tiếng Trung
Người viết: Hồng Ánh