Kính thưa Quý vị đại biểu,
Thưa các thầy giáo, cô giáo,
Thưa các anh chị cựu sinh viên, các em học viên và sinh viên khoa Việt Nam học quý mến.
Hôm nay, chúng ta quy tụ về đây trong ngày đông lạnh nhưng bầu không khí trong này ấm áp vì sự hiện hữu của những trái tim Việt Nam học nồng ấm lí tưởng nhân văn và khát vọng dâng hiến tình cảm và trí tuệ cho sự thịnh vượng chung của dân tộc và nhân loại. Chúng ta ở đây trong sự bình yên và ngoài kia, virus Covid đang từng giờ hủy hoại đi biết bao sự sống và hàng triệu triệu người, từ nhà khoa học, đến bác sĩ, thường dân đang tranh đấu giành giật sự sống trong cuộc chiến khốc liệt bậc nhất. Có vậy, ta càng thêm trân quý phút giây này. Có thể bình yên chỉ là khoảnh khắc, nhưng chỉ với khoảnh khắc hạnh ngộ này thôi, cũng đủ để ta vững tâm đi tiếp hành trình của cõi người.
Thưa Quí vị đại biểu và Quý bằng hữu!
Chúng ta sẽ làm gì trong những thời khắc khi mà nhân sinh đang lao vào vòng xoáy kinh hoàng của sự hủy diệt? Liệu trái đất có vĩnh hằng? Liệu sự sống sẽ vẫn được nối tiếp qua cơn bão lửa của dịch bệnh? Có thể có ai đó hoài nghi về sự tồn tại của con người. Nhưng tất cả chúng ta ở đây, trong bầu không khí ấm áp tình người này, chúng ta có quyền tin về sự bất tử của con người. Nói như đại văn hào William Faulkner, trong diễn từ Nobel bất hủ nhất của những ai từng đoạt giải thưởng cao quý này: “tôi từ chối chấp nhận sự tàn lụi của con người”. Ông lí giải nguyên nhân của sức sống bất diệt đó rằng con người tồn tại là do có lòng vị tha và nhẫn nại. Và một khi, con người “sinh ra không để dành cho thất bại, con người có thể bị hủy diệt chứ không chịu khuất phục” theo tư tưởng của Hemingway, thì nhân loại vẫn cứ bước đi trên hành trình nhân văn của chính mình.
Mười lăm năm qua khoa Việt Nam học vẫn đang bền bỉ trên hành trình của sự nghiệp trồng người. Chỉ mới mấy tháng trước đây thôi, cả Hà Nội đóng cửa dạy học online. Chúng ta đối diện với máy tính và hình ảnh thầy trò ảo trên màn hình. Những tưởng dịch Covid đã nhấn chìm ta xuống địa ngục tăm tối, ngăn ta không tiếp tục việc dạy học, thì nhờ nỗ lực không ngừng của thầy và trò, các khóa học vẫn được hoàn thành, tuy có thể chưa đạt được kết quả như hoài vọng, những nó đã đánh dấu được một khả năng thích ứng rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dạy và học cũng sẽ không gục ngã trước những thời khắc gian khó của cuộc đời.
Khoa Việt Nam học là vậy. Sự trẻ trung của một cơ thể khoa học cường tráng tuổi 15 đang bước đi những bước đầy tự tin theo cách của Napoleon (khi với cái gậy trong tay), thì “ta sẽ nghiền nát các chướng ngại vật” bất kể đó là con đường của nghiên cứu hay giảng dạy đầy chông gai. Vừa mới đây thôi, chúng ta đã tổ chức thành công lễ kỉ niệm 10 năm thành lập khoa, nay đã là 15 năm và rồi sẽ có thêm hằng bao nhiêu lễ kỉ niệm nữa. Đời người qua nhanh như chớp mắt. Nhưng dẫu thế, làm người chúng ta không thể để cái sự qua nhanh đó qua theo cái cách không kèn không trống. Chúng ta luôn tâm niệm, dẫu chỉ là vô cùng nhỏ bé nhưng chúng ta là một Con Người. Một hiện hữu để khẳng định sự hiện hữu của mình theo cách thức thích hợp nhất với năng lực và cảm xúc của mình.
Con người Việt Nam học là vậy, thưa Quý thầy cô và các em.
Nhìn lại 15 năm qua, thành tựu mà ngành Việt Nam học đạt được đâu phải ít. Chỉ riêng ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ban đầu đó chỉ là một bộ môn của khoa Ngữ văn, khoa Việt Nam học dần trưởng thành và vững vàng cho đến ngày nay. Từ việc đào tạo mấy mươi sinh viên, khóa sinh viên đầu tiên K52 (62 sinh viên) vào trường năm 2002, tốt nghiệp năm 2006, nay số lượng sinh viên trong và ngoài nước đang học tập tại Khoa đã lên đến trên 545 (490 sinh viên Việt Nam và 55 sinh viên và học viên cao học nước ngoài). Từ đào tạo một mã ngành Việt Nam học (khóa ít nhất K56: 34 sinh viên, khóa nhiều nhất K70: 118 sinh viên) nay Khoa đảm trách thêm hai mã ngành: Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành (K70: 117 sinh viên) và Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam (10 sinh viên nước ngoài, kết hợp với Viện GD&ĐTQT). Tổng số sinh viên đã ra trường gần 2000: khoảng trên 1100 sinh viên chính qui, gần 700 sinh viên hệ Liên thông với 7 khóa và hàng trăm sinh viên và học viên cao học nước ngoài. Thử hình dung sự cống hiến của hàng nghìn trí thức đó cho cộng đồng? Chừng ấy đủ để khẳng định những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô giáo, cũng như các thế hệ sinh viên, học viên.
Khoa Việt Nam học non trẻ là nơi tập hợp giảng viên được đào tạo hoặc vốn công tác từ nhiều khoa trong và ngoài trường để tạo nên một tập thể đa sắc. Nhưng điều căn cốt nhất lại là tinh thần đoàn kết yêu thương giúp đỡ nhau cùng hướng về cái đích truyền bá tri thức và lan tỏa lí tưởng nhân văn cho cộng đồng. Khởi đi từ khoa Ngữ văn, lúc đó GS.TS. Lã Nhâm Thìn là chủ nhiệm Khoa và cũng chính nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Giáo sư và Ban Giám hiệu đương thời mà khoa Việt Nam học mới có thể có được khởi sự độc lập. Chúng tôi trân trọng và cảm kích trước tầm nhìn chiến lược đúng đắn và sáng suốt này. Kế tiếp là công sức lớn lao của PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hà, chủ nhiệm khoa Việt Nam học đầu tiên từ tháng 10/2005 đến tháng 4/2008. Dưới bàn tay gây dựng của Phó giáo sư, khoa Việt Nam học đã có được một nền móng ban đầu. Tiếp đó, suốt hơn 8 năm lãnh đạo của PGS.TS. Lê Quang Hưng từ tháng 4/2008 đến tháng 5/2016, khoa Việt Nam học không ngừng mở rộng qui mô đào tạo, nâng cấp đào tạo Thạc sĩ và phát triển về nhiều mặt. Tổng số giảng viên ban đầu của Khoa là 8 người vào năm 2005; thời điểm nhiều nhất, vào năm 2015 là 27 giảng viên, đến nay Khoa có 20 giảng viên (01 giáo sư, 02 phó giáo sư, 13 tiến sĩ và 04 thạc sĩ, nghiên cứu sinh). Con số này quả là chưa thực sự đủ so với nhu cầu đào tạo thực tiễn. May mà, bản thân các giảng viên nỗ lực không ngừng, cùng với sự điều phối của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, và sự chia sẻ công việc của các khoa trong trường đã tạo nền tảng vững chắc để khoa Việt Nam học ngày càng hưng thịnh.
Đáng chú ý hơn nữa là tỉ lệ ra trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp của sinh viên là vào khoảng 85-90% (theo số liệu khảo sát hàng năm do Trung tâm Khảo thí tổ chức). Tỷ lệ có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo chiếm 60-70% trong 2 năm gần đây. Đây chính là tín hiệu tích cực để thu hút người học tìm đến Khoa với tư cách là một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy.
Khoa Việt Nam học đã và đang trên đường khẳng định khả năng khoa học của mình. Hiện tại, giảng viên của Khoa chủ nhiệm hai đề tài cấp Nhà nước, nhiều đề tài cấp Bộ và cấp Trường. Mỗi giảng viên hàng năm cho công bố bình quân 02 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín. Đến nay, Khoa đã có trên mười bài đăng ở các tạp chí nước ngoài, nhiều bài thuộc danh mục Scopus. Hơn nửa số giảng viên trong Khoa đều đã in chuyên luận của riêng mình.
Có thể nói, bên cạnh nỗ lực đáng khích lệ của đội ngũ giảng viên, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Nhà trường, thì việc sinh viên tốt nghiệp trưởng thành và đáp ứng tốt trong môi trường xã hội là bằng chứng sinh động nhất cho sự phát triển và tồn tại của khoa Việt Nam học. Trong sự cạnh tranh của thị trường đào tạo ngày nay, nếu “đầu ra” của người học không được giải quyết tốt thì môi trường đào tạo đó có vấn đề, thậm chí là không thể tồn tại. “Việc làm” luôn là tiêu chí được ban chủ nhiệm Khoa qua các đời chú trọng. Điều này đã tạo nên một truyền thống quý của Khoa. Qua thời gian, sự tích lũy kinh nghiệm đào tạo càng được nối dài, để hôm nay, 15 năm một chặng đường không ngừng nghỉ, 15 năm không chỉ là tiếp nối mà còn là khởi đầu. Năm tháng vốn không bao giờ có điểm dừng hay điểm cuối, mà mãi mãi bất tận những sông biển trong nhịp tuần hoàn. Chúng ta ở đây hôm này, vừa để ghi nhận một điểm mốc nhưng đồng thời chúng ta lại là những người tự mở ra những mục tiêu, những giới hạn mới mà phần nhiều không dành cho ta mà dành cho lớp lớp sinh viên và học viên Việt Nam học trong tương lai.
Lễ kỉ niệm diễn ra trong mùa đông là do sự tác động khách quan, khi ban đầu chúng ta định tiến hành trong mùa thu. Nhưng mùa đông vẫn có cái sự diệu vời của nó. Trong giá lạnh, chúng ta hướng về mùa xuân ấm áp, chờ cành mai vàng của Mãn Giác Thiền sư thầm lặng nở hoa trong đêm lạnh, “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Kính thưa Quý thầy cô và các em.
Lịch sử chỉ là lịch sử khi ta ý thức về nó. Kí ức cũng vậy. Sự ý thức về cội nguồn không chỉ là tri ân, hiếu nghĩa mà còn là gốc gác của tồn tại và phát triển. Lịch sử và kí ức sẽ luôn đồng hành trong mỗi chúng ta, tạo nên nền tảng sức mạnh cho từng suy nghĩ hành động của con người. Lãng quên kí ức là một tội lỗi và con người sẽ chẳng thể nào có thể ngẩng cao đầu trên cõi dương gian này.
Hoài niệm là để tiếp tục bước đi vào cõi dấn thân đầy nhiễu phiền. Tương lai sẽ thuộc về những ai lao động chân chính, sống vị tha, nhân ái và dám sống vì lí tưởng cao đẹp. Cha mẹ cho ta hình hài, cảm xúc và kí ức, Nhà trường cho ta tri thức và Thời đại cho ta trách nhiệm làm người. Chúng ta hướng đến những mục tiêu cao đẹp đồng nghĩa với việc ngăn cản cái xấu, cái ác lên ngôi. Con người Việt Nam học và bè bạn Việt Nam học sẽ không có bất kì sự ngăn cản hay giới hạn nào về văn hóa, địa phương, địa vị hay lợi ích xã hội. Chúng ta là một cộng đồng người, cùng sẻ chia những giá trị văn hóa cao đẹp, để từ đó, dòng sông đời vẫn tiếp tục mãi trôi và biển sẽ vẫn mãi âm vang bản tình ca kì vĩ, ngợi ca sự bất diệt của con người.
Trân trọng cảm ơn Quý khách và bằng hữu, các thế hệ thầy cô giáo, các thế hệ sinh viên, học viên có mặt trong buỗi lễ kỉ niệm này.
Chúc Quý vị sức khỏe, thành đạt và hạnh phúc.
GS.TS. Lê Huy Bắc