Hội thảo Khoa học Quốc tế “Việt Nam học ngày nay”
Tham dự hội thảo, về phía các học giả quốc tế có TS. Ueda Shinya – Trường Đại học Việt Nhật. Về phía các nhà nghiên cứu, học giả trong nước có PGS. TS. Phạm Văn Lợi – Trưởng phòng Nghiên cứu Khu vực học – Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển (ĐHQG HN); PGS. TS. Nguyễn Chí Hòa – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN); TS. Nguyễn Thị Quốc Minh – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM); TS. Nguyễn Thị Oanh – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Nhận thức – Giáo dục – Đại học Thăng Long. Về phía đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có GS. TS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; GS. TS. Đỗ Việt Hùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PSG. TS. Hoàng Hải Hà – Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ (ĐHSPHN). Về phía đơn vị tổ chức – Khoa Việt Nam học (ĐHSPHN) có GS. TS. Lê Huy Bắc – Trưởng Khoa Việt Nam học; TS. Nguyễn Thị Thu Hoài – Bí thư chi bộ, Phó trưởng khoa Việt Nam học; TS. Phạm Thị Hà – Phó trưởng khoa Việt Nam học; PSG. TS. Lê Quang Hưng – Nguyên Trưởng Khoa Việt Nam học; cùng các nhà nghiên cứu, các học giả, các giảng viên trong và ngoài khoa, và các học viên, sinh viên quan tâm. Từ thời gian bắt đầu khởi động Hội thảo, Ban tổ chức đã tiếp nhận gần 70 báo cáo tóm tắt, 50 bài báo cáo toàn văn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Hội thảo lần này quy tụ không chỉ các nhà nghiên cứu Việt Nam học của các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà còn có sự tham gia của các học giả đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, GS. TS. Lê Huy Bắc – Trưởng Khoa Việt Nam học nêu bật ý nghĩa của Hội thảo lần này: “Hội thảo Khoa học Quốc tế “Việt Nam học ngày nay” ra đời như sự ghi nhận chặng đường phát triển bền bỉ của Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cũng như của ngành Việt Nam học nói chung. Hướng vào hai cái đích đó là bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa và quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.” GS. TS. Lê Huy Bắc cho biết: Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, trong xu thế hội nhập của khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, chưa bao giờ khoảng cách giữa các quốc gia lại được thu hẹp đến như vậy, đây vừa là cơ hội cũng là thách thức cho Việt Nam, chúng ta cần phải có một cách nhìn nhận khoa học về một diện mạo của Việt Nam mới đặc biệt là về căn tính văn hóa – con người và ngành học.
Trong khuôn khổ Hội thảo, phần thứ nhất trong không khí học thuật sôi nổi với 2 bản tham luận với những đề tài đi đúng trọng tâm và mục tiêu mà hội thảo đề ra. Thứ nhất, tham luận “Khái niệm liên ngành trong nghiên cứu và đào tạo Việt Nam học: Từ lí luận đến thực tiễn” của PGS. TS. Nguyễn Chí Hòa đã đề cập đến vấn đề khiến cho nhiều nhà nghiên cứu vẫn luôn trăn trở và tranh luận khi khái niệm “Liên ngành”trong nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy ngành Việt Nam học vẫn còn là khái niệm chưa được thống nhất và có một định nghĩa cụ thể nhất. Đối với các học giả và nhà nghiên cứu tham dự hội thảo thì vấn đề này được tranh luận rất sôi nổi, khi mỗi cơ sở, đơn vị lại có những cách nhìn nhận nhất định về khái niệm “Liên ngành” trong Việt Nam học, và đưa ra những ý kiến, góp ý chung để có những hình dung, nhìn nhận hợp lí về khái niệm này. Từ đó để tương lai phát triển ngành Việt Nam học thì khái niệm “Liên ngành” cũng cần phải được làm rõ và sáng tỏ với cách nhìn nhận đúng đắn nhất.
Tiếp theo đó, ở tham luận thứ 2 là “Sự đáp ứng của Chương trình đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học với tiêu chuẩn đầu ra và vị trí việc làm trong thực tiễn giáo dục giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2020-2030” của nhóm tác giả TS.Nguyễn Thị Thu Hoài, TS.Phạm Thị Hà và TS.Hà Đăng Việt đã cho thấy được tầm quan trọng của ngành đào tạo Việt Nam học đối với thực tiễn xã hội Việt Nam ngày nay như thế nào. Cùng với đó, tham luận cũng có chỉ ra những mặt ưu – nhược điểm và những phần cần cả thiện trong chương trình đào tạo Việt Nam học, từ đó nhóm nghiên cứu có đưa ra một số đề xuất chỉnh sửa như chương trình cần đảm bảo tính hiện đại và cập nhật, thay đổi cơ cấu tỷ lệ khối kiến thức trong chương trình đào tạo, cần nghiên cứu bổ sung chứng chỉ, chứng nhận trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Phần thứ hai của Hội thảo tiếp tục với 2 bài tham luận, bài thứ ba là “Tiểu luận về cấu trúc gia đình trong thời kỳ cận đại Việt Nam: Phân tích tài liệu chúc thư của họ Trương Công, thôn Phương Bản, Hà Tây cũ” của TS. Ueda Shinya đã khảo sát từ chúc thư để đưa ra những nhận định về dòng họ, làng xã người Việt tại khu vực Đồng bằng Sông Hồng.Và tiếp sau đó là bài tham luận thứ tư là “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam trong nghiên cứu và đào tạo ngành Việt Nam học” của nhóm tác giả TS.Nguyễn Đình Lâm và TS.Nguyễn Trường Sơn. Bài tham luận là nhận diện về Nghệ thuật biểu diễn truyền thống (NTBDTT), chỉ ra nội hàm và ngoại diên của khái niệm từ đó xác định các phương pháp nghiên cứu phù hợp với tư cách là công cụ để nghiên cứu, phát hiện đặc trưng độc đáo của NTBDTT trong dòng chảy của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Cuối cùng là những ý kiến trao đổi trong hội nghị về các vấn đề: “Bản sắc dân tộc và tính hiện đại, tiên tiến của nền văn hóa Việt Nam - Từ đường lối đến thực tiễn” của PGS.TS.Lê Quang Hưng và “Changes in people’s perception about LGBT in contemporary Vietnamese society: From forbidden, shy to open-hearted and straight forward-Case study on Bui Anh Tan’novels” của TS. Nguyễn Thị Quốc Minh. Các ý kiến trao đổi đang mang đến những cái nhìn, những tư duy mới và cởi mở của một xã hội Việt Nam hiện đại trước các vấn đề chung như bản sắc dân tộc của đất nước chúng ta trước thời cuộc hội nhập với nhiều biến đổi văn hóa và những hành động để bảo tồn văn hóa, cùng với đó là tư duy cũng như nhìn nhận của xã hội Việt Nam ngày nay về vấn đề LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới…), những ý kiến trao đổi không chỉ mang tính khoa học và học thuật cao mà còn mang lại nhiều cảm xúc cũng như trăn trở cho người tham dự hội thảo trước những trách nhiệm và triển vọng giá trị của ngành Việt Nam học đối với đất nước, xã hội Việt Nam của hôm nay và tương lai.
Dù chỉ diễn ra trong một buổi sáng ngắn ngủi, song hội thảo đã thực sự tạo ra một môi trường học thuật vô cùng ý nghĩa và bổ ích cho các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Một số hình ảnh trong Hội thảo:
Tạ Tuấn Hưng