I. Đoàn thiện nguyện “Ủ ấm đôi chân – Dẫn bước em đi” mùa 3 tham quan Khu di tích Kim Liên và làm lễ dâng hương tại Truông Bồn
Ngày 12.01.2020, Đoàn thiện nguyện chúng tôi tham quan tại Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) - khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụm di tích bao gồm : Làng Hoàng Trù và Làng Sen.
Làng Hoàng Trù : nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống 5 năm tuổi ấu thơ (1890-1895), nơi được đón Người về thăm ngày 9/12/1961.
Làng Sen : nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống 5 năm thời niên thiếu (1901-1906), cũng là nơi được đón Người về thăm quê 2 lần vào ngày 16/6/1957 và ngày 9/12/1961.
Sau đó, đoàn làm lễ dâng hương tại Truông Bồn (huyện Đô Lương, Nghệ An) - “địa chỉ đỏ” chứng tích một trong những huyền thoại về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31/10/1968 của 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội cảm tử” - “Tiểu đội thép” - “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng thuộc Ðại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.
II. LỜI CHÀO TỪ QUẢNG TRỊ
“Những đồi tranh ăn độc gió Lào
Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ
Những đồi sim không đủ quả nuôi người
Cuộc sống gian lao, ít tiếng nói cười
Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng.”
(Chế Lan Viên)
Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ thần thánh của dân tộc, Quảng Trị - mảnh đất nằm ở "khúc ruột" miền Trung hiện lên qua các áng thi ca thật đau thương nhưng cũng đầy bi tráng. Quảng Trị, ấy là trại tù Lao Bảo – nơi giam cầm biết bao chiến sĩ cách mạng, nơi “con chim bỏ trời quê đi xứ khác”, nơi “đất không nuôi nổi người, người không nuôi nổi đất”. Ở mảnh đất “gió Lào, cát trắng”, “đá sỏi, cây cằn” ấy, chúng ta không thể cảm nhận hết được sự khó khăn, vất vả, lam lũ của người dân nơi đây.
Với mong muốn sẻ chia và giúp đỡ cho cuộc sống của người dân Quảng Trị bớt nhọc nhằn, cơ cực, Liên chi Đoàn khoa Việt Nam Học đã tổ chức tiền trạm, khảo sát thực địa và lựa chọn đến với xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Huyện Hướng Hóa là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị, cách thành phố Đông Hà 65km tính từ trung tâm huyện là Thị trấn Khe Sanh. Tại đây có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nằm trên trục đường Quốc lộ 9A thông thương với Lào, có đường biên giới dài 156km thuộc 11 xã tiếp giáp với Lào, có 13 xã đặc biệt khó khăn. Các tộc người chủ yếu sống tập trung bao gồm : Kinh, Vân Kiều và Tà Ôi (Pa Cô). Trong năm 2019 này, người dân huyện Hướng Hóa đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì thiên tại, dịch bệnh. Trong mùa khô hạn, huyện Hướng Hóa có 52 công trình nước tự chảy thì có đến 30 công trình nước tự chảy hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả gây nên tình trạng thiếu nước trầm trọng. Đặc biệt tại xã Húc, người dân các thôn Ta Ri 2, Húc Thượng,… gần như “chết khát”. Không chỉ vậy, sau đợt mưa lũ đầu tháng 9, lũ dâng cao từ 1,5 đến 2m, huyện Hướng Hóa tồn tại hơn 20 điểm sạt lở cầu, đường gây ảnh hưởng đến giao thông cần sớm khắc phục và sửa chữa.
Nhóm tiền trạm của Liên chi Đoàn tới điểm trường Húc Thượng, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Tại đây, trạm y tế không sử dụng 6 năm nay đang ngày càng xuống cấp được các em học sinh tận dụng làm nơi nội trú. Trong phòng chỉ có giường gỗ đã mục nát, không có bất cứ vật dụng thiết yếu khác như : chăn, màn, gối, quạt, thậm chí không có bàn học và tủ quần áo. Diện tích phòng chật hẹp, mỗi phòng chỉ đủ kê một đến hai chiếc giường mà có hơn 10 em học sinh ở chúng nên có nhiều em nhỏ phải nằm dưới nền đất lạnh lẽo vì không có chiếu. Gian bếp sinh hoạt chung của các em không có đồ dùng để nấu ăn, chỉ sử dụng nồi cơm điện để nấu chung tất cả mọi thứ. Trẻ em đâu còn ước mơ nào đẹp đẽ hơn ước mơ được đến trường, được nghe thầy cô giảng bài, được cùng bạn bè thi đua học tập, đặc biệt là được cầm trên tay những cuốn sách đầy ắp tri thức. Ấy vậy mà các em học sinh tại điểm trường Húc Thượng, mặc dù rất yêu và mê đọc sách nhưng các em không có một chiếc tủ hay chiếc giá đựng sách nên phải tận dụng những chiếc ghế nhựa gãy để làm nơi cất sách.
Không chỉ dừng chân tại điểm trường Húc Thượng, nhóm tiền trạm còn đi tới những hộ gia đình tại làng Húc Thượng.
Trên đường đi, chứng kiến những ngôi nhà được chắp vá từ những miếng ván gỗ, những tấm bạt vụn để tránh mưa tránh nắng đủ để cảm nhận rằng những người dân nghèo khó nơi đây đã phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt biết nhường nào. Những ngôi nhà cực kì đơn sơ được làm từ tre, gỗ, lợp mái tôn lụp xụp. Mùa đông đến, ngôi nhà trở nên thật lạnh lẽo, buốt giá vì gió không ngừng thổi qua những khe hở trong nhà. Phía bên trong ngôi nhà, gian bếp bừa bộn đồ dùng được tận dụng làm nơi treo quần áo của cả gia đình. Người dân thiếu ăn thiếu mặc, có những người mắc bệnh tâm thần, có những nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam do hệ lụy của chiến tranh…
Miền Trung – chiếc đòn gánh nối hai đầu Bắc – Nam của tổ quốc đã chịu nhiều đau thương, nhưng mảnh đất Quảng Trị còn đau thương hơn thế bởi những vết thương chiến tranh vẫn còn in dấu đến tận ngày nay. Vì vậy, Liên chi Đoàn khoa Việt Nam học kêu gọi những nhà hảo tâm hãy dành tình cảm nhân ái, “lá lành đùm lá rách” đến với nơi biên cương xa xôi để cùng chúng tôi “Ủ ấm đôi chân – Dẫn bước em đi”…
III. Đoàn thiện nguyện “Ủ ấm đôi chân – Dẫn bước em đi” mùa 3 làm lễ dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị
Ngày 11.01.2020, tại Thành cổ Quảng Trị, các tình nguyện viên Việt Nam học thành kính dâng hương và hoa đến các anh linh những vị anh hùng dân tộc đã hi sinh tuổi thanh xuân vì độc lập tự do của Tổ Quốc.
Lắng nghe những câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ, các tình nguyện viên không kìm nén được sự nghẹn ngào xúc động.
"Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào"
(Phạm Đình Lân viết cho đồng đội xưa)
Ảnh : Đinh Quốc Anh – K68
Bài viết : Nguyễn Thị Thu Thảo – K66