CÓ CẦN THIẾT PHẢI THI “HAI TRONG MỘT” NHƯ HIỆN NAY?
Chúng ta đang bước vào những công việc chuẩn bị cuối cùng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm 2020. Có thể nói quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các trường đại học, trong đó Đại học Sư phạm Hà Nội là đầu tàu đang bước vào giai đoạn quyết liệt, nhằm mang lại những hiệu quả nhất định để đưa tri thức, nhân phẩm con người Việt Nam lên tầm cao mới, phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và công cuộc toàn cầu hóa mà không một thế lực nào có thể trì hoãn hay ngăn cản.
Những vấn đề thuộc về chương trình, về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất,… đang được xem xét đồng bộ. Thế nhưng, tất cả mọi nỗ lực trên sẽ chỉ là công cốc nếu chúng ta không có một cơ chế kiểm tra đánh giá đúng đắn và phù hợp với mục tiêu giáo dục năng lực cho con người. Đây là vấn đề quả không hề đơn giản chút nào. Cần phải có sự tỉnh táo, sự kiên định, sáng tạo trong đổi mới thì mới có thể thu được kết quả cao.
Hiện tại, chúng ta thường nghe nói đến sức ì của giáo dục. Cái sức ì này bắt nguồn từ căn bệnh thành tích rằng mỗi một thầy cô giáo, mỗi một trường học đều muốn học trò mình đạt “thành tích thi cử” cao, nhằm để báo cáo thành tích lên trên, lên cao hơn nữa. Tôi nói đến “thi cử” mà không phải là “học vấn” chỉ vì mục tiêu đào tạo của chúng ta trong suốt thời gian dài đã để điểm thi lấn át năng lực học vấn. Xét về nguyên tắc, điểm thi cao sẽ tương đương với tri thức học vấn cao. Thế nhưng, chuyện ngược đời là, có rất nhiều học sinh đạt điểm cao, hiện tượng tất cả các môn thi đều 10 điểm trong suốt thời gian dài của nhiều học sinh không phải là chuyện hiếm, nhưng kiến thức thực tế thì không hề tương xứng với số điểm ngất ngưỡng ấy. Sở dĩ có điều đó là vì khi chuyển cấp, nếu học bạ học sinh nào nhiều hoặc toàn điểm 10 thì sẽ được ưu tiên nhận vào những trường top trên. Trong khi đó, trừ số ít thần đồng, thì tôi đố có ai đạt điểm 10 đồng loạt như thế. Từ đó có thể thấy, điểm số của học sinh “không thực” là do “ý chí thi cử và tuyển sinh” của một cơ chế, thoạt nghe thì rất khách quan nhưng thực chất là hỏng bét và vô cùng chủ quan. Vì người có tiền hay bất cứ một quyền lực nào đó cũng đều có thể can thiệp để làm cho điểm số đó “đẹp” hơn.
Như thế, cần có một cơ chế kiểm tra đánh giá độc lập thì cơ may những “gót chân Asin” của nền giáo-dục-tùy-tiện-điểm-chác kia mới có thể được khắc phục. Vấn đề đặt ra là, kiểm tra như thế nào mới đạt đến tính khách quan? Ở đây chúng tôi chưa bàn đến những chuyện láu cá vặt trong thi cử mà chỉ bàn đến việc thi cử ở tầm vĩ mô. Vấn đề ở đây là có cần phải có kì thi quốc gia chung mà kết quả chủ yếu chỉ để xét tốt nghiệp? Và nếu thi thì hình thức thi sẽ như thế nào?
Câu trả lời sẽ là, không cần một kì thi quốc gia rầm rộ “hai trong một” như hiện nay. Nếu một khi tỉ lệ đỗ ở vào khoảng 95-99% thì thử hỏi việc thi đó đặt ra để làm gì? Nhìn nhận lại cách thức vận hành kiểu thi này thì nực cười hết chỗ nói. Bỏ qua những gian lận thi cử đã trở thành một vết nhơ không thể gột rữa trong lịch sử giáo dục nước nhà vào năm 2018, thì nội việc điều giảng viên các trường đại học về các địa phương coi thi thì có khác gì việc để học sinh từ các tỉnh lên thành phố thi. Việc tốn kém, nếu không rơi vào học sinh thì lại rơi vào giảng viên hoặc nhà trường có các giảng viên đi coi thi. Như thế khi thay đổi một cái “chưa tốt” bằng một cái “cũng chưa tốt” thì có nhất thiết phải thay đổi không?
Thêm nữa việc chấm thi tự luận môn ngữ văn được giao cho các Sở địa phương thì làm gì có công bằng và thống nhất khách quan trong toàn quốc, bởi “trình độ chấm” và tính “thiên vị địa phương” để con em được vào đại học sẽ ngăn cản chuyện công bằng về điểm trong cả nước. Vậy nên, cuộc thi này chỉ có giá trị xét tốt nghiệp phổ thông mà thôi. Việc dùng điểm đó để xét tuyển đại học là cả một hệ lụy khôn lường.
Ý tôi không phải đề xuất việc quay về thi như cũ (để học sinh lên thành phố thi) mà là nên để việc thi tốt nghiệp quốc gia đó về cho các sở Giáo dục và Đào tạo địa phương làm. Đề thi có thể thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng thi cử thế nào thì cứ để địa phương coi thi và chấm thi. Việc đó sẽ giảm đi rất nhiều gánh nặng và phiền toái, nhưng tuyệt đối không thể lấy điểm đó để xét vào đại học, chí ít là tại thời điểm này.
Vậy có cần tổ chức thi vào đại học không? Về lâu dài, khi ý thức tự trọng của học sinh (và cả bậc phụ huynh) được hình thành thì không cần phải tổ chức thi đại học mà chỉ cần xét tuyển theo học bạ như các quốc gia tiên tiến đang làm. Còn thực tại và khoảng 5 năm nữa đương nhiên là cần tổ chức thi đại học. Các trường đại học tự tuyển sinh lấy, Bộ chỉ cần khống chế số lượng người học, kiểm tra chất lượng đầu ra thì hợp lí hơn là cứ quản đầu vào, còn đầu ra chưa được chú ý đúng mực.
ĐẾN ĐÂY, CHÚNG TÔI BÀN SANG CÁCH RA ĐỀ THI: Đối với những môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn văn thì thi trắc nghiệm sẽ là cách giết chết môn học này nhanh nhất. Trong nhà trường, dạy văn chính là dạy/khơi dậy cảm xúc, hướng người học đến những cái cao cả, cái thiện, biết căm ghét cái xấu, cái dối trá, đồi bại. Nói tóm lại, dạy văn là dạy phát triển tâm hồn, là làm phong phú đời sống cảm xúc, giải phóng trí tưởng tượng và mơ ước của con người, trong khi đó các môn học tự nhiên chủ yếu là dạy phát triển tư duy logic lí tính. Từ căn nguyên này, đề thi cần được xây dựng “mang tính văn” để thực hiện được cái đích phát triền đạo đức và phẩm giá con người.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cấu trúc đề thi ba phần: kiểm tra kiến thức cơ bản (hoặc ngữ pháp), kiểm tra nghị luận xã hội và kiểm tra nghị luận văn học chính là sự thất bại trong việc hướng người học đến việc trau dồi xúc cảm tâm hồn. Thử hỏi một đề văn gồm ba mảng đó, được thực hiện trong khoảng 180 phút, học sinh phải tập trung xử lí liên tục ba vấn đề không cùng bình diện tư duy: “kiến thức cơ bản” gắn với việc thuộc bài, nghị luận xã hội gắn với tư duy logic và con số cụ thể, văn học gắn với tư duy thẩm mĩ và tính ẩn dụ, biểu trưng. Xem thế để thấy học sinh đã phải vất vả biết nhường nào. Nếu cho rằng phải thi như thế thì mới đánh giá hết năng lực người học thì quả là phi lí hết sức. Bởi lẽ chỉ cần ra một đề về nghị luận văn học nào đó, tích hợp hết cả hai yếu tố kể trên vào thì có phải là tối ưu hơn không?
Một học sinh muốn viết một câu văn hay, đương nhiên phải sử dụng thuần thục ngữ pháp. Một bài văn nghị luận văn học hay, đương nhiên phải đan lồng các vấn đề nghị luận xã hội. Liên quan đến nghị luận xã hội còn có chuyện “trung thực” và “giả dối”.
Bệnh thành tích có căn nguyên từ “dối trá”. Xã hội nào cũng tồn tại sự “dối trá”, chỉ có điều ít hay nhiều. Xã hội văn minh cần tuyên chiến và đầy lùi dối trá. Con người nhân văn ai cũng khao khát điều đó. Tuy nhiên với cách ra đề bàn về “trung thực”, “vô cảm”,… như bấy nay thì không những không giúp ích gì cho học sinh mà ắt hẳn càng tạo thêm tính dối trá cho học sinh. Bởi lẽ, khi làm bài các em đều cực lực chỉ trích những thói tật đó, song ra đời liệu các em hay những người xung quanh các em có sống như những gì các em “chém gió” vậy không? Quả là kì quặc hết chỗ nói. Một khi chưa thể làm ngay được người thực tốt thì chí ít chúng ta cũng đừng nên xui học sinh nói dối. Những dạng đề đó nguy hại đến phẩm giá người học vô cùng, biến học sinh thành cái loa rỗng tuếch, giỏi hô khẩu hiệu suông mà thôi.
Vậy nên, việc ra đề thi ngữ văn theo định hướng năng lực nên trả lại bản tính vốn có của nó là kiểm tra khả năng cảm xúc, rung động trước một vấn đề thông qua những kiến thức ngữ văn nhất định. Một khi học sinh biết rung động trước cái đẹp, cái thiện, cái cao cả,… thì tự khắc sẽ bớt dối trá. Đây chính là cội nguồn của giáo dục. Cần tập trung vào chính chỗ đó hơn là nêu vấn đề “dối trá” để người học hô khẩu hiệu “phản bác” mà không biết ngượng mồm. Cái cách duy lí của chủ nghĩa cấu trúc sùng bái lí tính và trung tâm luận đã cáo chung. Ngày nay, nhân loại tiến đến sự hài hòa và cân bằng cảm tính và lí tính. Mọi sự cực đoan hai khía cạnh này đều bị trả giá. Để đáp ứng mục tiêu đổi mới, đề thi ngữ văn chỉ nên ra một câu thuộc một trong hai dạng: tổng hợp hoặc đồng dạng thì may ra mới có thể hi vọng phát triển được năng lực thẩm mĩ ở người đọc.
Dạng “tổng hợp” là chọn một vấn đề lí luận hoặc một vấn đề văn chương nào đó và để học sinh sử dụng vốn hiểu biết văn học và đời sống xã hội làm sáng tỏ, nhằm thuyết phục được người đọc, người nghe theo kiến văn chủ quan của cá nhân đó. Dạng đề này có ưu điểm là tránh được việc “chép bài” của học sinh đã tồn tại trong nhà trường suốt bấy lâu. Hơn nữa nó có thể kiểm tra được năng lực tổng hợp tri thức để giải quyết vấn đề. Dạng đề này có tính văn chương cao, đồng thời nó có thể tổng hợp được cả tư duy logic và tư duy cảm xúc, khiến tâm hồn con người trở nên phong phú và trác tuyệt hơn.
Đề “đồng dạng” là đề thi thiên về phân tích, bàn luận về một tác phẩm hoặc một nhóm tác phẩm có cùng dạng (hình thức, chủ đề, nhân vật,…) với tác phẩm đã học. Đề này sẽ sử dụng những tác phẩm “mới” mà học sinh chưa được học để kiểm tra. Vì thế người học phải nắm thật chắc các thao tác tiếp cận tác phẩm từ thầy cô để có thể xử lí vấn đề. Từ đó, năng lực người học được củng cố và việc đánh giá trình độ của người học sẽ đúng và khách quan hơn.
Vậy cách kiểm tra học thuộc bài (thầy cô dạy) có cần thiết không? Chúng ta đều biết “học thuộc” cũng là cách hữu hiệu để nâng cao tri thức. Đặc biệt là đối với thơ. Những kẻ không thuộc thơ rất dễ trở thành “đồ tể” vì sự khánh kiệt tâm hồn. Dạy học sinh học thuộc thơ hoặc những câu, đoạn văn hay là cách neo đậu phẩm hạnh, nâng cao phẩm giá và hướng thiện tâm hồn. Thậm chí ngay đến cả những đoạn phân tích, bình luận hay, học sinh cũng cần khuyến khích học thuộc. Học thuộc ở đây không nhằm để chép lại, để ăn cắp mà là chỉ để học cái cách người ta đã diễn đạt chuẩn đến mức… cần phải ghi nhớ để làm phong phú đời sống tâm hồn và để vận dụng, học theo trong đời. Những dạng câu đó đều mang tính “nêu gương”, người học cần phải bắt chước những “tấm gương” sáng đó.
Nhưng tuyệt đối không học thuộc để chỉ mà học thuộc. Đấy là vấn nạn của căn bệnh thành tích như đã nêu. Học thuộc theo kiểu học vẹt cũng là một dạng dối trá. Những người làm nhiệm vụ giáo dục, đặc biệt là người ra đề thi cần “khóa mõm” sự dối trá lại. Ở đây chúng tôi không chỉ nói việc ra đề thi cuối cấp hay cuối kì, mà trong bất cứ bài thi nào, thầy cô cũng phải luôn chú ý đừng để thói dối trá có cơ hội trỗi dậy. Lòng trung thực thường trực nguy cơ trả giá vì những thứ đồi bại luôn rình rập, nhưng cái giá để trả cho trung thực thì rất đáng trả, còn cái giá để trả cho dối trá thì vĩnh viễn nguy hại khôn lường.
Lê Huy Bắc
Hà Nội, 8/2019
(Bài đã in trên Báo Văn nghệ số 43/2019)