Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2019-2020, nằm trong chuỗi hoạt động chung của Trường Đại học sư phạm Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 37 năm ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2019), khoa Việt Nam học tổ chức Tuần rèn luyện nghiệp vụ Việt Nam học bắt đầu từ ngày 14/11 đến 20/11/2019.
Tuần rèn luyện nghiệp vụ nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em sinh viên ứng dụng, thực hành những nội dung kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nghề nghiệp đã được học để tạo ra những sản phẩm cụ thể. Sản phẩm nghiệp vụ đồng thời là cơ hội thể hiện tài năng, sự sáng tạo của sinh viên. Những sản phẩm chất lượng, kỳ công như những bó hoa tươi thắm dâng lên thầy cô trong ngày lễ 20/11. Mùa rèn luyện tạm khép lại nhưng dư âm của nó như còn lắng đọng mãi. Để các em sinh viên có một cái nhìn toàn diện về hoạt động nghiệp vụ, có thể phát huy những thế mạnh, những ưu điểm đồng thời hạn chế những nhược điểm, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận các ưu khuyết điểm chính như sau:
VỀ ƯU ĐIỂM
Trong mùa nghiệp vụ năm nay, sinh viên khoa Việt Nam học đã có sự đầu tư cần thiết cho sản phẩm của mình. Các bộ môn đều đã đổi mới với cách thức phù hợp để tư vấn, định hướng nghiệp vụ cho sinh viên nhằm hướng tới một hoạt động rèn luyện nghiệp vụ đúng nghĩa, đi vào thực chất (bộ môn Văn hóa, bộ môn Ngôn ngữ - truyền thông tổ chức gặp và tư vấn trực tiếp; bộ môn Du lịch thực hiện tư vấn online). Nhìn chung, cán bộ và sinh viên toàn khoa đã có sự chuẩn bị tốt cho hoạt động này, sinh viên đã có sự định hình nhất định về mục đích, nội dung và đã có sự đầu tư cần thiết. Chúng tôi nhận thấy, hoạt động rèn luyện năm nay có ba ưu điểm chính:
Ưu điểm ở việc chọn lựa đề tài:
Ở nghiệp vụ văn hóa, bộ môn đã đổi mới ở khâu hướng dẫn sinh viên lựa chọn đề tài, đó là việc khoanh vùng khu vực nghiên cứu vào phố phường Hà Nội với mong muốn, đối tượng nghiên cứu thật cụ thể, tránh dàn trải hoặc quá rộng, khó giải quyết triệt để như mọi năm. Theo đó, các đề tài sinh viên lựa chọn đã cụ thể hơn, vừa sức hơn. Có thể kể đến những cái tên như: Nghề in thủ công ở phố Hàng Bông, Phố sách, Phố bích họa Phùng Hưng, Gánh hàng rong – nét đẹp từ truyền thống đến đương đại của Hà Nội, Cầu Long Biên – chứng tích lịch sử, Hoa trong phố phường Hà Nội, Đi tìm lời giải cho xích lô, Trà đá vỉa hè hay Giao thông Hà Nội trong mắt người nước ngoài…, tổng cộng có 20 đề tài. Sự “thống nhất trong đa dạng” về đề tài đã gợi lên một Hà Nội phố đậm chất truyền thống và hiện đại với những thanh âm lao xao, chen lẫn bụi bặm của ngõ nhỏ, phố nhỏ, nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghiệp vụ du lịch có 13 nhóm với 13 đề tài, chủ yếu xoay quanh việc thiết kế tuor du lịch trải nghiệm từ một ngày đến ba ngày, đưa du khách đến với các điểm du lịch hấp dẫn như Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Pù Luông – thiên đường giữa đại ngàn, Thung Nham – Mai Châu, Bái Đính- Tràng An, Tam Đảo hay lên tận Sa Pa – Y Tý – Ô Quy Hồ. Đáng lưu ý, năm nay ở nghiệp vụ du lịch có một nhóm trình bày bằng tiếng Anh với một chủ đề hấp dẫn, vừa sức mà đẫm chất thơ, đó là chủ đề: Một ngày thu Hà Nội, đưa chúng ta đến với không gian của Hồ Gươm xanh và hàng liễu rủ, những ngõ phố xôn xao, ở đó có những con người Hà Nội đẹp và thơ đến nao lòng.
Nghiệp vụ báo chí – truyền thông trình làng với nhiều đề tài “nóng”, có tính thời sự, hướng đến giải quyết những vấn đề thực tiễn, gai góc của đời sống, đó là các phóng sự như Bãi giữa - đất và người kể lại câu chuyện về cặp vợ chồng già hơn 20 năm bám trụ ở bãi giữa sông Hồng kiếm từng đồng mỗi ngày từ mỗi luống rau; phóng sự về một người phụ nữ ở Hà Nam sống bằng nghề nhặt rác, hàng ngày thu gom xác thai nhi bị vứt bỏ về nhà tắm rửa, chôn cất cẩn thận và nuôi dưỡng ba đứa trẻ bị bỏ rơi, phóng sự về mặt trái của tủ quần áo từ thiện công cộng giữa lòng thủ đô hay phóng sự về hoạt động của tổ chức phi Chính phủ mang tên School on the boat… Đáng lưu ý, năm nay xuất hiện một số sản phẩm thể hiện sự gắn bó, tình yêu và niềm tin vào sự nghiệp đào tạo của Khoa qua những tìm hiểu, giới thiệu khá đầy đủ, toàn diện bằng hình thức bích báo.
Có thể nói, qua tổng quan trên đây cho thấy, đề tài năm nay phong phú, có “tính vấn đề”, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của sinh viên trong cách lựa chọn vấn đề nghiên cứu.
Ưu điểm về tinh thần, thái độ rèn luyện: Đa phần sinh viên đều đáng tuyên dương, khen ngợi về thái độ nghiêm túc, cần cù, tinh thần đam mê và nhiệt huyết để trải nghiệm những khó khăn, thử thách của nghề nghiệp. Nhiều sinh viên đã thực sự đầu tư về thời gian, công sức để có sản phẩm hay, thể hiện tinh thần và đạo đức nghề nghiệp. Nhiều đề tài được thực hiện dưới hình thức liên khóa, cho thấy khả năng và tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau của sinh viên Việt Nam học. Đây được xem là ưu điểm thứ hai và là ưu điểm đáng phát huy của Tuần rèn luyện năm nay.
Thứ ba là ưu điểm về chất lượng sản phẩm: Với khoảng thời gian không dài cho việc rèn luyện nghiệp vụ, các sản phẩm được trình làng đa số đều có chất lượng tốt, thể hiện đúng chất rèn luyện nghiệp vụ cũng như sự chuyên nghiệp của sinh viên theo từng năm.
MỘT SỐ TRAO ĐỔI, GÓP Ý ĐỂ HOẠT ĐỘNG RÈN LUYỆN NGHIỆP VỤ THÀNH CÔNG HƠN TRONG CÁC NĂM TIẾP THEO
Đối với nghiệp vụ văn hóa:
- Nhiều video-clip được làm với thời gian quá dài, kỹ thuật phỏng vấn chưa thuần thục và chưa để ý đến kỹ thuật lọc tạp âm. Với nhược điểm này, thầy cô mong các em sẽ cẩn thận hơn, trau chuốt hơn với sản phẩm của mình. Đặc biệt, cần có bước “nghiệm thu” trước khi “mang chuông đi đánh xứ người” để có một sản phẩm tốt nhất. Hiện tượng sản phẩm làm ra rất mất tâm sức nhưng do kỹ thuật trình bày không đảm bảo, dẫn đến việc thầy cô và các bạn không được xem trọn vẹn sản phẩm của các em thực sự là một điều đáng tiếc.
- Một số sản phẩm có nội dung hời hợt, thậm chí đã cũ và nhàm chán, các phần chưa có tính kết nối trong một chỉnh thể, tính mục tiêu chưa được bám sát khi thực hiện đề tài nên thông điệp của sản phẩm không rõ. Nêu ra thực trạng này, thầy cô mong muốn các em mở rộng các kênh tiếp thu, tăng khả năng đọc và phát hiện vấn đề. Đặc biệt, với mỗi vấn đề đã được lựa chọn, các em cần dành thời gian nghiên cứu, có bước quan trọng là “vỡ chủ đề”, tìm ra điểm mấu chốt cần thể hiện và tìm được phương pháp, cách thức để thể hiện nó.
Đối với nghiệp vụ du lịch
- Nhiều sản phẩm gây cảm giác chưa có sự đầu tư thời gian tự trải nghiệm các sản phẩm du lịch trong thực tế để tự trau dồi kiến thức và bồi đắp kinh nghiệm. Về vấn đề này, thầy cô mong muốn các em sẽ có sự đầu tư hơn. Nghiệp vụ du lịch cần thiết nhất là sự trải nghiệm thực tế, từ trải nghiệm các em sẽ có được những “kinh nghiệm xương máu” khi thực hành nghề.
- Một số sản phẩm chưa có sự sáng tạo, vẫn đi theo một lối mòn đã cũ với những thiết kế tour cũ. Các thầy cô mong các em sẽ sáng tạo hơn trong việc làm mới sản phẩm, tự bứt phá để vượt ngưỡng của bản thân, tìm đến và chinh phục những thử thách, những đỉnh cao mới.
- Một điểm không phải là nhược điểm nhưng là một vấn đề đặt ra để các em nỗ lực hơn đó là việc sử dụng ngoại ngữ trong trình bày sản phẩm du lịch. Làm được điều này sẽ giúp các em chuẩn bị tốt hơn nữa cho cơ hội tìm kiếm việc làm tốt sau khi ra trường.
Đối với nghiệp vụ báo chí truyền thông:
- Nhóm sản phẩm báo in hoặc phóng sự ảnh chưa thực sự thể hiện năng lực tiếp cận, khai thác ý tưởng mới mẻ cũng như sự chắc tay trong kĩ năng sử dụng ngôn ngữ báo chí, trong khâu bố cục, in ấn theo chuẩn form của 1 sản phẩm báo in hay phóng sự ảnh. Các thầy cô mong các em sẽ nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt là ngôn ngữ chuyên biệt trong thiết kế các sản phẩm nghiệp vụ. Ở đây là ngôn ngữ báo chí.
- Một số sản phẩm chưa đầu tư xứng đáng về công sức, ý tưởng, kỹ thuật; một số lại chưa làm nổi rõ thông điệp hoặc triển khai ý tưởng chưa “tới”, chưa đa chiều, sâu sắc; nội dung nhiều chỗ còn loãng và dàn trải; 1 số video clip xử lý kĩ thuật lọc tạp âm chưa tốt;… Ở điểm trao đổi này, các thầy cô mong muốn ở những mùa rèn luyện nghiệp vụ sau này, các em cần tập trung hơn trong việc giải mã vấn đề, đặc biệt là đảm bảo và kiên trì “tính mục tiêu” trong các sản phẩm nghiệp vụ.
Tuy còn những vấn đề trao đổi song nhìn nhận lại Tuần rèn luyện nghiệp vụ năm nay chúng tôi thấy, ưu điểm lấn át nhược điểm, các thầy cô và các em sinh viên đều đã vào cuộc với một tinh thần phấn khởi, trách nhiệm và nỗ lực cao. Chúng tôi xin được ghi nhận những đóng góp đó và mong rằng, trong các đợt rèn luyện tiếp theo, chúng ta sẽ có những sản phẩm tròn trịa hơn, đúng chất hơn và rạng rỡ hơn nữa.
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài