1. SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở KHOA VIỆT NAM HỌC, MỘT NĂM NHÌN LẠI
Khoa Việt Nam học, kể từ ngày đầu thành lập năm 2005, đến nay đã 14 mùa sinh viên nghiên cứu khoa học. Là một khoa phi sư phạm mang tính liên ngành cao, Khoa Việt Nam học cung cấp cho người học những kiến thức đa ngành và phong phú cả về lý thuyết lẫn ứng dụng nghề nghiệp về đất nước học. Trải qua nhiều lần điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, chương trình hiện nay đã hướng đến đào tạo cho người học kiến thức cơ bản, kĩ năng cần thiết, trí tò mò và sáng tạo không giới hạn với các vấn đề khoa học và thực tiễn.
Nghiên cứu khoa học trong sinh viên là một mảng quan trọng được các em học sinh, các thầy cô giáo, BNC Khoa và Nhà trường quan tâm vì hoạt động này giúp sinh viên đào sâu biển kiến thức, hình thành và rèn giũa kĩ năng nghiên cứu, kĩ năng thuyết trình khoa học, giao lưu học thuật với các bạn trong khoa và các thầy cô. Đây cũng là cơ hội để sinh viên đi tìm niềm đam mê và tự tin trong khoa học, tạo tiền đề cho sự hình thành những nhà khoa học trong tương lai.
Năm học 2018 – 2019, việc sinh viên nghiên cứu khoa học đã được trải ra trong cả năm ở các hoạt động học tập, và tập trung lại nhất ở phong trào dự thi báo cáo khoa học.
Từ tháng 10 năm 2018, sau thông báo của Khoa, các bạn sinh viên đã đăng kí nguyện vọng và tìm đề tài, tìm giáo viên hướng dẫn. Nhưng quá trình làm nghiên cứu khoa học là một quá trình gian khổ. Có nhóm đã nản chí ngay từ việc chọn đề tài, vì cảm thấy vấn đề nào cũng đã có người nghiên cứu đi trước. Có nhóm dừng lại vì không thể tổ chức điền dã dài ngày trong khi lịch học và thực tập dày đặc. Có nhóm đi đến chặng đường viết bài thì không thể tiếp tục, vì không chịu nổi áp lực của việc phải thâu tóm lịch sử nghiên cứu không lồ đi trước và làm rõ đóng góp của báo cáo khoa học nhỏ bé của mình. Cũng có bạn, sau khi đã nộp báo cáo, thì không đủ tự tin để đứng lên thuyết trình về nó trước Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Có rất nhiều những khó khăn trên bước đường làm nghiên cứu, nhưng, vượt qua tất cả, vẫn có những cá nhân và nhóm nghiên cứu đi đến tận cùng của con đường, đam mê, dũng cảm, và tự tin, có mặt trình bày nghiên cứu khoa học của mình tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học toàn khoa.
Xin chúc mừng các bạn, những con người không dừng lại, những con người chiến thắng!
2. MỘT KỶ YẾU ĐẬM SẮC MÀU VĂN HÓA VÀ DU LỊCH
Các báo cáo năm nay vẫn đa dạng về đề tài và chuyên ngành, nhưng tạo nên hai mũi nhọn là nghiên cứu văn hóa và du lịch. 6 báo cáo chọn trình bày trong Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học đều là những báo cáo có đề tài và cách khai thác mới mẻ, đồng thời thể hiện sự dấn thân của các tác giả, đặc biệt là nhóm sinh viên năm thứ nhất.
Báo cáo “Hai Bà Trưng - Từ truyền thuyết đến lễ hội thờ Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc” của nhóm tác giả Đỗ Thùy Trang, Trần Diệu Linh, Bùi Thị Kiều Oanh K68 VNH đã khảo sát và nhận diện những truyền thuyết liên quan đến lễ hội Hai Bà ở đền Hạ Lôi, Vĩnh Phúc. Những câu chuyện lưu truyền ở đây khiến cho lễ hội đền Hạ Lôi vừa phản ánh cảm quan lịch sử của người dân, vừa cho thấy sức sáng tạo của người Hạ Lôi khi tạo nên những liên hệ truyền thuyết rất địa phương với nhân vật được phụng thờ.
Báo cáo “Vấn đề hôn nhân trong đạo công giáo” của sinh viên Phạm Minh Hiếu, K68VNH, đã nghiên cứu về các bí tích liên quan đến hôn nhân trong cộng đồng côn giáo ở Nam Định. Trong đó, tác giả báo cáo đi sâu hơn vào các hiện tượng hôn nhân khác giáo nhằm chỉ ra những vấn đề tồn tại gây ra khó khăn băn khoăn của người trong cuộc, như việc hôn nhân khác giáo là một nguyên nhân của hiện tượng cản trở hôn nhân, hiện tượng bỏ đạo, hiện tượng mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, v.v. Dựa vào các kết quả phỏng vấn sâu, báo cáo đề xuất một số biện pháp, trong đó có biện pháp đề xuất nới rộng các quy định trong đạo.
Báo cáo “Về một thói quen ăn uống của người Việt Nam” của tác giả Đình Thị Quyên, sinh viên K66VNH, đã mạnh dạn đi vào một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi là dự luật của UBND Thành phố Hà Nội về việc cấm giết mổ và kinh doanh thịt chó trên địa bàn Hà Nội. Để đưa ra cái nhìn đa chiều, báo cáo đã khảo sát thói quen ăn thịt chó của người Việt qua nhiều phương diện như thói quen ăn uống xả xui, quan niệm ăn thịt chó bổ dưỡng chữa bệnh, và ăn thịt chó như một nghi lễ cộng đồng. Tác giả báo cáo còn khảo sát trên phạm vi một khu vực Hà Nội để thấy được mặc dù ăn thịt chó là một hiện tượng phổ biến trước đây, đa số người dân lại ủng hộ dự luật này. Kết quả khảo sát thú vị này được tác giả báo cáo giải thích trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa và sự du nhập các giá trị toàn cầu, trong đó có vai trò không nhỏ của các phong trào chống ăn thịt thú cưng toàn cầu.
Báo cáo “Logo và Slogan của ngành du lịch Việt Nam qua các thời kì” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt K68VNH đã lựa chọn nghiên cứu logo và slogan, một đối tượng chưa được nghiên cứu nhiều trong các báo cáo chuyên ngành du lịch trước đây. Qua khảo sát các thời kì của logo và slogan của ngành du lịch Việt Nam, phân tích các ưu, nhược và sức ảnh hưởng, nhóm đã thử đề xuất logo và slogan mới cho ngành du lịch Việt Nam trong thập kỉ 20 của thế kỉ 21. Hãy thử đọc lên slogan “Việt Nam vẻ đẹp trỗi dậy” và nghĩ đến diện mạo của du lịch Việt Nam 2020-2025 😊
Báo cáo “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng” của nhóm 3 tác giả Bùi Thị Kim Oanh, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Thu Phương K68 VNH nằm trong nhóm đề tài nghiên cứu liên ngành văn hóa – truyền thông, đề cập đến hiện tượng thực hành văn hóa lễ hội đương đại trong mối quan hệ phức tạp với truyền thông, chủ thể văn hóa, và đối tượng bên ngoài, bao gồm nhà quản lý, nhà nghiên cứu, và cả những người bình luận trên mạng xã hội và truyền thông internet. Báo cáo gây hứng thú cho người nghe và tạo nên nhiều tranh luận sôi nổi vì đã đưa ra cách nhìn bảo vệ tính đa dạng văn hóa và quyền của chủ thể văn hóa.
Báo cáo “Quốc vũ một số nước Đông Nam Á trong bối cảnh hội nhập và những mối liên hệ với Việt Nam” của Nguyễn Văn Thiên, sinh viên K65VNH đã cho thấy một hướng chọn đề tài liên ngành Văn hóa – Lịch sử. Tác giả đi vào tìm hiểu các điệu múa được chọn làm quốc vũ của Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonexia, Bruney, để phân tích giá trị văn hóa và sức ảnh hưởng ngoại giao của các điệu múa này trong việc tạo lập hình ảnh các quốc gia trên trường quốc tế. Từ đó, Nguyễn Văn Thiên trở lại với khảo sát và mô tả về một số điệu múa của các dân tộc Việt Nam, với tham vọng đề xuất quốc vũ của Việt Nam. Báo cáo tạo nên nhiều tranh luận về việc có nên chọn một quốc vũ, nếu chọn thì sẽ là điệu múa nào, và quốc vũ một quốc gia có thể là điệu múa của một dân tộc thiểu số trong quốc gia đó không.
Hai báo cáo sau cùng được Hội đồng Khoa học Khoa đánh giá cao hơn cả và được đề xuất gửi dự thi vòng tiếp theo. Chúc mừng các tác giả báo cáo và chúc các em một hành trình tiếp theo đầy thử thách và thành tựu.
3. HƯỚNG ĐI NÀO CHO SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG TƯƠNG LAI
Trong bối cảnh cách mạng số và toàn cầu hóa thâm nhập vào giảng đường đại học, sinh viên có nhu cầu và bị thúc bách bởi xã hội phải đi tìm việc làm thêm, chuẩn bị cho khi ra trường, việc nghiên cứu khoa học dường như bớt đi nhiều phần sôi nổi.
Tuy nhiên, các kĩ năng trong nghiên cứu khoa học, như kĩ năng khảo tài liệu, xử lý và làm chủ lượng thông tin lớn, thực địa và thu thập tư liệu, phân tích và khái quát vấn đề, trình bày ý kiến khoa học trong văn nói và văn viết, vẫn là những kĩ năng sinh tồn và phát triển sự nghiệp sau khi ra trường.
Vì thế, không ngừng nhận thức đúng và nhận thức lại niềm vui và sự hữu ích của hoạt động trong mỗi mùa nghiên cứu khoa học vẫn là điều cần làm của sinh viên, các thầy cô, ban lãnh đạo Khoa và Nhà trường.
Cụ thể, năm học tới, công tác nghiên cứu khoa học nên được triển khai ngay từ đầu năm học, bằng một sinh hoạt giao lưu học thuật giữa sinh viên các khóa, trong đó các sinh viên có giải từ năm trước có thể chia sẻ kinh nghiệm làm BCKH. Các thầy cô giáo dạy môn nào được khuyến khích để giao đề tài cho sinh viên ngay khi dạy môn học đó; đặc biệt những môn chuyên ngành có làm tiểu luận hết môn.
Sự lãnh đạo của BCN Khoa và sự tích cực của Trợ lý NCKH đóng vai trò không nhỏ. BCN Khoa cần có chính sách động viên SV có giải và CB có nhiều SV NCKHK. Ngoài ra, Chi đoàn CB trẻ cũng có thể góp quỹ và công sức để động viên Liên chi đoàn sinh viên trong phong trào này.
Với những định hướng cụ thể và khả thi trên, Phong trào SV NCKH năm học tới hứa hẹn sẽ có triển vọng tốt đẹp.
Hà Nội, ngày 24/4/2018
TS. Ngô Thị Diễm Hằng, Trợ lý Nghiên cứu Khoa học