Xuất phát từ 7h15 phút sáng, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là ngôi Chùa Keo Thái Bình có tuổi đời gần 400 năm, là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như nguyên vẹn. Với quy mô rộng lớn gồm nhiều công trình bề thế, chùa được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ, minh chứng cho sự tài hoa của những nghệ nhân thời nhà Lê. Như đã hẹn trước, tại đây, cán bộ 2 khoa Việt Nam học và Lí luận chính trị - Giáo dục công dân đã có những tấm hình kỉ niệm đánh dấu sự “hữu duyên” hiếm có. Tiết trời mùa xuân dịu mát và không gian tôn giáo linh thiêng của ngôi chùa 400 năm tuổi khiến cho khoảnh khắc gặp gỡ giao lưu thêm chân tình, ấm áp. Đó cũng chính là lí do Chùa Keo giữ chân đoàn lâu nhất.
12h, đoàn du xuân của 2 khoa di chuyển về nhà hàng Kiều Trang II (Nam Định) cùng nhau thưởng thức bữa trưa với các loại hải sản nướng tại bàn. Lãnh đạo và cán bộ 2 khoa lại có thêm cơ hội giao lưu để thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó.
Buổi chiều, đoàn khoa Việt Nam học tiếp tục hành trình về với đề Tiên La – ngôi đền linh thiêng thờ nữ tướng Bát Nạn tướng quân lừng danh thời Hai Bà Trưng và Đền Trần Hưng Hà – nơi phát tích và khởi dựng cơ nghiệp vương triều nhà Trần cách đây hơn 700 năm. Điều đặc biệt khi đến đền Trần Hưng Hà là đoàn được hòa mình vào không khí khẩn trương của những công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho lễ khai hội đền Trần 13 – 18 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014 với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ…
Dời đền Trần Thái Bình, đoàn cùng nhau về lại Hà Nội ăn bữa tối ấm cúng tại nhà hàng Cá Hội Thác Bạc – 44 Nguyễn Thị Định với sự tham gia của nhiều gia đình cán bộ trong khoa, kết thúc hành trình du xuân 2019 nhiều cảm xúc, cùng nhau hy vọng và mong ước những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với toàn thể cán bộ khoa Việt Nam học trong năm Kỷ Hợi.
BCH Công đoàn khoa