Cuộc đời là những chuyến đi
Sáng ngày 25 tháng 03 năm 2018, chúng tôi lên máy bay lúc 6h30 phút và đặt chân đến Thành phố Đà Nẵng lúc 7h30 phút. Vì đi máy bay nên dường như mọi người không hề mệt mỏi và chúng tôi đã bắt đầu chuyến đi thực tế cuối cùng của đời sinh viên với sự háo hức khôn nguôi. Điểm dừng chân đầu tiên là Chùa Linh Ứng - bán đảo Sơn Trà. Nơi đây, có tượng Phật bà 65m cao nhất Việt Nam. Chúng tôi được hòa mình vào không gian vừa linh thiêng vừa rất đỗi hùng vĩ, nên thơ.

( Hành trang tại sân bay)

(Phật bà Quan Âm - Chùa Linh Ứng)
Vào 16h30 , chúng tôi lại hào hứng và tràn đầy năng lượng tiếp tục cuộc hành trình tiến về Hội An – thành phố cổ được UNESCO công nhân là Di sản Văn hóa thế giới năm 1999. Theo chân chị hướng dẫn viên tại điểm, chúng tôi được tìm hiểu về lịch sử và kiến trúc của Hội quán Quảng Đông, nhà cổ, chùa Cầu (chùa Nhật Bản). Ngoài ra chúng tôi còn có một khoảng tời gian rất lâu để tự tham quan, khám phá chợ đêm với hàng nghìn ánh đèn lồng lung linh; thưởng thức các món ăn đặc sản như cao lầu, cơm gà, mì Quảng,…



( Hội An chiều - khi lên đèn)
Huế dịu dàng
Ngày 26/03, chúng tôi thức dậy sớm và tiếp tục cuộc hành trình đến với Thừa Thiên Huế. 11h sáng, 2 đoàn xe khoa Việt Nam học trường đại học sư phạm Hà Nội đặt chân đến lăng Khải Định hay còn gọi là Ứng lăng. Lăng được xây dựng từ năm 1920 đến 1931, trên đỉnh núi Châu Ê, cách Huế 10km. Lăng Khải Định như một tòa lâu đài đồ sộ xây bên triền núi. Chúng tôi đã vô cùng choáng ngợp trong không gian lăng tẩm vô cùng hiện đại, đẹp và tinh xảo của vị vua đời thứ 12 của vương triều Nguyễn.


( Lăng vua Khải Định)
Buổi chiều hôm đó chúng tôi lại lên xe di chuyển về Đại nội Kinh thành Huế với Điện Thái Hòa, Thế Miếu, Cửu Đỉnh, Hiển Lâm Các. Mỗi công trình đều là những nét đặc trưng riêng biệt, không chỉ về kiến trúc, thiên nhiên bao quanh, chức năng nhưng vẫn hài hòa trong không gian tổng thể góp phần cho Huế thêm cổ kính. Không những thế, ở Huế còn có chùa Thiên Mụ - một trong những biểu tượng của Huế. Ngôi chùa trầm lắng cổ kính, soi bóng bên dòng sông Hương thơ mộng.


( Đại Nội Kinh Thành Huế)

( Chùa Thiên Mụ)
Những mảnh đất đau thương của lịch sử
Sáng sớm 27/03 chúng tối tiếp tục hướng thẳng xe về Quảng trị - Quảng Bình. Ở đây chúng tôi được tham quan Thành cổ Quảng Trị. Nơi đây đúng 45 năm về trước từng diễn ra cuộc chiến tranh nảy lửa giữa quân đội Việt Nam dân chủ cộng hòa và chính quyền Mỹ - Ngụy suốt 81 ngày đêm. Trên một diện tích với chu vi chưa đầy 3km, thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu một lượng bom đạn với sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945. Dưới lớp đất kia là biết bao hài cốt các liệt sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Khi lắng nghe những lời nói đầy truyền cảm của anh thuyết minh viên, nhiều bạn đã không dấu nổi sự xúc động. Ai cũng tự hứa với lòng cần phải cố gắng học tập để dựng xây đất nước, xứng đáng với sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ.


( Thành cổ quảng Trị-Nơi các anh ngã xướng )

(Cô và sinh viên K65-Việt Nam học dâng lễ tại thành cổ Quảng Trị)
Sau khi dâng nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đoàn xe chúng tôi tiếp tục đặt chân đến Nghĩa trang liệt sĩ đường 9 năm bên cạnh đường quốc lộ 9. Đây là nơi yên nghỉ của một vạn các liệt sĩ với đầy đủ ba thứ quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.



(Cô cùng sinh viên K65 dâng hương tại nghĩa trang Đường 9)
Những sư hi sinh bất tử
Sáng sớm ngày 28/03, chúng tôi đã ghé thăm viếng thung lũng Vũng Chùa nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Đại Tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi cùng dân những nén hương thơm tưởng nhớ Bác trong niềm biết ơn sâu sắc.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với Ngã ba Đồng Lộc – giao điểm của quốc lộ 15A. Đây là di tích lịch sử gắn liền với việc 10 cô gái thanh niên xung phong trong chiến tranh bị bom của Mỹ giết chết. Bằng giọng nói truyền cảm của chị thuyết minh viên tại điểm chúng tôi đều xúc động, nghẹn ngào trước sự hi sinh cao cả của các nữ anh hùng. Đoàn đã dâng nén hương thơm lên mộ các chị , mong các chị yên giấc mãi ngàn thu.

(Cô Nguyễn Thùy Linh dâng hương tại mộ 10 cô gái thanh niên xung phong)
Buổi chiều, 2 đoàn xe khởi hành đi thăm quê nội và quê ngoại Bác tại Nghệ An, nghe câu chuyện cảm động về cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh qua giọng kể của chị hướng dẫn viên. Quê nhà bác bình yên đến lạ lùng, cảnh vật đơn sơ khiến lòng người nhẹ nhàng, bâng khuâng.
Tối 28/04, có lẽ là buổi tối khó quên nhất trong lòng mỗi chúng tôi! Bằng sự đoàn kết gắn bó, tập thể lớp K65 cùng với các bạn sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc đã tổ chức thành công đêm gala – bữa tiệc âm nhạc hoành tráng và đáng nhớ nhất thời sinh viên. Mở màn là lời khai tiệc của Giảng Viên Ngô Thị Diễm Hằng, mọi người cùng ăn uống vui vẻ. Tiếp đó là màn Popping sôi động đốt cháy sân khấu cùng vơi màn song ca đầy ý nghĩa của Chi và Mai với ca khúc Hàn Quốc. Ngoài ra không thể không nhắc đến sự góp mặt của một giọng ca vô cùng đặc biệt – giảng viên Hoàng Hiền Lê với “Tình ta biển bạc đồng xanh” nhẹ nhàng mà duyên dáng. Để buổi gala thêm phần hứng thú, các bạn còn tổ chức nhiều trò chơi hấp dẫn. Giải thưởng thật giản dị, quen thuộc mà ý nghĩa biết bao! Đêm gala đã gắn kết tất cả chúng tôi lại với nhau, mọi khoảng cách dường như bị xóa nhòa và chúng tôi là anh em một nhà – anh em dưới mái nhà chung Việt Nam học.




Đi xa để trở về
Sáng ngày 29/03, chúng tôi khởi hành về hà Nội, trên đường về đoàn tham quan khu di tích lịch sử Lam Kinh. Tại đây chúng tôi được tham quan khu chính điện, hoàng cung bia mộ, song ngọc cùng với các công trình kiến trúc đậm nét nhà Lê. Chúng tôi dâng hương tưởng nhớ vua Lê Lợi tại bia Vĩnh lăng nằm trên lưng con rùa.




Sau khi ăn trưa, chúng tôi tạm biệt Thanh Hóa để trở về Hà Nội. 19h30 phút, chúng tôi có mặt tại trường Đại học sư phạm hà Nội, kiến thức chuyến đi thực tế. Chuyến đi không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành bổ ích, hiểu rõ các nghiệp vụ thức tế, mà còn học hỏi được những kĩ năng giao tiếp, những kinh nghiệm quý báu của các anh chị hướng dẫn viên theo xe và hướng dẫn viên tại điểm. Đếm sao hết những kỉ niệm còn đọng lại trong tim mỗi người! Qua đó chúng tôi càng cảm thấy yêu khoa mình hơn, yêu chuyên ngành Việt Nam học mình hơn, yêu nghề mình hơn.
Nhóm sinh viên báo chí K65 VNH