Đối với khoa Việt Nam học, nghiên cứu khoa học đã trở thành một hoạt động thường niên. Mặc dù số lượng sinh viên không lớn như nhiều khoa khác trong trường nhưng gần như năm nào, khoa Việt Nam học cũng có báo cáo tham dự và đạt giải các cấp. Từ hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ nhất năm học 2004-2005 đến nay là tròn mười lăm kì hội nghị, khoa chúng ta vinh dự có một báo cáo đạt giải Ba cấp Bộ năm 2007 và một báo cáo đạt giải Khuyến khích cấp Bộ năm 2009, nhiều báo cáo đã có tên và đạt giải cao trong Hội nghị cấp Trường.
Theo tinh thần đó, Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2019-2020 - kì hội nghị thứ 15 của khoa Việt Nam học đã được tổ chức vào chiều ngày 11/5/2020. Được triển khai ngay từ học kỳ 1 với sự chỉ đạo sát sao của Ban chủ nhiệm khoa cùng sự phổ biến, vận động nhiệt tình của các thầy, cô giáo, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh COVID-19, tổng số báo cáo của năm nay chỉ có 8 BC, trong đó lực lượng chủ đạo là K68 với số lượng áp đảo là 7/8 BC. Có 2 BC được thực hiện dưới sự liên kết giữa các khóa sinh viên khác nhau. Còn các sinh viên năm cuối K66 có lẽ vì bận rộn cho kì thực tập và khóa luận tốt nghiệp nên chỉ đạt được một số lượng khiêm tốn là 1 BC. Số lượng BC giảm sút một phần có lí do khách quan là thời gian thực hiện có phần gấp rút, chỉ gói gọn trong khoảng 2 tháng, lại đúng vào thời kì dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Nhưng lí do lớn nhất chính là ở các bạn sinh viên khi các bạn chưa vượt lên được sức ỳ của chính bản thân. Gặp khó khăn là bỏ. Không có kế hoạch dài hơi, nước đến chân không kịp nhảy nữa thì đổ lỗi cho thời gian. Một số bạn có những suy nghĩ rất thực tế: NCKH không phục vụ gì cho nghề nghiệp trong tương lai, có làm NCKH cũng không thay đổi được tấm bằng TN. Sự tỉnh táo này của các bạn đã làm thui chột đi niềm đam mê và hứng thú cần có đối với người làm KH.
Trong tổng số 8 báo cáo, số lượng báo cáo thuộc chuyên ngành Văn hoá, như mọi năm, vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo với 4 BC (50%), báo cáo thuộc chuyên ngành Văn học -Ngôn ngữ chiếm 3 BC và lần đầu tiên chúng ta có 1 BC thuộc chuyên ngành Khoa học Giáo dục. Đây là một điểm mới và cũng là một điểm sáng của BCKH năm nay.
Đó là về mặt số lượng, còn về mặt chất lượng? Trước hết, sự lựa chọn đề tài của sinh viên, cũng như trong các hội nghị trước nổi bật lên hai hướng chọn lựa. Một là những BC đi theo hướng khai thác những nét ngôn ngữ, văn học và văn hóa truyền thống của dân tộc như: “Nón lá làng Chuông trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương” của Quản Thanh Loan, Nguyễn Thúy Ngọc, Nguyễn Lệ Quyên, Nguyễn Thị Minh Trang, Nguyễn Thu Trang (K68B) hay “Bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa trong hát ca trù ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội” của nhóm SV Cao Thị Loan, Tạ Thị Bích Loan, Bùi Thị Kim Oanh, Bùi Thị Kiều Phương, Đinh Thị Thu Trang (K68B), Xây dựng Từ điển biểu tượng về di tích và lễ hội Đền Và - Đoàn Thị Kiều Lan Anh (K68A), Nguyễn Thị Mai Anh, Lê Trường Giang (K69A); Đặc điểm ngữ âm của thổ ngữ Lộc Hà – Hà Tĩnh - Đặng Hà Linh, Nguyễn Thị Phương, K68B; Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của Việt Nam và Trung Quốc qua một số uyển ngữ chỉ “cái chết” - Nguyễn Thị Linh, K66A. Các báo cáo theo hướng này phần lớn mang tính chất tìm hiểu và tái hiện, giúp sinh viên tìm về những hiểu biết về các giá trị văn hóa, văn học, ngôn ngữ của dân tộc, từ đó đề xuất những giải pháp để bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa đó trong đời sống hiện đại.
Hướng đi thứ hai thu hút được khá nhiều sự quan tâm của các bạn SV đó là tìm hiểu các giá trị văn hóa đương đại hoặc đặt các giá trị văn hóa trong cái nhìn đối sánh giữa truyền thống và hiện đại. Một trong những vấn đề văn hóa đương đại đang thu hút được sự quan tâm là vấn đề “nhạc trẻ Việt Nam” hiện nay. Các SV Lăng Thị Khánh Linh, Ngô Thị Thanh, K68B đã tìm hiểu về Hiện tượng tái sáng tạo ngữ liệu văn học Việt Nam trong nhạc trẻ hiện nay. Các nhóm SV này đã phân tích hiện tượng văn hóa đương đại này từ nhiều phương diện và thể hiện quan điểm khoa học của mình để góp phần định hướng không chỉ cho các bạn trẻ mà cho cả các nhạc sĩ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập. Đặc biệt, có những đề tài rất mới mẻ, mang tính thời sự, cho thấy sự nhanh nhạy trong việc phát hiện vấn đề nghiên cứu của tác giả như Giáo dục di sản văn hóa ở các tộc người thiểu số hiện nay từ góc nhìn truyền thông (nghiên cứu trường hợp văn hóa Cao Lan) - Đặng Trần Minh Anh(K67A), Âu Dương Hoàng (K68A), hay Tiếp cận liên ngành Việt Nam học trong thiết kế hoạt động trải nghiệm liên môn Khoa học Xã hội cho học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội - Hoàng Thị Hằng, Phạm Minh Hiếu, Tạ Tuấn Hưng (K68A). Các BC này đã phát hiện ra những nét đẹp mới của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tìm ra những giá trị vận dụng nó vào thực tiễn. Điều đáng quý là các BC này đều mang đặc thù của chuyên ngành VNH, là những “đặc sản” không thể trộn lẫn khi các tác giả biết lồng ghép những giá trị khoa học với những giá trị về nghiệp vụ.
Hầu hết các báo cáo đều có ý thức xác định các phương pháp nghiên cứu cần thiết dựa trên đối tượng nghiên cứu cụ thể. Một số báo cáo đã sử dụng hiệu quả phương pháp điền dã, khảo sát, điều tra kết hợp với phân tích và tổng hợp tư liệu. Điểm đặc biệt là năm nay, số lượng BCKH vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành rất nhiều: VD ngôn ngữ - văn hóa, địa lý – văn hóa, lịch sử - văn hóa... Những phương pháp nghiên cứu này rất được khuyến khích.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực về mặt chất lượng, vẫn cần phải thẳng thắn chỉ ra một số điểm chưa làm được của chúng ta. Vẫn còn tồn tại một số trường hợp sinh viên chưa biết cách làm BCKH cho đúng trình tự và quy cách. Có nhiều bạn gặp khó khăn về đề tài, về cách giải quyết vấn đề, cách điều tra, khảo sát, v.v… nhưng lại ngại liên lạc với người hướng dẫn để tìm cách giải quyết. Có những bạn chưa biết làm Thư mục Tài liệu tham khảo hoặc chưa biết viết một báo cáo tóm tắt cho đúng thể lệ. Mong rằng qua lần tập dượt đầu tiên này, các bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong cách làm việc.
Kết quả cuối cùng của Hội nghị như sau:
STT
|
Đề tài
|
Chuyên ngành
|
Sinh viên thực hiện
|
Người hướng dẫn
|
Giải
|
1
|
Tiếp cận liên ngành Việt Nam học trong thiết kế hoạt động trải nghiệm liên môn Khoa học Xã hội cho học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội
|
Khoa học Giáo dục
|
Hoàng Thị Hằng, Phạm Minh Hiếu, Tạ Tuấn Hưng (K68A)
|
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài
|
Nhất
|
2
|
Hiện tượng tái sáng tạo ngữ liệu văn học Việt Nam trong nhạc trẻ hiện nay
|
Văn học
|
Lăng Thị Khánh Linh, Ngô Thị Thanh (K68B)
|
TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung
|
Nhì
|
3
|
Tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của Việt Nam và Trung Quốc qua một số uyển ngữ chỉ “cái chết”
|
Ngôn ngữ
|
Nguyễn Thị Linh (K66A)
|
TS. Đỗ Phương Thảo
|
Nhì
|
4
|
Giáo dục di sản văn hóa ở các tộc người thiểu số hiện nay từ góc nhìn truyền thông (nghiên cứu trường hợp văn hóa Cao Lan)
|
Văn hóa
|
Đặng Trần Minh Anh(K67A), Âu Dương Hoàng (K68A)
|
TS. Mai Thị Hạnh
|
Ba
|
5
|
Bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa trong hát Ca Trù ở xã Thượng Mỗ - huyện Đan Phượng – Hà Nội
|
Văn hóa
|
Cao Thị Loan, Tạ Thị Bích Loan, Bùi Thị Kim Oanh, Bùi Thị Kiều Phương, Đinh Thị Thu Trang (K68B)
|
PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
|
Ba
|
6
|
Xây dựng Từ điển biểu tượng về di tích và lễ hội Đền Và
|
Văn hóa
|
Đoàn Thị Kiều Lan Anh (K68A), Nguyễn Thị Mai Anh, Lê Trường Giang (K69A)
|
ThS. Nguyễn Thùy Linh
|
Ba
|
7
|
Đặc điểm ngữ âm của thổ ngữ Lộc Hà – Hà Tĩnh
|
Ngôn ngữ
|
Đặng Hà Linh, Nguyễn Thị Phương (K68B)
|
TS. Phạm Thị Mai Hương
|
Khuyến khích
|
8
|
Nón lá làng Chuông trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương
|
Văn hóa
|
Quản Thanh Loan, Nguyễn Thúy Ngọc, Nguyễn Lệ Quyên, Nguyễn Thị Minh Trang, Nguyễn Thu Trang (K68B)
|
TS. Đặng Thị Phương Anh
|
Khuyến khích
|
Hi vọng rằng, với sự quan tâm, đầu tư cùng với những giải pháp thiết thực, hoạt động SVNCKH của khoa VNH sẽ có thêm nhiều bước tiến mới trong những năm học sau.
Trợ lý khoa học
TS. Đỗ Phương Thảo
Một số hình ảnh của buổi hội thảo khoa học sinh viên: