Tóm tắt nội dung thuyết trình:
Nghiên cứu đề cập đến hướng nghiên cứu văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX từ góc độ lịch sử và xã hội học.
Trong nhiều tiểu thuyết và một số thể loại khác như truyện ngắn, du ký, vè, v.v. đề tài chính là một chuyến đi, gần hoặc xa, thường là với mục đích giới thiệu văn hóa, con người trên đường đi và tại các nơi tới thăm, nhưng đôi khi cũng có mục đích thông qua chuyến đi để “tìm đường” tới một xã hội công bằng hơn.
Tiểu thuyết Giấc mộng con (1917) của Tản Đà kể chuyện một giấc mơ của Nguyễn Khắc Hiếu tới Pháp, sau đó đi vòng quanh thế giới trước khi trở về nước Nam với nguyện vọng trở thành một “nhà triết học” viết sách nâng cao dân trí cho người cùng nước. Đối lập với xu hướng đó, Phạm Quỳnh thử nghiệm thành công và phổ biến thể loại du ký kể chuyện các chuyến đi có thật với những thông tin chính xác về hành trình cũng như các địa điểm đã tới, ví dụ như Một tháng ở Nam Kỳ và Ba tháng ở Paris của nhà học giả họ Quỳnh. Trong gần 17 năm, Nam Phong đã đăng khoảng 1000 trang du ký (đã tái bản thành sách), không kể các mục thông tin khác về các nước trên thế giới hoặc các chuyến đi.
Ngoài ra, trong nửa đầu thế kỷ XX, một số lượng khá đông người Việt đã phải đi nơi khác để tìm cách mưu sống. Trong đó, những đợt di dân đông nhất là do mộ phu mộ lính thời hai lần Thế chiến, mộ phu đi Tân Đảo, mộ phu đồn điền và cao su. Thực tế xã hội đó đã sản sinh ra các bài vè đi Tây, ký sự, và thậm chí tiểu thuyết. Tây phương mỹ nhơn do nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa cho ra mắt năm 1927 kể chuyện một thanh niên người Việt đi lính sang Pháp trong Đại chiến thế giới lần I yêu một cô gái người Pháp, qua nhiều trắc trở hai người được phép lấy nhau, nhưng không được sống tại Đông Dương. Những văn bản và tác phẩm văn học này chắc đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang tầm nhìn cho độc giả về tình hình thế giới cũng như trong xứ Đông Dương.
Nhìn chung, đề tài các chuyến đi trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX không chỉ mang lại kiến thức về văn hóa xã hội con người trong và ngoài nước, mà còn góp phần hình thành một quan niệm mới về xã hội Việt Nam đa văn hóa và đa chủng tộc.