Làng cổ Đường Lâm nằm ở Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 44km. Trong khuôn khổ của một buổi khảo sát thực tế môn học, để tìm hiểu về tác động của đô thị hoá tới văn hoá truyền thống của làng cổ Đuờng Lâm, vào một ngày đầu thu đẹp trời, chúng tôi cùng cô giáo hướng dẫn – TS Phạm Thị Thuý, tới thăm Đường Lâm. Từ cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, theo tuyến xe bus 20 đi tới thị xã Sơn Tây, bắt tiếp 1 tuyến xe nữa với hơn một giờ đồng hồ ngồi trên xe ngắm quang cảnh phố phường tấp nập của nội thành, những cánh đồng xanh mênh mông khu vực ngoại thành, chúng tôi đã về tới miền đất cổ Đường Lâm.
Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống, nơi sản sinh ra nhiều vị danh nhân cũng như nổi tiếng với những ngôi nhà đậm chất kiến trúc xưa với những con đường gạch, những bức tường đá ong cùng những nét văn hóa của làng quê vùng Bắc Bộ.
Đường Lâm hôm nay vẫn lưu giữ những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, giếng nước, ruộng, gò đồi... Từ cổng làng đi vào trên những con đường lát gạch, giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến tôi cảm nhận được sự ấm áp, bình yên. Đặc biệt là nét kiến trúc độc đáo hệ thống đền, lăng của hai vua và các nhà thờ họ, miếu, đình, chùa, giếng cổ... trong một môi trường cảnh quan sinh động, tạo điểm nhấn thú vị cho vùng đất cổ.
Đình Mông Phụ có kiến trúc độc đáo và quy mô lớn nhất tại Đường Lâm, tọa lạc ngay trung tâm làng Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ngôi đình được xây dựng mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt - Mường, mô phỏng kiến trúc nhà sàn. Sàn nhà còn có lan can tiện gỗ bao quanh. Đình có hai tòa tiền đường và hậu cung với một gian, hai chái lớn và cả hai tòa nhà đều được làm theo kiểu bốn lá mái với họa tiết trang trí hình mây cuộn, rồng bay. Đình được lợp bằng ngói di xếp vảy cá. Trên thân các cột xà, thanh xà đều được trạm trổ khắc hết sức tinh xảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng...
Đặc biệt ấn tượng với chúng tôi là hệ thống những cây cổ thụ mà nơi này còn bảo tồn được. Những cây đa cổ thụ uy nghi, sừng sững tỏa bóng mát cả một vùng với bộ rễ to lớn, sần sùi rêu mốc in đượm dấu ấn thời gian. Bên cạnh đó hàng ruối cổ thụ ngàn năm tuổi rợp bóng cạnh đền thờ Ngô Quyền cũng gây ấn tượng sâu sắc, tương truyền ngày xưa vua Ngô buộc voi sau mỗi trận chiến với kẻ thù để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Tuy vậy, cũng như các làng cổ khác ở đồng bằng Bắc Bộ, làng cổ Đường Lâm đang phải đối mặt với cơn lốc đô thị hoá vô cùng mạnh mẽ và khắc nghiệt. Kinh tế thị trường phát triển tấn công vào từng ngõ ngách, lối sống đô thị ngày một hiện hữu đang dần phá vỡ cảnh quan kiến trúc của một ngôi làng cổ được coi là thuần Việt. Bên cạnh những ngôi nhà cổ vài trăm năm đang xuống cấp, nằm sâu trong các con ngõ nhỏ, là các ngôi nhà mới cao tầng theo những kiểu dáng hiện đại, chạy dọc hai bên những con đường làng đã được bê tông hoá hiện đại. Làng cổ Đường Lâm giờ đây đang phải oằn mình để chống đỡ sức tấn công của quá trình đô thị hoá.
Cũng biết rằng, đô thị hoá luôn là một quá trình mang nhiều yếu tố khách quan, cùng với sự phát triển của dòng chảy lịch sử, sự thay đổi của các làng cổ là điều không thể tránh khỏi, nhưng nhóm khảo sát chúng tôi vẫn không khỏi cảm thấy buồn và tiếc nuối. Trong buổi tổng kết thu hoạch, cô trò chúng tôi đều bày tỏ mong muốn làng cổ Đường Lâm sớm có được một chiến lược quy hoạch tổng thể và các giải pháp thực tế để lưu giữ và phát huy những giá trị quý báu của một ngôi làng cổ đẹp nổi tiếng vùng Bắc Bộ này.
Một ngày rong ruổi khám phá khắp Đường Lâm bằng xe đạp của nhóm chúng tôi được khép lại bằng một bữa cơm ấm cúng với các món ăn truyền thống đậm đà hương vị làng Việt: canh rau muống, cà dầm tương, bánh đúc, bánh tẻ… Cảm ơn gia đình bác Quách Văn Tâm đã cho chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về con người và văn hoá nơi đây, không chỉ qua các món ăn mà còn qua tình cảm đón tiếp nồng hậu và những câu chuyện về nếp sống ở một làng quê. Cảm ơn cô giáo hướng dẫn, TS Phạm Thị Thuý, đã cho chúng tôi cách tiếp cận môn học một cách thực tế, sống động, vô cùng hiệu quả và chúng tôi luôn mong có nhiều buổi học thú vị như vậy.
Rời Đường Lâm, một sự lưu luyến như níu lấy bước chân những người khách phương xa chúng tôi, hẹn một ngày gần nhất chúng tôi lại về thăm người nhé Đường Lâm!
Đường Lâm, tháng 8/2019
Nguyễn Thị Huệ - Học viên CHK28 - Việt Nam học