Đây là tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng và các đơn vị đã có nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, với tiêu chí xét giải hội tụ nhiều yếu tố như phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương: “tác phẩm tốt, công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học và thực tiễn; đề cập kịp thời những vấn đề thiết thực trong đời sống văn học, nghệ thuật, có tác dụng định hướng công tác lý luận, sáng tác; đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, lệch lạc trong đời sống văn học, nghệ thuật”.
Ở lần xét tặng thưởng này, Hội đồng tiếp tục thực hiện theo quy trình chặt chẽ ở Tiểu ban sơ tuyển; báo cáo Hội đồng xét chọn và trình Ban Chỉ đạo quyết định tặng thưởng cho 15 tác phẩm, trong đó mức A: 04; mức B: 06 tác phẩm; mức C: 05 tác phẩm; tặng thưởng cho 09 đơn vị có đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Trong số 37 cuốn sách, 49 bài viết và chương trình phát thanh được xét năm 2018, cuốn sách "Những quan niệm, những thế giới nghệ thuật văn chương" của PGS.TS Lê Quang Hưng, giảng viên cao cấp khoa Việt Nam học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Hội đồng trao thưởng giải B. Cuốn sách gần 300 trang, tập hợp các kết quả nghiên cứu của tác giả trên 2 nội dung lớn. “Những quan niệm văn chương” tập hợp những nhận diện, đánh giá về những đóng góp trên phương diện lý luận của một số tác giả, hiện tượng văn chương tiêu biểu như Tự lực văn đoàn, phong trào thơ mới 1932 – 1945, Phạm Quỳnh, Hải Triều, Thạch Lam, Nam Cao… “Những thế giới nghệ thuật văn chương” tập hợp những bài viết khái quát và phân tích đặc điểm cốt lõi về tư tưởng và phong cách nghệ thuật của những tác giả lớn đang được giảng dạy, nghiên cứu trong nhà trường hiện nay như: Hồ Chí Minh, Targo, Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu…
Ảnh 1: Trao giải cho các tác phẩm đạt giải B
Ảnh 2. PGS.TS. Lê Quang Hưng tại lễ trao giải
Box thông tin:
4 tác phẩm được tặng thưởng mức A là: sách "Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam" (Hội Kiến trúc sư Việt Nam); sách "Trang phục người Việt xưa - nay" (Đoàn Thị Tình, Viện Sân khấu – Điện ảnh); sách "Tiếp thu tinh hoa thi pháp kịch nước ngoài: Tập 1 & Tập 2" (Tất Thắng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); sách "Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học" (Trần Nho Thìn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tặng thưởng đạt mức B được trao cho các tác giả của 6 tác phẩm khác gồm: sách "Những quan niệm, những thế giới nghệ thuật văn chương" (Lê Quang Hưng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), sách "Tiêu điểm thời gian" (Vũ Kim Thoa, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên); sách "Đồng hành với cái đẹp" (Nguyễn Phương Liên, Báo Nhân Dân); chương trình phát thanh “Việt hóa” phim nước ngoài: Lối thoát hay bế tắc?" (Biên tập viên Phạm Minh Phú, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam); sách "Nghiên cứu lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954" (Nguyễn Thị Thanh Xuân, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); bài "Sự tiếp thu lý thuyết sân khấu nước ngoài ở Việt Nam hiện nay" (Cao Ngọc, Ban Văn học Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam).
Ảnh 3. Tác phẩm đạt giải thưởng của PGS.TS. Lê Quang Hưng
5 tác phẩm tặng thưởng mức C gồm: "Năng lượng của văn chương" (Nguyễn Trọng Hoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo); chương trình "Vận dụng dân ca – Lối mòn trong ca khúc" (Nhóm tác giả Trần Nhật Dương, Phạm Xuân Kỳ, Tạ Mai Anh, VOV3); "Đi tìm lời giải cho tác phẩm múa đương đại" (Thanh Hoa, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam); "Phê bình âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh - tồn tại hay không?" (Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Trường Đại học Sài Gòn); "Cách tân hay sáng tạo nửa vời, phản cảm?" (Việt Quang, báo Nhân dân).
Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho 9 đơn vị đã có đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Mỹ thuật; Nhà xuất bản Sân khấu; Nhà xuất bản Văn học; Ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Nhân dân; Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam; Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam; Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Phạm Thị Thùy Linh – Khoa Việt Nam học, Trường ĐHSP Hà Nội