Thực hiện kế hoạch công tác của chi bộ khoa Việt Nam học nhiệm kỳ 2017 - 2020, trong hai ngày 19 và 20 tháng 1 năm 2019, khoa Việt Nam học lấy chi bộ làm nòng cốt đã tổ chức chuyến đi đầy ý nghĩa về với mảnh đất Bắc Sơn lịch sử - nơi ghi dấu ấn thành lập đội du kích Bắc Sơn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Tham dự chuyến đi gồm có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hoài - Bí thư chi bộ, Phó trưởng khoa Việt Nam học (trưởng đoàn), GS.TS. Lê Huy Bắc - Trưởng khoa Việt Nam học, TS. Phạm Thị Hà - Phó trưởng khoa Việt Nam học, Chủ tịch Công đoàn Khoa, PGS.TS Lê Quang Hưng nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Trưởng khoa Việt Nam học cùng các đồng chí trong chi ủy, công đoàn, các đồng chí đảng viên, các đối tượng cảm tình Đảng của chi bộ.
Chuyến tham quan thực tế đưa đoàn công tác lần đầu tiên đến với di tích an toàn khu (ATK) Khuổi Nọi – nơi khởi nguồn thành lập Đội du kích I, di tích được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1962. Tại khu rừng Khuổi Nọi, ngày 14 tháng 2 năm 1941 khi trên đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Cao Bằng, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đã tới khu du kích Bắc Sơn để phổ biến quyết định của Trung ương và chỉ đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng quyết định thành lập Đội Cứu quốc quân I (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) do đồng chí Lương Văn Tri làm chỉ huy trưởng. Từ khi được thành lập, Đội Cứu quốc quân I đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, là lực lượng nòng cốt đấu tranh vũ trang của cách mạng nước ta, khu rừng Khuổi Nọi - Tam Tấu đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc cho Đội Cứu quốc quân I, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, trên tấm bia lưu niệm Khuổi Nọi còn ghi lại danh sách 32 cán bộ chiến sĩ cứu quốc quân năm ấy, trong đó có có cả những chiến sĩ cứu quốc còn không đủ họ tên để lại cho đoàn niềm xúc động trào dâng.
Tiếp đó, đoàn đã dừng chân tại bảo tàng Bắc Sơn – nơi tái hiện và lưu giữ những hiện vật của cuộc khởi nghĩa vũ trang năm xưa để hiểu hơn và tự hào hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc. Khu trưng bày của bảo tàng được xây dựng từ năm 1985, mô phỏng kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Bên trong bảo tàng được bố trí một cách khoa học, gồm ba khu vực trưng bày: Bắc Sơn thời tiền sử, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Bắc Sơn phát huy truyền thống cách mạng. Được sự quan tâm, đầu tư xây dựng của các cấp chính quyền, bảo tàng Bắc Sơn thực sự đã trở thành không gian lịch sử - văn hóa giá trị và là điểm dừng chân thu hút rất nhiều du khách khi về xứ Lạng. Tại đây, đoàn đã thấu hiểu hơn về ý nghĩa và những đóng góp của đội Cứu quốc quân I trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, những hiện vật của nền văn hóa Bắc Sơn cũng giúp đoàn hiểu hơn về thời kỳ văn hóa đồ đá ở Việt Nam.
Trong hành trình, đoàn đã đến tham quan làng sản xuất ngói âm dương Long Đống, được chứng kiến các khâu chọn bùn, lọc bùn, vào lò, ra lò để có một mẻ ngói - thực sự là những trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, đoàn còn ghé thăm vườn quýt, hang hú và được thưởng thức những làn điệu hát Then dìu dặt, xao xuyến lòng người – di sản văn hóa đặc sắc của bà con người Tày Bắc Sơn. Không chỉ được thưởng thức màn trình diễn các làn điệu hát Then nổi tiếng như Lạng Sơn đổi mới, Lạng Sơn quê Noọng, Múa chầu..., đoàn đã cùng giao lưu với bà con để tìm hiểu thêm về cây đàn tính, về những phong tục tập quán và cách thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào người Tày nơi đây.
Chương trình tham quan thực tế tại Bắc Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đoàn cản bộ đảng viên Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chuyến đi thực tế vừa có ý nghĩa giáo dục về tư tưởng chính trị, vừa góp phần tăng cường sự hiểu biết thực tiễn về lịch sử - văn hóa của dân tộc, góp phần tăng cường sự đoàn kết và một không khí tươi vui, phấn khởi trong đơn vị.
Sau đây là một số hình ảnh được ghi lại từ chuyến đi thực tế rất ấn tượng này:
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài, Bí thư Chi bộ Việt Nam học, Phó Trưởng Khoa
TS. Phạm Thị Hà, Phó Trưởng Khoa, Chủ tịch Công đoàn Khoa