Ngày 1 tháng 6 năm 2023, em lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam để lưu học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đó là lần đầu tiên em đi xa nhà nhất, cũng là lần đầu tiên em đi học ở nước ngoài. Sống ở một môi trường hoàn toàn xa lạ, ban đầu em rất lo lắng và sợ hãi vì chắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và học tập. Nhưng may mắn nhất là khi em gặp khó khăn, thầy cô của Viện Giáo dục và Đào tạo Quốc tế, khoa Việt Nam học Trường ĐHSP Hà Nội và các bạn sinh viên Việt Nam đều rất nhiệt tình giúp đỡ em, khiến em rất cảm động và cảm thấy gần gũi giống như đang sống ở Trung Quốc.
Lý Tử Thanh tại khuôn viên trường ĐHSPHN, trong tà áo dài Việt Nam
Trước đây, khi lựa chọn chuyên ngành tiếng Việt, em vẫn luôn mong chờ cơ hội đến Việt Nam du học một năm theo chương trình 3+1, nhưng vì dịch bệnh Covid-19 mà thời gian du học trở nên ngắn hơn như dự định. Tuy thời gian du học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nôi chỉ có 3 tháng nhưng em đã rất thỏa mãn rồi. Vì chỉ trong thời gian này, em cũng đã học được nhiều văn hóa Việt Nam và được sống trong môi trường ngôn ngữ bản địa. Trình độ tiếng Việt của em tiến bộ rất rõ rệt so với ngày trước, dưới sự dẫn dắt của các thầy cô. Trong quá trình học tập trên lớp, các thầy cô cũng rất nhiệt tình, vui tính và dễ thương.Trong khoảng thời gian 3 tháng tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vui có, buồn có. Vui vì em đã được học được rất nhiều kiến thức mới cũng như những ứng xử văn hóa giao tiếp trong cuộc sống, giúp em thêm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam. Buồn vì em sẽ phải nói lời tạm biệt với các thầy cô, với mái trường ĐHSP Hà Nội thân thương, và với Việt Nam.
Một buổi học của học phần Thực tế tiếng Việt: thực tế văn hóa cà phê Việt Nam
Hà Nội là một thành phố rất đặc biệt, bởi chính là Thủ đô của đất nước chữ S Việt Nam xinh đẹp. Thành phố Hà Nội cho em ấn tượng sâu sắc nhất bởi 2 điều, một là mọi lúc mọi nơi đều có rất nhiều xe máy. Có người nói “Xe máy là đặc sắc của Việt Nam”. Bây giờ em hoàn toàn đồng ý với câu nói đó. Hai là thời tiết biến đổi rất nhanh, dù trời có nắng nóng oi ả tới đâu đi chăng nữa, thì chỉ cần một trận mưa rào sẽ cuốn đi hết những cái nóng đó và để lại nơi đây chút lành lạnh, cái lạnh đáng nhớ nhất của vùng đất Hà Nội. Trong suốt thời gian du học tại Việt Nam, em đã ăn được nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, chẳng hạn như bún chả, bún trộn, chả chan, nem nướng, phở bò, phở gà... Trong đó, Phở là một món ăn truyền thống của người Việt mà em có thể ăn ba bữa trong ngày, đồng thời phở cũng được xem là một trong những biểu tượng ẩm thực của Việt Nam. Ngoài ra, em cảm nhận được người dân Việt Nam rất nhiệt tình hiếu khách và mộc mạc, bình dị.
Khi em sống ở Hà Nội trong vòng 3 tháng, em có rất nhiều kỉ niệm đẹp đẽ nhất với Hà Nội. Em đã từng tham quan rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, chẳng hạn như Quảng trường Ba Đình, Hồ Gươm, Phố cổ Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà thờ lớn Hà Nội, Hồ Tây, Nhà hát lớn Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Chùa Một Cột, Cầu Long Biên... Trong đó, em thích nhất là Hồ Gươm. Vì bên cạnh hồ có những công trình kiến trúc như tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn, đền vua Lê Thái Tổ, tháp Hoà Phong,… Buổi sáng có nhiều người đến đây để tập thể dục như một nét văn hoá riêng đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Buổi trưa và chiều mặt hồ như tấm gương lớn soi bóng những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha tóc rủ, những mái đền, chùa cổ kính, tháp cũ rêu phong, các toà nhà mới cao tầng vươn lên trời xanh.
Lý Tử Thanh tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội
Khi em đã thích nghi với cuộc sống ở Hà Nội cũng là lúc sẽ phải nói tạm biệt với Hà Nội. Sang Việt Nam là một lựa chọn chính đáng nhất trong cuộc đời sinh viên của em. Thời gian học tập tai Việt Nam cũng đã kết thúc, em rất cảm ơn Viện Giáo dục và Đào tạo Quốc tế, khoa Việt Nam học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho em cơ hội này được sang Việt Nam du học, để cuộc sống đại học không có hối tiếc.
Em rất thích Việt Nam, mong rằng sau này em có thể dạy tiếng Việt để các bạn biết thêm văn hóa Việt Nam và tìm hiểu thêm Việt Nam.
Lễ bế giảng khóa học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho sinh viên Học viện Quế Lâm
Lý Tử Thanh, lưu học sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội