HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC KHOA VIỆT NAM HỌC NĂM HỌC 2020-2021

 

Trong năm học trước, năm học 2019-2020, khoa VNH có 8 báo cáo tham dự cấp khoa, trong đó có 2 báo cáo được chọn gửi đi cấp Trường: BC “Tiếp cận liên ngành Việt Nam học trong thiết kế hoạt động trải nghiệm liên môn Khoa học Xã hội cho học sinh THCS trên địa bàn Hà Nội” của nhóm tác giả Hoàng Thị Hằng, Phạm Minh Hiếu, Tạ Tuấn Hưng (K68A) dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Thu Hoài đạt giải Nhì cấp trường và được tham dự Giải thưởng sinh viên NCKH Eureka toàn quốc lần thứ 22, lọt vào vòng bán kết; BC “Hiện tượng tái sáng tạo ngữ liệu văn học Việt Nam trong nhạc trẻ hiện nay” của Lăng Thị Khánh Linh, Ngô Thị Thanh (K68B) dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung đạt giải Ba cấp trường.

Theo tinh thần đó, Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2020-2021 lần này - kì hội nghị thứ 16 của khoa Việt Nam học đã được triển khai ngay từ học kỳ 1 với sự chỉ đạo sát sao của Ban chủ nhiệm khoa cùng sự phổ biến, vận động nhiệt tình của các thầy, cô giáo. Tuy nhiên, một thực tế phải thừa nhận là trong năm học này, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên đang có chiều hướng đi xuống. Tổng số báo cáo thực nộp của năm nay chỉ có 6 BC, trong đó lực lượng chủ đạo là K68 với số lượng áp đảo 5/6 BC có sự tham gia của K68. Cũng rất đáng biểu dương là tinh thần hợp tác, làm việc nhóm của sinh viên năm nay khi có 1 BC được thực hiện dưới sự liên kết giữa hai khóa K67 và K68. K69 có 1 báo cáo tham dự. Rất đáng tiếc là, các sinh viên năm nhất K70 có lẽ vì còn bỡ ngỡ và chưa đủ tự tin nên không có BC nào tham dự.

Trong tổng số 6 báo cáo, số lượng báo cáo thuộc chuyên ngành Văn hoá, như mọi năm, vẫn chiếm tỉ lệ cao với 2 BC, báo cáo thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ - Truyền thông chiếm 2 BC, báo cáo thuộc chuyên ngành Du lịch là 1 BC và 1 BC thuộc chuyên ngành Khoa học Giáo dục.

Trước hết, sự lựa chọn đề tài của sinh viên, nếu như trong các hội nghị trước nổi bật lên hai hướng chọn lựa: Một là những BC đi theo hướng khai thác những nét đẹp về ngôn ngữ, văn học và văn hóa truyền thống của dân tộc, những giá trị lịch sử, những tiềm năng du lịch của đất nước. Hai là tìm hiểu các giá trị đương đại hoặc đặt các giá trị đó trong cái nhìn đối sánh giữa truyền thống và hiện đại, thì năm nay, hướng đi thứ hai thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn SV hơn hẳn. Các bạn quan tâm đến việc tìm hiểu tất cả các vấn đề của đời sống văn hóa sinh viên, từ thời trang, đến văn hóa đọc. Đi theo hướng nghiên cứu này là các BCKH: Đời sống văn hóa sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội – Đặng Hà Linh, Nguyễn Thị Phương (K68B), GVHD: TS. Nguyễn Thị Thu Hoài; Thời trang Vintage trong đời sống sinh viên Hà Nội hiện nay – Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Hồng, Hoàng Thị Hoài (K69), GVHD: TS. Phạm Thị Hà; Văn hóa đọc báo điện tử của sinh viên khối Xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay – Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Hoàng Minh, Phan Thị Thùy Sương (K67, K68), GVHD: ThS. Hoàng Thị Hiền Lê. Các nhóm SV này đã phân tích đời sống văn hóa đương đại từ nhiều phương diện và thể hiện quan điểm khoa học của mình để góp phần định hướng cho các bạn sinh viên trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập.

Năm nay, Hội nghị được đón chào sự quay trở lại của đề tài thuộc chuyên ngành Du lịch: Hiện trạng phát triển du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông – Thanh Hóa – Trần Phương Anh, Nguyễn Thị Phương Lan, Nguyễn Văn Đạt, Phạm Như Đăng (K68). Xuất phát từ ý nghĩa của du lịch sinh thái, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu về hiện trạng phát triển du lịch sinh thái tại khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông- Thanh Hóa để có được cái nhìn bao quát về khu Bảo tồn thiên nhiên này. Từ đó có những đóng góp về mặt giải pháp để du lịch sinh thái cùng nhiều loại hình du lịch khác ở khu bảo tồn này có thể được khai thác hợp lí.

Đặc biệt, có một đề tài thuộc chuyên ngành KHGD – 1 hướng đi mang tính thực tiễn cao: Xây dựng ứng dụng từ điển chuyên ngành Việt Nam học phục vụ đào tạo Cử nhân nước ngoài – Tạ Tuấn Hưng, Lê Quỳnh Anh, Hoàng Thị Hằng, Phạm Minh Hiếu (K68A). Đây là một bước đi có tính kế thừa và phát triển từ đề tài năm ngoái của chính nhóm tác giả này, thể hiện một kế hoạch dài hơi trong NCKH. Tuy nhiên điểm khác biệt là nếu năm trước, nhóm hướng đến đối tượng là học sinh cấp THCS ở Hà Nội học môn Việt Nam học, thì năm nay đối tượng hướng đến lại là Cử nhân nước ngoài đang theo học chuyên ngành Việt Nam học tại khoa. Nhận thấy một thực trạng là trong quá trình tiếp thu kiến thức từ các học phần chuyên ngành Việt Nam học, không ít sinh viên nước ngoài vướng phải các vấn đề về thuật ngữ chuyên ngành, nhiều sinh viên chưa hiểu rõ, hiểu sai lệch hoặc không thể hình dung ra được thuật ngữ đó chuyển thể thành hình ảnh, sự vật, hiện tượng cụ thể là như thế nào, nhóm nghiên cứu đã đi sâu: tìm hiểu và khảo sát những khó khăn của sinh viên nước ngoài trong việc hiểu các thuật ngữ, khảo sát các từ điển tham khảo liên quan đến Việt Nam học; phân tích, đánh giá kết quả khảo sát, từ đó có những nhìn nhận về nhu cầu sử dụng từ điển học phần chuyên ngành Việt Nam học của sinh viên nước ngoài; tiến hành xây dựng ứng dụng từ điển mẫu và chạy thử, đánh giá sản phẩm. Việc gắn nghiên cứu lí thuyết với thực hành và ứng dụng là một điểm mới và điểm sáng của BCKH này.

Về phương pháp nghiên cứu, hầu hết các báo cáo đều có ý thức xác định các phương pháp nghiên cứu cần thiết dựa trên đối tượng nghiên cứu cụ thể. Một số báo cáo đã sử dụng hiệu quả phương pháp điền dã, khảo sát, điều tra kết hợp với phân tích và tổng hợp tư liệu. Điểm đặc biệt là năm nay, số lượng BCKH vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành rất nhiều: VD ngôn ngữ - văn hóa, du lịch – văn hóa, lịch sử - văn hóa... Những phương pháp nghiên cứu này rất được khuyến khích.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực về mặt chất lượng, vẫn cần phải thẳng thắn chỉ ra một số điểm chưa làm được của chúng ta. Vẫn còn tồn tại một số trường hợp sinh viên chưa biết cách làm BCKH cho đúng trình tự và quy cách. Có nhiều BCKH đã được BGK ở vòng sơ khảo chỉ ra điểm hạn chế là biết chọn lựa các PPNC phù hợp nhưng việc vận dụng thì chưa hiệu quả. Có nhiều bạn gặp khó khăn về đề tài, về cách giải quyết vấn đề, cách điều tra, khảo sát, v.v… nhưng lại ngại liên lạc với người hướng dẫn để tìm cách giải quyết. Có những bạn chưa biết làm Thư mục Tài liệu tham khảo hoặc chưa biết viết một báo cáo tóm tắt cho đúng thể lệ. Có nhiều bạn mắc lỗi diễn đạt về ngôn ngữ và lỗi trong sắp xếp hệ thống ý, lỗi trình bày… Mong rằng qua lần tập dượt này, các bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong cách làm việc.

Kết quả cuối cùng của Hội nghị như sau:

 

STT

Đề tài

Chuyên ngành

Sinh viên thực hiện

Người hướng dẫn

Giải

1

Xây dựng ứng dụng từ điển chuyên ngành Việt Nam học phục vụ đào tạo Cử nhân nước ngoài

Khoa học Giáo dục

Hoàng Thị Hằng, Phạm Minh Hiếu, Tạ Tuấn Hưng, Lê Quỳnh Anh (K68A)

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài

Nhất

2

Hiện tượng nhại trong ngôn ngữ của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay

Ngôn ngữ

Lăng Thị Khánh Linh (K68B)

TS. Đỗ Phương Thảo

Nhì

3

Thời trang Vintage trong đời sống sinh viên Hà Nội hin nay

Văn hóa

Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Hồng, Hoàng Thị Hoài (K69)

TS. Phạm Thị Hà

Nhì

4

Đời sống văn hoá sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Văn hóa

Đặng Hà Linh, Nguyễn Thị Phương (K68B)

TS. Nguyễn Thị Thu Hoài

Ba

5

Văn hoá đọc báo điện tử của sinh viên khối Xã hội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay

Báo chí

Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Hoàng Minh, Phan Thị Thuỳ Sương (K68B)

ThS. Hoàng Thị Hiền Lê

Khuyến khích

6

Hiện trạng phát triển du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông – Thanh Hoá

Du lịch

Trần Phương Anh, Nguyễn Thị Phương Lan, Nguyễn Văn Đạt, phạm Như Đăng (K68)

ThS. Cao Hoàng Hà

Khuyến khích

 

Dưới đây là một số hình ảnh về Hội nghị:

 

 


Source: 
05-05-2021
Tags